Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp lữ hành cân não đối phó với nguy cơ phá sản trong “trận chiến mới” với Covid-19

(DS&PL) -

Khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sau gần 100 ngày khống chế, kiểm soát thành công mọi thứ như “cú đánh trời giáng thứ hai” với ngành du lịch.

Khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sau gần 100 ngày khống chế, kiểm soát thành công mọi thứ như “cú đánh trời giáng thứ hai” với ngành du lịch. Thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch hứng chịu khó khăn chung, riêng khối lữ hành lại còn khó hơn ngàn lần và đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Cơ hội luôn ở phía trước, song trước tiên các doanh nghiệp này cần tồn tại qua “cơn bão Covid”...

Như “cá trên thớt”

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang đứng trước thách thức rất lớn, có thể ví như cảnh “trên đe dưới búa”, một số doanh nghiệp còn than rằng chẳng khác “ngàn cân treo sợi tóc” của việc phá sản. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành - nối tiếp Đà Nẵng - làm cho khách du lịch hủy/hoãn tour hàng loạt, khiến cho các doanh nghiệp lữ hành trở tay không kịp. Hiện nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với vô vàn khó khăn, chưa tìm ra biện pháp để có thể xoay trở trong bối cảnh mà khách hủy tour, yêu cầu hoàn lại 100% tiền. Trong khi đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ liên quan... đặc biệt là hàng không lại có “ý kiến khác”.

Bà Vũ Thị Kim Loan, Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại Đồng Nai cho biết: Tôi thấy sốc khi khách hàng hăm dọa đòi đến đập phá công ty, dù đã có thông báo gửi đến khách hàng về việc hoàn tiền, nhưng khách vẫn cứ đòi hoàn 100% tiền đã đặt tour. Thực tế, sự tái diễn của dịch khiến doanh nghiệp đang rất khó khăn khi có đến 50% khách đòi hoàn tiền tour 100%. Chúng tôi đã nhiều lần giải thích cho khách hàng là để thực hiện các tour khởi hành từ ngày 31/7 phải đặt cọc phí dịch vụ, mua vé máy bay... nhưng đến nay các đối tác không chịu hoàn lại tiền”.

Dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh/thành khiến cho các doanh nghiệp lữ hành trở tay không kịp. Ảnh minh họa

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng giám đốc công ty Viettourist cho biết: “Hiện nay, hệ lụy đối với ngành du lịch là rất lớn khi dịch bùng phát bắt đầu từ Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng, các doanh nghiệp du lịch có bị ảnh hưởng và thiệt hại từ Đà Nẵng nhưng không nhiều mà chủ yếu là từ các điểm đến khác, theo hiệu ứng domino - tâm lý của khách hàng lo sợ về sức khỏe nên đã hủy tour”.

“Trong khi đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ lại không thực hiện việc hoàn trả mà công ty lữ hành đã mua cho khách hàng trước đó, vì vậy, khách hàng lại đổ lỗi vào doanh nghiệp lữ hành. Đây là điều bất hợp lý và gây sức ép đối với các doanh nghiệp lữ hành vốn đã rất khó khăn nay lại càng lao đao trong thời hiện nay”, ông Hiệp nói thêm.

Hiện nay, ghi nhận của PV cho thấy, các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn nhất chính là việc hoàn lại tiền vé máy bay cho khách hàng. Ông Trần Tuấn Hùng, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cho rằng: “Khó khăn đối với các doanh nghiệp lữ hành hiện nay là đàm phán với các hãng hàng không để hoàn tiền cho khách”.

“Việc hoàn vé là gần như không thể, do điều kiện mà các hãng không đưa ra là quá ngặt nghèo, trong khi đó khách hủy tour không đến từ các vùng dịch mà đến các địa điểm khác, như: Quảng Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc... Tuy nhiên các hãng hàng không cho rằng, họ vẫn đang khai thác các đường bay này nên không thể hoàn vé lại cho khách, vì vậy, chúng tôi chưa có cơ sở để giải quyết 100% tiền tour cho khách”, ông Hùng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hào, Giám đốc công ty Huế Tourist chia sẻ: “Doanh nghiệp đang khó khăn trăm bề khi dịch tái diễn nhưng chúng tôi chưa nhận được sự chia sẻ của hãng hàng không”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các hãng hàng không, đều đưa ra những điều kiện hết sức ngặt nghèo khiến họ sẽ mất tiền, vì khách du lịch không bay trong khoảng thời gian quy định này.

“Điển hình như một hãng hàng không, chỉ cho dời ngày đến 31/10/2020 theo chế độ hạng vé và chỉ cho khách sử dụng. Trong khi hãng khác lại không cho hoàn hay hủy vé, chỉ cho quy đổi sang dạng voucher, có giá trị trong năm 2020. Nhưng do vé khách mua tại thời điểm đó là giá khuyến mãi nên chỉ có khách được sử dụng và phải bù thêm chi phí chênh lệch giá vé tại thời điểm ngày mua vé mới”, ông Hào nói thêm.

Cầm cự và hy vọng

Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch nhiều địa phương cũng đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Thuận, Kiên Giang... và cả Tổng cục Du lịch đề nghị “vào cuộc” nhằm chia sẻ khó khăn.

“Với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, dẫn đến tâm lý lo ngại cho sự an toàn về sức khỏe và tính mạng nên người dân không thể tiếp tục đi du lịch trong thời gian này. Việc hủy và hoãn lại các chuyến đi du lịch trong thời điểm này là quyết định cần được chấp nhận, vì sức khỏe cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) cho biết.

Trước tình trạng này, HTA đã ghi nhận phản ánh của nhiều doanh nghiệp về tình hình hủy tour, không chỉ riêng các địa phương có dịch bệnh mà cả những điểm đến là các địa phương chưa có dịch. Khi hủy tour, khách yêu cầu công ty lữ hành hoàn 100% tiền, chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp. Vì vậy, “các công ty lữ hành phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng lại không được hoàn trả các khoản ứng trước đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho các nhà cung ứng như: Vận chuyển, lưu trú, nhà hàng và đặc biệt là các hãng hàng không”, bà Khánh cho hay.

“Hiệp hội đề nghị sở Du lịch Khánh Hòa và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hãy chia sẻ sự tổn thất và thiệt hại trong giai đoạn dịch Covid- 19 tái phát, theo hướng: Không phạt hủy/hoàn tour, đồng thời xem xét lại có thể hoàn tiền cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần sự chung tay, chia sẻ với các doanh nghiệp du lịch với nhau trong tình huống bất khả kháng hiện tại”, ông Phạm Minh Nhật, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cũng cho biết: “Trước khó khăn chung của các doanh nghiệp, Hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp thành viên - tùy theo tình hình hợp đồng của các đơn vị để có trao đổi - trên tinh thần chia sẻ khó khăn trong giai đoạn này, nhằm duy trì hình ảnh đẹp trong lòng du khách và đối tác”.

Chung tay hợp tác, đàm phán, chia sẻ

Ngay khi có các thông tin “cầu cứu” từ các doanh nghiệp/hiệp hội du lịch, một số cơ quan chức năng của các tỉnh đã vào cuộc. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đã có văn bản, chỉ đạo các đơn vị.

“Vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho khách du lịch, đồng thời, cùng chung tay hợp tác, đàm phán, chia sẻ những khó khăn do tác động của dịch bệnh trong việc hoàn/huỷ các chương trình du lịch - dịch vụ đã ký kết giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ và các đơn vị sử dụng dịch vụ”, ông Bùi Quốc Thái, Phó Giám đốc sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho hay.


Chí Thanh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (131)

Tin nổi bật