Theo South China Morning Post, câu chuyện về nam nhân viên họ Wang bị công ty sa thải vì dành tới 6 tiếng thời gian đi làm mỗi ngày ở trong nhà vệ sinh, hiện đang gây xôn xao cộng đồng mạng xứ Trung.
Được biết, Wang bắt đầu làm việc tại công ty từ tháng 4/2006 và ký hợp đồng lao động không thời hạn kể từ tháng 4/2013. Tới tháng 12/2024, nam nhân viên phải điều trị y tế do gặp “vấn đề về hậu môn”.
Mặc dù điều trị thành công nhưng Wang khẳng định anh vẫn đang phải tiếp tục chịu đựng những cơn đau dai dẳng, buộc anh phải dành từ 3-6 tiếng/ngày ở trong nhà vệ sinh kể từ tháng 7/2015.
Hồ sơ của công ty cho thấy, Wang sử dụng nhà vệ sinh tổng cộng 22 lần trong khoảng thời gian từ ngày 7/9-17/9/2015, trung bình 2-3 lần trong một ca làm việc. Thời gian ở trong nhà vệ sinh dao động từ 47 phút đến 196 phút.
Ngày 23/9/2015, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với Wang.
Nam nhân viên bị sa thải vì dành tới 6 tiếng thời gian đi làm mỗi ngày ở trong nhà vệ sinh. Ảnh minh họa: SCMP
Không chấp nhận quyết định của công ty, Wang đã đệ đơn lên tòa và yêu cấp được phục hồi vị trí công tác, tiếp tục hợp đồng lao động. Tuy nhiên, sau quá trình kiện tụng kéo dài, nỗ lực giành lại công việc của nam nhân viên này đã thất bại.
Theo tòa án, việc Wang ở trong nhà vệ sinh trong thời gian dài mỗi ngày vượt quá nhu cầu sinh lý bình thường. Việc công ty chấm dứt hợp đồng của anh là hợp pháp và chính đáng.
Sau khi được đăng tải, câu chuyện của Wang nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng mạng với nhiều bình luận khác nhau.
“Dành 4 tiếng trong một ngày làm việc 8 tiếng để ở trong nhà vệ sinh? Nhà tuyển dụng nào có thể chấp nhận chuyện đó?”, một cư dân mạng bình luận.
Một người khác bày tỏ: “Anh ta giống như được trả tiền để sử dụng nhà vệ sinh vậy”.
Có người lại viết: “Nhân viên bị ốm đáng được thông cảm nhưng không nên lấy đó làm cái cớ. Nếu những nhân viên như vậy thắng kiện thì nhà vệ sinh sẽ quá tải mất”.
Những năm gần đây, các công ty quy định gay gắt hơn về việc nhân viên nghỉ đi vệ sinh, dẫn đến phản ứng dữ dội của cư dân mạng, theo South China Morning Post.
Cách đây 2 năm, một công ty ở Quảng Đông (Trung Quốc) phạt nhân viên 20 NDT nếu họ sử dụng nhà vệ sinh nhiều hơn một lần trong ngày.
Trước đó, năm 2018, Công ty công nghệ Internet NetEase chi khoảng 2 triệu NDT để chặn tín hiệu Internet trong nhà vệ sinh.
Cả hai trường hợp nói trên đều vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng mạng, nhiều người cho rằng đây là hành vi bóc lột nhân viên.
Đinh Kim (Theo SCMP)