Chuyện về Trạng Lợn trong dân gian có thể nói là phong phú và rất hài hước. Tuy vậy, có hay không một Trạng Lợn trong lịch sử, hoặc truyện Trạng Lợn được sáng tác dựa trên hình mẫu nhân vật nào là điều còn ít người biết tới. Nếu Trạng Lợn trong dân gian danh nổi như cồn, chính sử cũng ghi nhận một Trạng Lợn người Bắc Ninh, nhưng hình ảnh rất mờ nhạt trong lịch sử.
Truyện Trạng Quỳnh Trạng Lợn |
Trạng Lợn trong dân gian có xuất thân đậm nét thần thoại. Người ta bảo Trạng sinh ra ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam. Bố Trạng là ông Lương, làm nghề bán thịt lợn. Do tình cờ, ông Lương gặp được thầy địa lý Tả Ao và đã đối đãi rất tử tế nên Tả Ao muốn đáp ơn mới chỉ cho một huyệt đất phát Trạng nguyên. Một thời gian sau khi Tả Ao đặt lại ngôi mộ của thân phụ ông Lương vào huyệt đất đã chọn thì gia đình ông Lương làm ăn dần thịnh vượng. Gần một năm sau thì vợ ông thụ thai và sinh ra được một đứa con trai rất thông minh. Đứa trẻ này sau đó lớn lên trở thành Trạng Lợn.
Trong một giai thoại khác, vẫn là gia đình ông Lương người họ Dương ở làng Dừa thuộc tỉnh Hà Nam nhưng lại nêu ra một cốt truyện khác. Người ta kể: Có lần ông Lương đi chợ qua một cái gò và nghe có tiếng trẻ con bảo: “Thày đi chợ mua quà cho con”. Nhìn quanh không thấy ai cả, ông Lương tưởng là mình nghe nhầm nhưng đến khi về qua đấy lại có tiếng nói: “Con đã dặn mà thầy không mua quà cho con”. Ông Lương mới nói rằng: “Có phải thế thật thì để mai thầy mua cho”.
Rồi từ hôm sau ông cứ đều đặn mua quà cho đứa trẻ. Quan sát thấy nó nhận quà xong đi đến cái gò đất thì biến mất, ông cho là thần đồng trong gò hiện ra nhưng để bụng không nói với ai. Được chừng 3 tháng thì ông bảo đứa trẻ: “Con có muốn ăn quà thì về nhà thầy chứ ở đây thì thầy chẳng lấy đâu ra mà cho mãi được”. Đứa trẻ nghĩ một hồi rồi đồng ý. Ông Lương lại hỏi: “Con ở với thầy bao lâu?”, đứa trẻ đáp: “Thầy cho con bao nhiêu lần quà thì con ở với thầy bằng ấy năm”. Từ hôm sau ông Lương không gặp đứa bé nữa, nhưng mươi hôm sau nó lại xuất hiện và theo ông về nhà. Hai người về đến nhà thì vợ ông đang sắp sinh, nhìn lại thì không thấy đứa bé đâu nữa. Ông Lương đặt tên con trai là Chung Nhi.
Khi Chung Nhi được 4, 5 tuổi, có hôm hai cha con gặp một ông Trạng về vinh quy bái tổ, cậu hỏi cha: “Ông kia là ai mà đội mũ đẹp thế?”, cha bảo: “Đấy là ông Trạng”.
Thích chí, Chung Nhi bảo: “Lớn lên con cũng làm ông Trạng”. Rồi từ đó gặp ai Chung Nhi cũng tự xưng là Trạng. Dần dần người xung quanh cũng quen và vì nhà làm nghề thịt lợn nên người ta gọi cậu Trạng Lợn.
Không chỉ dừng lại ở chỗ tự xưng, Trạng Lợn đã trở thành Trạng nguyên được vua phong hẳn hoi. Dân gian đã khéo thêm thắt những chuyện ly kỳ để hành trình đạt được ngôi vị Trạng nguyên của Trạng Lợn rất thú vị. Khi đã thành niên thì cha mất, Trạng Lợn chỉ chơi bời lêu lổng, bị mẹ mắng thì lại bảo sau này con sẽ làm quan Trạng cho mẹ xem. Thấy mẹ không tin, Trạng quyết chí xin đi thi. Khi đi ngang qua trang trại của Bùi tướng công là một vị quan về hưu, Trạng gặp một cô gái xinh đẹp đứng trong vườn nên lân la ở đấy.
Bùi tướng công đang ngủ mơ thấy có thần nhân bảo dậy ngay ra cổng đón quan trạng. Tướng công ra thì thấy có anh học trò đang đứng đó thật bèn mời vào nhà chơi. Để thử tài, Bùi tướng công mới mời Chung Nhi ngâm vịnh. Chẳng nghĩ lâu, chàng đọc luôn 2 bài thơ mà trên đường đi đã nghe lỏm được của 2 anh chàng cũng lều chõng lên kinh. Nghe thơ, Bùi tướng công cho là có tài năng mới có lòng muốn nhận làm rể nhưng Trạng bảo đợi đỗ Trạng nguyên rồi mới tính chuyện gia thất khiến Bùi tướng công càng khâm phục. Cơm rượu xong xuôi, Trạng được xếp về phòng ngủ, thấy trên tường có mấy chữ “Bát đao phân mễ phấn”. Trạng chỉ đọc được chữ Phấn, đoán đấy là tên tiểu thư nên cũng tiện bút viết đại vào bên cạnh chữ Chung tên mình.
Ngờ đâu đây là câu đối của Phấn tiểu thư đưa ra, nếu ai đối được thì nàng sẽ ưng làm vợ. Thấy Trạng viết chữ Chung, tiểu thư nghĩ thành câu “Thiên lý trọng kim chung” đối với câu “Bát đao phân mễ phấn” rất chỉnh cho nên đã ưng ý Trạng Lợn. Thế là một chữ viết đại mà lấy được tiểu thư lá ngọc cành vàng của Bùi tướng công.
Rời nhà Bùi tướng công sau khi đã đính ước với tiểu thư Phấn, Trạng bị lạc đường vào một ngôi miếu hoang. Tại đây, Trạng gặp một ông lão nói cho biết rằng năm nay khoa thi sẽ hoãn và dạy Trạng cách xem bói để lên kinh kiếm sống, đồng thời dặn mùa xuân sang năm ra cổng phía đông kinh thành ngồi, hễ thấy có ai nhảy từ trên thành xuống thì cõng lấy chạy đi.
Y lời ông lão, Trạng lên kinh hành nghề bói toán. Cũng lại may mắn nên lần nào cũng nói linh tinh mà vẫn trúng. Đến mùa xuân năm sau, Trạng ra cổng thành phía đông ngồi. Một đêm bỗng thấy có người ngã. Trạng chạy lại cõng thì quân lính đuổi tới nhưng Trạng đã nhanh chân cõng người kia chạy về trốn ở chùa Thầy. Người được cứu chính là Lê Thánh Tông sau này. Do Lê Nghi Dân cướp ngôi, giết hại trung thần nên Hoàng tử Lê Tư Thành bị quân lính truy đuổi. Ít lâu sau Nghi Dân bị phế, triều đình đón Hoàng tử Tư Thành về cung lên ngôi vua.
Để trả ơn cứu mạng, vua sẵn lòng ban bạc vàng nhưng cho gì Trạng cũng không lấy, chỉ xin vua phong là Trạng nguyên. Triều đình can ngăn vì Trạng nguyên là người phải thi đỗ mới được còn có công thì thưởng bạc vàng là được. Tuy vậy vua Thánh Tông vẫn đồng ý phong Trạng. Một hôm nhà Vua về chùa Thầy để lễ tạ và ban cho các vị sư trụ trì rất nhiều vàng bạc để tu bổ lại chùa. Đến khi sửa đến gác chuông, nhà vua đọc "Thiên lý trọng kim chung" rồi hỏi bách quan có ai đối được không. Tất cả đều đứng ngây như phỗng. Nhớ lại câu đối ở nhà Bùi tướng công, Trạng Lợn đọc ngay “Bát đao phân mễ phấn”. Vua khen hay và cho là phong Trạng nguyên cũng không quá bèn ban cho cái biển “Chân Trạng Nguyên” để về quê vinh quy bái tổ. Thế là chỉ dùng câu đối mà vừa được phong Trạng vừa được vợ.
Sau khi đã được là Trạng nguyên, truyện về Trạng Lợn vẫn còn nhiều giai thoại khác. Nào là đi sứ sang Trung Quốc và đối đáp bên ấy, nào là phân biệt đầu gốc đầu ngọn trong cây gỗ mà sứ giả Trung Quốc mang sang đố... Từ đầu đến cuối truyện Trạng Lợn đều làm nổi bật lên một nhân vật không biết gì nhưng lần nào cũng may mắn thành công. Trong khi đó, theo chính sử, ở Bắc Ninh có một người thi đỗ Trạng nguyên đàng hoàng và cũng được gọi là Trạng Lợn. Vậy hai người là một hay khác nhau? Trạng Lợn ở Bắc Ninh và Trạng Lợn ở Hà Nam liệu có liên quan?
Có một Trạng nguyên tên Trư
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ vua Lê Nhân Tông chép rằng: “Tháng 8 năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), Tổ chức khoa thi để chọn hiền tài. Đến khi thi Đình, vua thân ra đề văn sách, hỏi về lễ, nhạc, hình, chính. Cho Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ Thám hoa lang”.
Về xuất thân, bài “Trạng “lợn” – Nguyễn Nghiêu Trư” trên báo Bắc Ninh tháng 3/2007 cho biết: Ông hiệu là Tùng Khê người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Lúc nhỏ theo cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10 tức tháng Hợi nên đặt tên là Nguyễn Văn Trư và thường gọi là cậu Lợn (chữ Hán “Trư” nghĩa là lợn).
Nguyễn Văn Trư sớm nổi danh thông minh. Lúc nhỏ học, cụ đồ ở gần nhà. Đến khi “biết chữ”, thầy đồ gửi ra học cụ Vũ Mộng Nguyên người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, từng đỗ Thái học sinh triều Hồ nhưng không ra làm quan mà về dạy học. Năm 1448, Nguyễn Văn Trư đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời vua Lê Nhân Tông. Tương truyền đêm trước ngày thi đình vua Nhân Tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng, vua sai xa giá xem bảng thấy trạng tân khoa là Nguyễn Văn Trư dân gian coi yết bảng cứ kháo thành vè “Long đầu lợn-Nguyễn Văn Trư”. Vua liền đổi tên cho Trạng là Nguyễn Nghiêu Tư.
Bài báo cũng cho biết Nguyễn Nghiêu Tư làm quan đến chức An phủ sứ Hàn lâm Trực học sỹ, sau khi đi sứ nhà Minh về được phong Chưởng lục bộ thượng thư. Khi vinh quy bái tổ, dân làm nghè ở Phù Lương thị (chợ làng Phù Lương), tức làng Giùng, chợ Giùng để đón, nghè còn đến thời kháng chiến chống Pháp, dân vẫn gọi là Nghè quan Trạng.
Tuy là một Trạng nguyên, song tên tuổi Nguyễn Nghiêu Tư rất ít được nói đến. Sách Đại Việt sử ký toàn thư –chỉ nhắc đến ông 2 lần. Lần đầu là năm 1448 khi ông đỗ Trạng nguyên. Lần thứ hai chép vào tháng 12/1448, Nguyễn Nghiêu Tư cùng với tiến sĩ Trịnh Kiêm được phong chức Hàn Lâm trực học sĩ. Lần sau cũng nhắc đến tên ông là trong phần phụ lục thời Lê Nghi Dân, năm 1459. Trong phần phụ lục này, sử ký chép về Nghiêu Tư như sau: “ Tháng ấy (tức tháng 10/1459) Nghi Dân sai bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đỗ, Hoàng Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nhà Minh nộp cống hàng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai”.
Theo diễn biến lịch sử, cuối năm 1459, Nghi Dân giết Lê Nhân Tông rồi tự lên ngôi vua nhưng chỉ được 8 tháng thì bị 2 đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt phế truất rồi tôn hoàng tử Tư Thành lên ngôi vua – tức vua Lê Thánh Tông. Kể từ đó, không thấy sử sách nhắc đến Nguyễn Nghiêu Tư nữa. Bởi thế nên đến nay, năm sinh năm mất và những công việc, chức vụ của Nguyễn Nghiêu Tư sau năm 1460 không biết ra sao.
Bản sự tích Trạng Lợn trong kho tàng Hán Nôm của Thư viện Quốc gia |
Mối liên quan giữa Trạng trong sử sách với Trạng dân gian
Như vậy là tồn tại 2 nhân vật Trạng Lợn. Một Trạng do dân gian nhào nặn một là có thật. Vậy hai trạng này có liên quan gì đến nhau hay không. Nếu lấy bài viết trên báo Bắc Ninh làm chuẩn cho tiểu sử của Trạng Nguyễn Văn Trư để so sánh với truyện dân gian thì ta thấy có khá nhiều chỗ giống nhau trong các giai thoại. Đó là truyện Trạng đối lại câu hỏi “Lợn cấn ăn cám tốn” bằng câu “Chó khôn chớ cắn càn”. Hay việc Trạng đi sứ sang Tàu, khi đến quan ải, quan coi ải viết một chữ thập dán ở cổng thành và đóng cửa không cho đoàn sứ qua. Trạng sai người vẽ một vòng tròn ra ngoài chữ thập khiến quan coi ải hiểu thành câu đối “Tung hoành vũ trụ” với “Bao quát càn khôn”... Điều đó cho thấy hai nhân vật này hẳn là phải có mối liên hệ như cách ông bà ta vẫn nói: “Không có lửa làm sao có khói”.
Phần kết bài báo nói trên, tác giả có phân tích về mối liên quan giữa trạng trong sử sách và trạng của dân gian. Đại ý là “vì ông sinh ra trong nhà bán thịt lợn, tên là Trư và gọi là Lợn, đã là lợn thì phải học dốt cho nên dân mới bịa ra mọi chuyện may mắn đến lạ lùng để khẳng định Trạng Lợn chỉ ăn may mà thành Trạng nguyên”.
Tuy nhiên trong Đại Việt sử ký toàn thư, ở sau phần chép việc Nguyễn Văn Trư đỗ Trạng nguyên, các sử quan đã mở ngoặc nói thêm một đoạn rằng: “Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, bấy giờ, có người ghi vào chuồng lợn là “phường trạng nguyên”, có người hát ở đường cái rằng: “Trạng nguyên Trư Nguyễn Nghiêu Trư” là chế giễu hành vi xấu xa đó”.
Từ mấy dòng ngắn ngủi này của sử ký, ta có thể đặt một giả thiết về mối quan hệ giữa truyện dân gian với nhân vật thật. Đó là vì Nguyễn Văn Trư từng có hành vi xấu xa mà nay lại đỗ Trạng nguyên – địa vị đứng đầu sĩ tử thì người dân bất bình. Bởi thế người ta chế giễu và phủ nhận ông. Hành động viết vào chuồng lợn 3 chữ “phường trạng nguyên” nhằm mỉa mai ông Trạng cũng như con lợn, không có cương thường lễ nghĩa (vì đã thông dâm với mẹ vợ).
Dân ta vốn có truyền thống bài xích rất mạnh, cái gì đã không ưa thì phải đả kích sâu cay cho chết thì thôi. Từ ghét bỏ về đạo đức, dân gian đi đến chỗ phủ nhận năng lực và không tin một người như thế mà đỗ Trạng nguyên. Bởi thế, họ đã sáng tác nên những giai thoại về những may mắn kiểu “mèo mù vớ cá rán” đã đưa Trạng Lợn thành Trạng nguyên. Tất cả chỉ nhằm một thông điệp rằng Trạng Lợn dốt đặc nhưng ăn may nên đỗ đạt.
Việc khẳng định cần có nhiều nghiên cứu dựa trên nhiều cứ liệu hơn nữa. Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, tôi xin chép lại ra đây để ngõ hầu hệ thống hóa lại những cứ liệu đã biết để các nhà nghiên cứu tiếp tục đưa ra các lý giải.
Tiến Đức
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết