Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đợt 2 kỳ thi ĐH 2014: Chỉ thuộc lòng chắc chắn trượt!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đề thi đợt II sẽ ra theo hướng mở, nếu thí sinh chỉ học thuộc lòng thì chắc chắn là không đủ, phải biết vận dụng kiến thức. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về đợt II của kỳ thi ĐH 2014.

(ĐSPL) - Đề thi đợt II sẽ ra theo hướng mở, nếu thí sinh chỉ học thuộc lòng thì chắc chắn là không đủ, phải biết vận dụng kiến thức. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về đợt II của kỳ thi ĐH 2014.


Sẽ không còn đất cho học thuộc lòng

Lý giải sâu hơn về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng với xu hướng ra đề hiện nay của Bộ GD-ĐT sẽ không còn “đất” cho việc học thuộc lòng nữa mà đòi hỏi thí sinh có tư duy và biết cách ứng dụng kiến thức của mình vào thực tế. Qua kỳ thi THPT và đợt một kỳ thi ĐH vừa qua có thể thấy xu hướng ra đề sẽ tập trung chủ yếu kiểm tra kiến thức thí sinh đã học trong sách giáo khoa lớp 12. Nếu gặp những dạng đề lạ, thí sinh cần linh động vận dụng kiến thức đã học suy luận, tìm đáp án.

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) suy đoán trong đợt hai, đề thi các môn khối C cũng có thể sẽ theo hướng tăng các câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để suy luận. “Theo tôi, với việc đổi mới cách ra đề của Bộ GD-ĐT, thí sinh không cần học thuộc lòng từng ý trong sách mà phải biết cách nắm bắt những ý trọng tâm để phân tích, đồng thời cũng cần chú ý đến các sự kiện thời sự, những hiện tượng xã hội... Một đề thi các môn khoa học xã hội bao giờ cũng đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để phân tích những sự kiện thực tế” - ông Hạ nói.

Cấu trúc đề thi đợt I có là "hình mẫu" cho đề thi đợt II?

Một phần nữa thu hút sự quan tâm của thí sinh là cấu trúc đề thi liệu có giống đợt một để không còn tách bạch hai phần chung (dành cho tất cả thí sinh) và riêng (thí sinh lựa chọn làm một trong hai phần: dành cho chương trình chuẩn, hoặc chương trình nâng cao)? Cho dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi được chất vấn chưa có câu trả lời thỏa mãn, nhưng nhiều giáo viên từng tham gia ra đề thi ĐH, giảng viên các trường ĐH cũng như các giáo viên nhiều kinh nghiệm của các trường THPT đều tiên lượng cấu trúc đề thi đợt một sẽ chính là “hình mẫu” cho đề thi đợt hai sắp tới.

PGS.TS Trịnh Đình Tùng (khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Thực tế việc bỏ đi phần tự chọn là quyết định đúng của Bộ GD-ĐT. Kinh nghiệm chấm thi ĐH bao năm qua của chúng tôi đã thấy rõ đề thi dù có phần tự chọn, nhưng cực kỳ hiếm hoi thí sinh chọn câu hỏi ở chương trình nâng cao”.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, những vấn đề cần chú ý trong Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ là các Hội đồng thi cần quan tâm tới lịch thi của từng buổi thi. Vì đợt 2 có nhiều môn, nên các Hội đồng thi phải quán triệt để cán bộ coi thi không bóc nhầm đề, giám thị phải làm đúng qui trình được hướng dẫn.

Mặt khác, do đợt 2 có nhiều môn xã hội, nên mọi năm thí sinh thường mang tài liệu vào quay cóp, vì vậy Bộ GD&ĐT yêu cầu giám thị phải thực thi nhiệm vụ thật nghiêm túc để đảm bảo trật tự phòng thi và tính công bằng.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, dứt khoát thí sinh phải để điện thoại cá nhân ở nhà hoặc ngoài phòng thi. Nếu thí sinh vi phạm quy chế thi sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc.

Ngày mai 8/7, thí sinh thi đại học Đợt 2 sẽ đến trường làm thủ tục. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thi đại học đợt 2 này, cả nước có 749.730 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi ở 139 trường tổ chức thi với nhiều khối bao gồm B, C, D và các khối năng khiếu.

Tin nổi bật