Nhà sưu tập Huỳnh Tấn Thành là người có niềm say mê sưu tập các loại tiền xưa của Việt Nam. Trong đó, giấy bạc Tài chính (hay giấy bạc Cụ Hồ) là loại giấy bạc do bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành sau ngày Độc lập - 2/9/1945 theo Sắc lệnh số 18b ngày 31/1/1946, được ông dành sự quan tâm đặc biệt.
Tờ tiền ba miền, tình thương nối liền
Điều gì đã thôi thúc ông dành hơn 20 năm để sưu tầm giấy bạc Tài chính (giấy bạc Cụ Hồ)?
Ban đầu, tôi chỉ sưu tầm tiền Việt Nam qua các thời kỳ. Năm 2000, đọc cuốn hồi ký Nam Bộ thành đồng Tổ quốc đi trước về sau tôi tò mò về loại tiền giấy Cụ Hồ. Bởi đây là tiền thân của giấy bạc ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng chỉ phát hành trong khoảng thời gian 9 năm, từ năm 1945 - 1954 nên càng quý hiếm.
Mỗi đồng tiền không chỉ mang tính thông hàng hóa mà còn chứa đựng những sự kiện của từng giai đoạn lịch sử nhất định, thể hiện rõ nhất qua những tờ giấy bạc Tài chính. Tuy chỉ lưu hành trong thời gian ngắn và song song với tiền Ðông Dương nhưng có thể thấy sức sống của đồng tiền này là dựa vào lòng tin yêu của nhân dân cả nước, phục vụ kịp thời nhu cầu kháng chiến cứu nước. Ngay người Pháp vào lúc đó cũng phải làm giả giấy bạc Tài chính nhằm phá hoại nền tài chính non trẻ của nước Việt Nam độc lập.
Giấy bạc Tài chính mặt trước in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau thể hiện đặc trưng của mỗi miền đất nước. |
Sự độc đáo của giấy bạc Tài chính được đánh giá qua những phương diện nào, thưa ông?
Ðiểm đặc biệt của tờ giấy bạc này, ở mặt trước luôn là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt sau giống như một tấm panô tuyên truyền lưu động vì chuyển tải nhiều nội dung kêu gọi lòng yêu nước như đoàn kết, đại đoàn kết; kháng chiến kiến quốc; chống giặc dốt; gia đình hạnh phúc; mùa gặt...
Ðiểm độc đáo nữa, ba miền Bắc - Trung - Nam phát hành song song 3 loại tiền, nhưng đều theo sắc lệnh của Chính phủ nên giá trị vẫn ngang nhau. Ở miền Nam, mặt sau tờ tiền vẽ phong cảnh đậm chất Nam Bộ như hình chiếc khăn rằn. Giấy bạc ở miền Nam còn có thêm phiếu tiếp tế.
Trong khi đó giấy bạc phát hành ở miền Bắc (giấy bạc Trung ương) lại có điểm riêng là hình in chìm, mặt sau in cảnh chiến sĩ bồng súng hay cảnh tăng gia sản xuất. Còn ở Trung Bộ, giấy bạc tài chính có tên gọi tín phiếu. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy tiền Trung ương “thẩm thấu” vào Nam Bộ khá nhiều.
Giá trị lịch sử không thể nào quên
Theo ông, vẻ đẹp của tờ giấy bạc Tài chính này có phải chủ yếu ở bối cảnh lịch sử đã sinh ra nó không?
Không riêng với tiền cổ, người sưu tầm nên tham khảo tài liệu trước cho đủ “độ chín” sau đó mới tìm kiếm hiện vật. Các loại tiền thường gắn liền với từng giai đoạn lịch sử nhất định. Nếu không tìm hiểu trước, đến khi nắm trong tay hiện vật sẽ không biết được là mình đang cầm đồng tiền thuộc thời đại nào.
Vì thế, người sưu tầm tiền xưa rất cần được trang bị kiến thức lịch sử tài chính, kể cả địa danh hành chính qua từng thời kỳ. Đơn giản như nắm rõ loại tiền mệnh giá nào phát hành vào thời gian nào, đến lúc nào bị ngưng in ấn, thu hồi lại hay mỗi vùng chỉ phát hành loại tiền nào.
Ví dụ như phiếu tiếp tế chỉ có ở miền Nam. Nếu ai đó rao bán phiếu tiếp tế ghi địa phương lưu hành miền Bắc hoặc miền Trung tức là tiền giả. Còn phải nhìn thật kỹ, như chi tiết bóng chìm trên tờ tiền chỉ có ở giấy bạc Trung ương, gồm ngôi sao 5 cánh nằm gọn trong vòng tròn.
Thưa ông, giấy bạc Tài chính này ngoài giá trị về vật chất còn mang những giá trị gì trong bối cảnh lịch sử đó?
Nó vừa là tiền, vừa mang tính tuyên truyền. Giấy bạc Tài chính diễn tả nhiều nội dung phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Nên thời điểm đó, tờ giấy bạc này không giống với bất kỳ loại tiền của bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Sưu tầm tiền, cũng là cách học lịch sử. Mỗi loại giấy bạc đều diễn tả đặc điểm của các thời kỳ kháng chiến, thể hiện lòng yêu nước. Tính tuyên truyền, cổ động của tiền giấy Cụ Hồ cũng thể hiện rõ thông qua những hình ảnh chiến sĩ bồng súng, nông dân tăng gia sản xuất, những dòng khẩu hiệu “Người Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.
Đằng sau những tờ giấy bạc này là tấm lòng của những người dân Việt Nam yêu nước. Chẳng hạn như ông Nguyễn Thành Vĩnh đã góp tiền đứng ra mua máy in tiền để phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từng là luật sư thời Pháp nhưng ông đã theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia cuộc kháng chiến cứu nước. Trước năm 1954, người này là Giám đốc Ngân khố Tài chính Nam Bộ.
Vào thời gian này, ông Vĩnh ký tên trên những tờ giấy bạc Tài chính (Nam Bộ), vốn chỉ in ấn bằng chất liệu thô sơ như giấy làm từ rơm hay dùng loại giấy in báo, bản khắc in đơn sơ quay bằng tay...
Song, những tờ giấy bạc Tài chính đã chuyên chở nội dung yêu nước rất sinh động, ý nghĩa và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử một cách hết sức vẻ vang.
Xin cảm ơn ông!
Lịch sử ra đời giấy bạc Tài chính "Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã chủ trương in và phát hành đồng tiền riêng để khẳng định chủ quyền về kinh tế, tài chính, tiền tệ của một quốc gia độc lập. Ngày 15/11/1945, cơ quan Ấn loát thuộc bộ Tài chính được Chính phủ cho phép thành lập với nhiệm vụ sản xuất tờ bạc Việt Nam. Ngày 30/01/1946, Chính phủ ký Sắc lệnh số 18/B cho phát hành tờ bạc Việt Nam (người dân thường gọi là đồng tiền tài chính, giấy bạc Cụ Hồ) tại các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở vào và ngày 3/2/1946 (tức mùng 2 Tết năm Bính Tuất), ở hầu hết các tỉnh miền Nam Trung Bộ, các tờ bạc Việt Nam với các mệnh giá: 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 100 đồng đã chính thức được phát hành trước sự chào đón của đông đảo nhân dân được tập hợp trong các cuộc mít tinh rầm rộ". Nguồn: Cổng TTĐT bộ Tài chính |