Theo quy định của pháp luật, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (xe máy) dù ở nội thành Hà Nội hay ở bất kỳ nơi đâu phải có đủ gương chiếu hậu.
Điều khiển xe máy trong nội thành Hà Nội phải có gương chiếu hậu. Ảnh minh họa |
Căn cứ theo Điều 53 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, theo đó:
Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định sau:
Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;
Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;
Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;
Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;
Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;
Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;
Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;
Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.
Như vậy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong đó phải có đủ gương chiếu hậu.
Trong trường hợp xe máy không có gương chiếu hậu hoặc có gương chiếu hậu nhưng không có tác dụng thì sẽ bị xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (xe máy) không có gương chiếu hậu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt là bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng, mức trung bình là 90.000 đồng đối với hành vi vi phạm.
Như vậy, việc điều khiển xe ở nội đô Hà Nội hay trên tất cả các nẻo đường, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (xe máy) phải có đủ gương chiếu hậu. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Thủy Tiên (T/h)