Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với đề nghị cho phép Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất.
Đề xuất Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công. Ảnh minh họa |
Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội tại Quốc hội, sáng 9/5, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để tạo điều kiện cho Hà Nội có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội cho phép Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất.
Hà Nội cũng được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Uỷ ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Về đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, một số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước là 100% của thu Ngân sách địa phương, do đó, có thể không cần quy định lại trong Nghị quyết này.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng là nội dung quan trọng sẽ được cơ quan thường trực của Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2. Trước đó, UBTVQH không đồng ý chuyển toàn bộ 8 dự án PPP của tuyến cao tốc này sang đầu tư công 100% như đề xuất của Chính phủ.
Trong 3 phương án được Chính phủ trình lại lần này, phương án chọn vẫn là chuyển đổi toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam sang hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, có 2 phương án khác là chuyển 5 hoặc 3 dự án PPP sang đầu tư công.
Vũ Đậu (T/h)