Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Địa chỉ ma và tiền thật bốc hơi theo mạng ảo

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Số điện thoại, gmail, trang web riêng của các chủ sàn, những con “hổ giấy” vẫn hoạt động. Tuy nhiên, hàng chục ngàn tỉ đồng của các thành viên khó có thể lấy lại

(ĐSPL) - Số điện thoại, gmail, trang web riêng của các chủ sàn, những con “hổ giấy” vẫn hoạt động. Tuy nhiên, hàng chục ngàn tỉ đồng của các thành viên khó có thể lấy lại khi chủ sàn bặt vô âm tín, đặc biệt khi các hoạt động giao dịch về tiền ảo không được coi là phương tiện thanh toán tại Việt Nam.

Toàn là địa chỉ “ma”

Theo chân các nạn nhân, PV đã tìm cách liên hệ với Trần Thiện Lâm – chủ sàn FXTM4 qua trang web cá nhân, số điện thoại và gmail. Mọi thông tin liên lạc vẫn có tín hiệu nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không nhận được dòng hồi âm nào. Các nạn nhân cũng khẳng định, từ lúc cho sập sàn, Lâm không thay đổi số điện thoại hay xóa trang facebook, gmail... Gã để mọi hoạt động bình thường nhưng ở dạng không tín hiệu, không hoạt động. Địa chỉ Lâm cung cấp cho các thành viên cũng là địa chỉ ảo.

Đầu tư tiền thật mua tiền ảo dễ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Ảnh minh họa.

PV đã liên hệ tới lãnh đạo Công an thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) – nơi có số đông người sập bẫy đường dây đầu tư tài chính qua mạng của Lâm và các sàn ảo khác. Tại đây, đại diện Công an thị xã An Khê cho biết, đã nhận thông tin về nhiều người dân bị lừa đảo do đầu tư tài chính đồng tiền ảo.

Theo tìm hiểu của PV, một số cá nhân đã gửi đơn tố cáo lên Công an thị xã. Đặc biệt, nhiều người bỏ công việc họp nhau thành nhóm đi xuống TP.HCM tìm chủ sàn, sau đó gửi đơn thư tố cáo Lâm qua bộ Công an. Thực tế, những người dân nhẹ dạ cả tin ở thị xã An Khê chỉ là một trong nhiều nạn nhân mắc bẫy đối tượng lừa đảo. Các đối tượng chủ sàn đã vô cùng tinh ranh khi chia nhỏ địa bàn từng vùng để lôi kéo người dân rơi vào cảnh không biết kêu ai.

Theo kết quả xác minh ban đầu của Công an thị xã An Khê, ước tổng số mã ID của người dân trên địa bàn tham gia vào sàn của Trần Thiện Lâm khoảng 1.900 ID tức 1.900 “bitcoin” - tương đương khoảng 22 tỉ đồng. Trong đó, 1/3 số người chơi không biết cách tự mở “ví” bitcoin, không biết thực hiện các giao dịch nên đưa tiền cho Lâm và “cấp dưới” của Lâm chỉ đạo thực hiện giao dịch trên “sàn giao dịch FXTM4”.

Vào chiều 27/8, nhiều người dân đã vây quanh hai người tên Tuấn, Thủy (cấp dưới của Lâm, thủ lĩnh tại thị xã An Khê) để gây sức ép đòi trả tiền. Thế nhưng, hai người này cũng nói tìm gặp Lâm không được. Sau đó, một số người dân quá khích đã đòi đánh những người liên quan tới Lâm, rất may lực lượng công an có mặt kịp thời can ngăn và mời những người liên quan về làm việc.

Liên quan đến địa chỉ đối tượng Lâm mới cung cấp cho nạn nhân, chúng tôi đã trực tiếp tìm đến phường 12, quận Tân Bình (TP.HCM). Tại đây, chúng tôi được biết, đó là ngôi nhà của một người dân đã sống lâu năm. Theo chủ nhân ngôi nhà, không có ai tên Lâm hay quen biết ai tên Lâm. Những người hàng xóm quanh địa chỉ cũng xác nhận, thời gian qua có nhiều người lạ tới địa chỉ này hỏi thăm người tên Lâm nhưng không ai biết Lâm là ai.

Chế ngự lòng tham, tránh tán gia bại sản vì đa cấp tiền ảo

Để có thông tin chính xác hơn về việc Trần Thiện Lâm, chủ sàn FXTM4 có cư trú trên địa bàn hay không, chúng tôi đã liên hệ Công an phường 12 (Q.Tân Bình). Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hưng, Trưởng Công an phường cho biết: “Tôi không có quyền trả lời báo chí. Đề nghị chị lên công an quận!”. Đây là vấn đề quản lý nhân khẩu trên địa bàn, vị Trưởng Công an phường trả lời như vậy, chúng tôi thấy có gì đó cắc cớ nhưng vẫn lên quận. Tại Công an quận, một đồng chí thuộc đội Tham mưu tổng hợp nói với PV: “Cái này phải xuống phường chứ, cái địa chỉ ở phường mà... Có nhiều vụ việc, nếu phường không báo lên, quận đâu nắm được”.

Sau 4 ngày với 3 lần đi lên, đi xuống công an quận và phường, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời về việc xác minh danh tính, nơi cư trú của công dân thuộc trách nhiệm của phường hay quận! Đến thời điểm này, PV vẫn chưa biết, Lâm có cư trú ở phường 12 (Q.Tân Bình) hay đó là địa chỉ ảo mà hắn “tự dựng” lên. Trong khi đó, các nạn nhân vẫn đang bỏ công sức đi tìm Lâm để mong vớt vát tiền thật. Tuy nhiên, những hoạt động, đầu tư giao dịch kiểu này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản Phân tích thêm ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Đình Dũng (đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Đối với sàn đầu tư về tiền bitcoin, người tổ chức đã đóng cửa sàn không hoạt động được nữa, các giao dịch không thực hiện được là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cần nhanh chóng xem xét khởi tố hành vi của loại tội phạm đang gây ảnh hưởng lớn trong xã hội này. Người dân cần gửi đơn đến cơ quan bộ Công an để tố cáo vì đây là loại tội phạm phức tạp nằm trong đường dây lừa đảo liên thông ở nhiều địa phương”.

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc công ty luật Quốc tế Thiên Việt khẳng định: “Bitcoin không được coi là một loại tiền hay hàng hoá, hoặc giấy tờ có giá hợp pháp tại Việt Nam do vậy mọi giao dịch liên quan đến việc bảo đảm giá trị giao dịch này không được pháp luật bảo hộ. Các giao dịch này là giao dịch chui. Có thể nói, đây là một hình thức biến tướng mới của kiểu chơi hụi với đồng tiền ảo này, do không được pháp luật bảo vệ nên các giao dịch này tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Theo luật sư Ngọc, trường hợp bị đổ bể, khả năng lấy lại tiền của các cá nhân đầu tư gần như bằng không và nếu có nhờ cơ quan pháp luật can thiệp thì cũng vẫn sẽ tiền mất tật mang. Vị này cũng cho biết thêm, các giao dịch này có thể bị coi là không hợp pháp và không được pháp luật bảo vệ.

Luật sư Ngọc nhấn mạnh thêm: “Các bài học về đa cấp, về chơi hụi vẫn còn nguyên. Người tham gia giao dịch cần bình tĩnh, sáng suốt đối với các loại giao dịch không rõ ràng này, hơn nữa dù có một số nước trên thế giới chấp nhận Bitcoin nhưng đó không phải Việt Nam. Các vụ đổ bể hụi, đổ bể đa cấp cũng do ham lãi cao mà ra nên người tham gia giao dịch cần biết chế ngự lòng tham để không bị lợi dụng dẫn đến tiền mất, nhà tan”.

Theo một chuyên gia tài chính, nếu coi đây là hình thức "chơi hụi" thì những người tham gia cho - nhận không biết nhau, không biết ai tổ chức, kiểm soát... thì quả thật là mù quáng. Bởi chơi hụi biết mặt nhau mười mươi mà còn bể hụi, mất tiền thì ai khẳng định hình thức này an toàn!

Trước thực tế nhiều sàn, trang web điện tử lôi kéo người đầu tư vào các hình thức đầu tư tiền ảo, cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo và khuyến cáo các nhà đầu tư cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo.

Theo cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công thương), với loại hình giao dịch tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp, khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống, hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống. Và, các hoạt động giao dịch này được thực hiện trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài.

Đặc biệt, cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, theo quy định hiện hành, các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là tiền tệ và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngoài ra, hiện cũng có nhiều tổ chức, cá nhân huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản... Thực chất, các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy cho hoạt động kinh doanh đa cấp. Bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ rất khó lấy lại số tiền đã đầu tư.

Đỗ Thơm - Huệ Trần

Xem thêm video:

[mecloud]WQZWYKrCfU[/mecloud]

Tin nổi bật