Mới đây, ông Võ Trọng Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký công văn số 6811/UBND-KT2 ngày 13/10/2021 gửi các Sở, ban ngành về việc đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Tập đoàn Đức Thắng (Tập đoàn Đức Thắng) nghiên cứu, khảo sát thực hiện cụm điện gió trên đất liền và ngoài khơi huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Doanh nghiệp của đại gia Trần Xuân Thạch được chấp thuận nghiên cứu làm cụm điện gió 13.800 tỷ. Ảnh minh họa
Theo đó, Tập đoàn Đức Thắng được phép nghiên cứu, khảo sát trên diện tích khoảng 2.698 ha đất liền và khoảng 4.416 ha trên mặt biển (chỉ khảo sát trong phạm vi vùng biển 3 hải lý trở vào). Thời gian khảo sát là 18 tháng, gồm cả thời gian khảo sát đo gió…
Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Tập đoàn Đức Thắng trong quá trình nghiên cứu không làm ảnh hưởng, vi phạm đến các công trình, quy hoạch an ninh quốc phòng, quy hoạch du lịch, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và các vấn đề an sinh xã hội khác.
Trước đó, ngày 6/7, Tập đoàn Đức Thắng đã có văn bản số 02/CV-ĐT gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc làm cụm dự án điện gió trên bờ và trên biển thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 13.893 tỷ đồng.
Các dự án CTCP Tập đoàn Đức Thắng đề xuất đầu tư bao gồm: Dự án cụm nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 148,5MW được đầu tư tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh có tổng mức đầu tư 5.206 tỷ đồng.
Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án là 3.937 ha, dự kiến xây dựng 33 turbine gió. Sản lượng điện sản xuất khoảng 481.229MWh/năm, doanh thu dự kiến 949 tỷ đồng/năm.
Dự án thứ hai là nhà máy điện gió có công suất dự kiến 200MW được đầu tư xây dựng tại khu vực biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 8.687 tỷ đồng.
Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 4.416 ha, xây dựng 40 turbine gió trên biển với sản lượng điện sản xuất 563.054MWh/năm, doanh thu dự kiến 1.280 tỷ đồng/năm.
Sau khi nhận được văn bản đề xuất của Tập đoàn Đức Thắng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, tổng hợp việc chấp hành các quy định của pháp luật và nội dung liên quan trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Các sở ngành liên quan căn cứ các quy hoạch quy định pháp luật kiểm tra, xem xét tham mưu phương án xử lý và báo cáo lại UBND tỉnh.
Được biết, CTCP Tập đoàn Đức Thắng (địa chỉ đóng tại BT 15A Lê Duẩn, phường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh) thành lập vào tháng 9/2005 thuộc sở hữu của vợ chồng đại gia Trần Xuân Thạch và bà Dương Thị Hiền. Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng.
Tính đến tháng 5/2021, ông Trần Xuân Thạch là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại Tập đoàn Đức Thắng với tỷ lệ 75%, bà Dương Thị Hiền sở hữu 20% và 5% còn lại thuộc về cổ đông Trần Quốc Thại.
Ngoài Tập đoàn Đức Thắng, ông Trần Xuân Thạch và bà Dương Thị Hiền còn góp vốn vào nhiều doanh nghiệp khác.
Năm 2010, vợ chồng ông Thạch, bà Hiền góp vốn thành lập Công ty TNHH Trung Kiên với vốn điều lệ 18,2 tỷ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xuất khẩu nông sản.
Tháng 6/2015, vốn điều lệ của Trung Kiên được nâng lên mức 50 tỷ đồng, trong đó ông Trần Xuân Thạch sở hữu 40% vốn, còn bà Dương Thị Hiền nắm giữ 60% vốn.
Đến ngày 17/5/2021, Trung Kiên đã được đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Kiên với vốn điều lệ 280 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Trần Trung Kiên (65% VĐL), bà Nguyễn Thu Thảo (30% VĐL) và ông Phạm Quang Dương (5% VĐL).
Tháng 5 vừa qua, ông Trần Xuân Thạch cùng bà Dương Thị Hiền đã cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Đức Thắng vốn 100 tỷ đồng hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Trần Xuân Thạch được biết tới là một đại gia có tiếng có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh gỗ tại Hà Tĩnh. Ông cũng được cho là một trong 4 người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu chiếc Rolls-Royce trị giá hàng chục tỷ đồng.
Bạch Hiền (t/h)