Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dấu hiệu chênh lệch giá “khủng” từ công tác mua sắm công

(DS&PL) -

Gói thầu mua sắm thiết bị có dấu hiệu chênh lệch giá cao hơn thị trường hàng tỷ đồng. Ông Lê Công Nhường, ĐBQH khóa XIV cho rằng: “Cần bộ phận chuyên môn rà soát, kiểm tra, qua đó có thể bộc lộ ra những khâu, những vấn đề khiến giá thành sản phẩm cao hơn so với thị trường”.

Dấu hiệu chênh lệch gần 50% giá trị gói thầu

Đấu thầu mua sắm là một hình thức phổ biến hiện nay, nhưng không thực hiện nghiêm túc thì vai trò đảm bảo hiệu quả – cạnh tranh – công bằng – minh bạch sẽ khó thực hiện. Ngân sách Nhà nước đầu tư mà không có giám sát, đánh giá một cách độc lập, khách quan thì thất thoát là điều có thể nhìn thấy được.

Trong quá trình nghiên cứu luật Đấu thầu và công tác sử dụng vốn đầu tư công tại các đơn vị, phóng viên nhận thấy có thực trạng giá thành sản phẩm trong các gói thầu cao hơn giá thị trường. 

Theo Quyết định số 30, người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm thiết bị với giá trúng thầu là 10.478.520.900 đồng.

Trong gói thầu này, bộ thẻ chữ học vần thực hành có đơn giá 120.000 đồng/bộ. Phóng viên khảo sát thị trường thì nhận được báo giá 82.000 đồng/bộ. Tính trên tổng số lượng mua sắm, số tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng sẵn sàng cung cấp cho phóng viên bộ thẻ này với giá từ 31.500 đồng – 37.800 đồng.

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết, ban QLDA các công trình xây dựng mua sắm sản phẩm này với giá chỉ 40.000 đồng, tại gói thầu Mua sắm thiết bị . Số tiền chênh lệch nếu so với mức giá này sẽ là 1.230.450.000 đồng (Bốn tỷ, không trăm bốn mươi mốt triệu, bảy trăm hai mươi nghìn đồng).

Tủ đựng thiết bị (kí hiệu TU09K2) có đơn giá tại gói thầu là 4.840.000 đồng/chiếc, PV khảo sát trên thị trường theo kí hiệu này thì nhận được báo giá là 3.500.000 đồng/chiếc. Nếu lấy mức giá này so sánh, tổng số tiền chênh lệch của 840 tủ là 1.125.600.000 đồng (Một tỷ, một trăm hai mươi lăm triệu, sáu trăm nghìn đồng).

Khi dùng toàn bộ yêu cầu kỹ thuật của tủ đựng thiết bị được nêu tại E-HSTM để đặt hàng thì chúng tôi nhận được báo giá là 2.386.800 đồng/cái, chênh lệch 2.453.200 đồng/cái. Với số lượng 840 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 2.060.688.000 đồng (Hai tỷ, không trăm sáu mươi triệu, sáu trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Giá vẽ (3 chân hoặc chữ A) có đơn giá tại gói thầu là 685.000 đồng/chiếc. Thị trường đang bán giá vẽ này với giá 194.250 đồng/chiếc. Với số lượng 6.720 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 3.297.840.000 đồng (Ba tỷ, hai trăm chín mươi bảy triệu, tám trăm bốn mươi nghìn đồng).

Bộ sa bàn giáo dục giao thông được chủ đầu tư mua với giá 1.175.000 đồng. Còn giá mà phóng viên nhận được từ các đơn vị cung cấp trên thị trường có nhiều mức khác nhau, nhưng đều thấp hơn, cụ thể là 255.000 đồng; 275.000 đồng hoặc 367.500 đồng. Dùng giá 275.000 đồng để so sánh trên số lượng 4.096 bộ của gói thầu, tổng số tiền chênh lệch là 3.686.400.000 đồng (Ba tỷ, sáu trăm tám mươi sáu triệu, bốn trăm nghìn đồng).

Một phần bảng so sánh giá do phóng viên thực hiện.

Cần nhấn mạnh rằng, các báo giá mà phóng viên nhận được từ đơn vị cung cấp đều bao gồm chi phí vận chuyển số lượng lớn trên toàn quốc, thuế VAT và 100% chuẩn theo yêu cầu kỹ thuật tại chương V, E-HSMT của chủ đầu tư đưa ra ở gói thầu này.

Phóng viên vẫn chưa tiến hành nghiên cứu hết toàn bộ hàng hóa, tuy nhiên, quá trình tìm hiểu 42/67 mã hàng được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá cao hơn giá thị trường và cao hơn giá tại gói thầu khác, số tiền chênh lệch dao động từ 2.123.564.000 đồng - 2.355.629.930 đồng.

Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện nâng khống giá thiết bị để trục lợi ngân sách tại gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, thuộc dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 trên địa bàn.

Tuy nhiên, với dấu hiệu chênh lệch hàng tỷ đồng thì thiết nghĩ, các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ. Việc làm này không những minh bạch được thông tin mà còn xóa được điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tham gia định giá gói thầu.

Để rộng đường dư luận, đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước năng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, phóng viên đã liên hệ đơn vị chủ đầu tư để có thông tin phản hồi.

Hoàn toàn có thể rà soát, kiểm tra, làm rõ

Có tình trạng chênh lệch giá cao như thế thì rõ ràng phải ưu tiên trong vấn đề xác định rõ căn nguyên cũng như động cơ, hậu quả của vấn đề. Sau đó, cần điều chỉnh hoạt động thế nào để trong tương la, công tác đấu thầu không xảy ra những việc như thế nữa.

Trao đổi với phóng viên về thực tế này, ông Lê Công Nhường, ĐBQH khóa XIV cho rằng: “Thường khi kiểm tra thì các gói thầu đều được thực hiện đúng quy trình. Nhưng trong quá trình thực hiện đó, người được giao nhiệm vụ có tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hay không lại là vấn đề cần xem xét lại.

Ông Lê Công Nhường, ĐBQH khóa XIV.

Nhưng theo tôi, khi có thông tin phản ánh từ bất kỳ kênh nào, chủ đầu tư cũng nên cho bộ phận chuyên môn rà soát, kiểm tra lại từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu xem có tiêu chí hạn chế nhà thầu không, quá trình thẩm định giá, chấm thầu… còn điều gì bất thường hay không. Qua rà soát, có thể bộc lộ ra những khâu, những vấn đề khiến giá thành sản phẩm chênh lệch so với thị trường, từ đó có các căn cứ rõ ràng, cụ thể để rộng đường dư luận trước báo chí cũng như báo cáo lại cơ quan chủ quản.

Tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể làm được, bởi vì chênh lệch giá ở đây là khá cao, gần bằng 1/2 giá trị gói thầu thì dư luận sẽ rất băn khoăn”.

Ông Nhường nêu thêm quan điểm cá nhân: “Tôi cho rằng, chủ đầu tư hay bên mời thầu đều cần lên tiếng sớm. Nếu kiểm tra không có sai phạm thì gói thầu hoàn toàn minh bạch, dư luận sẽ không còn thắc mắc. Đôi khi chỉ một chút sai sót trong quá trình lập hồ sơ cũng có thể vô tình tạo điều kiện cho việc bắt tay, câu kết, lợi ích nhóm xảy ra.

Chủ đầu tư nên có kịch bản gửi cơ quan chủ quản báo cáo về thông tin có chênh lệch giá như vậy, đề nghị thanh tra lại xem sai sót ở khâu nào, do khâu lập hồ sơ hay có hiện tượng các nhà thầu và bên liên quan thông đồng với nhau, bắt tay nhau nâng giá sản phẩm. Qua thanh kiểm tra sẽ có thông tin chi tiết và đầy đủ cơ sở để kết luận, làm sáng tỏ. Tôi nghĩ rằng, sai phạm càng được xử lý sớm thì càng tốt”.

“Luật Đấu thầu mặc dù đã khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên thực tế vẫn có những điều phát sinh khiến một số gói thầu dù làm đúng quy trình nhưng vẫn còn tình trạng thất thoát ngân sách Nhà nước sau quá trình đấu thầu ở các đơn vị công.

Doanh nghiệp thì thường tìm cách lách luật với mục đích có được lợi nhuận cao nhất cho mình. Nhưng nếu lợi dụng kẽ hở của luật, gây lãng phí ngân sách Nhà nước thì không được.

Những cài cắm, giàn xếp của các ê kíp, tạo ra quyền lợi ích nhóm trong đấu thầu là một thực tế rất nguy hiểm, nó là vòng tròn khép kín khiến công tác đấu thầu bị làm cho méo mó và không đạt được mục tiêu của đấu thầu là tiết kiệm tiền cho ngân sách Nhà nước”, ông Nhường bình luận thêm.

Theo luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật FDVN, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng: “Nếu để xảy ra hiện tượng “đội giá” so với giá thị trường, thì cá nhân, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp nếu xác định gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị - người có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, cũng phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu để xảy ra tiêu cực tại cơ quan, đơn vị”.

Hoàng Giang - Đặng Thủy

 

Tin nổi bật