"Nhân vô thập toàn" là điều ai cũng công nhận, nhưng làm sao để biến khuyết điểm (dù nhỏ) thành động lực phấn đấu tự hoàn thiện thì không phải ai cũng làm được.
Khi được đưa một tờ giấy trắng có một dấu đen trên đó và yêu cầu bạn miêu tả nó, bạn sẽ nói/ viết gì về những gì bạn nhìn thấy? Tôi dám cá rằng bạn sẽ nhắc đến dấu chấm đen đó và nói sự hiện diện của nó ở vị trí nào, ở giữa hay bên góc, nó đã nổi bật như nào, đã làm lem luốc, đã khiến tờ giấy trắng bị liên lụy như nào,…
Đừng vội tìm cách phủ định điểm đen vì đó là điều không thể, hãy cải tạo nó theo ý mình. |
Một thầy Hiệu trưởng đã ra đề thi tốt nghiệp cho sinh viên của trường mình bằng cách phát cho các sinh viên mỗi người một tờ giấy trắng có một dấu chấm đen nhỏ. Các sinh viên ban đầu ngơ ngác không hiểu, nhưng sau đó thầy nói yêu cầu: “Hãy viết những cảm nhận của em về cuộc sống”. Và họ bắt đầu lắng lại, viết về dấu chấm đen và phần trắng…
Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của Thần Thoại Hi Lạp mà nhiều người không thể lãng quên là Gót Chân Asin (Achilles). Câu chuyện này đã trở thành ngạn ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu của mỗi con người.
Asin là con trai của một chiến binh mạnh mẽ với Thetis - nữ thần biển cả. Chàng sở hữu một sức mạnh phi thường do là một á thần nhưng không thể bất tử như người mẹ của mình.
Lúc con mới sinh, nữ thần nhận được một lời tiên tri rằng con bà sẽ chết trong một trận chiến. Lo sợ điều này, bà đã cầm gót chân của Asin nhúng thân thể mạnh mẽ phi thường của con trai xuống dòng sông Styx - Con sông của sự bất tử, vĩnh hằng. Kể từ đó Asin có sức mạnh thần thánh, miễn dịch với mọi đao kiếm, cung tên… ngoại trừ mỗi gót chân, nơi mẹ chàng cầm, chỗ không được nhúng vào nước thần, vẫn còn là da thịt của phàm nhân. Cuối cùng, trong Chiến tranh thành Troia, Achilles chết vì bị mũi tên của Paris bắn trúng gót chân dưới sự giúp đỡ của thần Apollo.
Câu chuyện thần thoại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa về sự không thể hoàn hảo của con người.
Không chỉ riêng bạn, mà tôi và hầu hết chúng ta đều như vậy. Dấu chấm đen là biểu tượng của những sơ suất, sai sót, nhược điểm hoặc nghiêm trọng hơn thì đó là một sai lầm. Và dù nhỏ bé, chỉ là một chi tiết thôi, nó cũng gây sự chú ý lấn át phần trắng sạch còn lại. Dấu chấm đen luôn tồn tại như một lẽ tất yếu của cuộc sống bởi con người không ai hoàn hảo.
"Nhân vô thập toàn” nên dù bạn cố gắng như thế nào, nỗ lực ra sao, bạn vẫn phải chấp nhận một sự thật rằng chúng ta là những con người chứ không phải thánh nhân. Hãy nhớ, chúng ta chỉ có thể cố gắng hạn chế mắc sai lầm, rút ra những bài học kinh nghiệm, nghiêm túc, khách quan, bình tĩnh kiểm điểm bản thân để không lặp lại sai lầm cũ, để làm tốt hơn, thành công hơn.
Có ai đó nói rằng đến một thời điểm nào đó, con người ta sẽ trở nên điềm tĩnh, bình thản, khen chê không quan trọng... Tôi cũng đã từng tin và đón đợi đến lúc mình có thể trưởng thành và vững tâm đến vậy. Rồi tôi nhận thấy hóa ra mọi việc không hẳn là vậy. Bạn và tôi, tất cả chúng ta đều có nhu cầu được đánh giá đúng. Với những lời khen ngợi, ca tụng, tâng bốc khi bạn có chút thành công, có thể vì muốn đẹp lòng nhau mà hào phóng trao đi, ta đừng nên vội kiêu hãnh, tự mãn.
Còn với những đánh giá không thỏa đáng, những phê bình, nhận xét mang tính phiến diện luôn mang lại cảm xúc tiêu cực, sự ấm ức khó chịu, thì càng trưởng thành, càng từng trải, ta lại càng biết kiềm chế, kiểm soát hành vi, tiết chế cảm xúc hơn. Tôi bỗng thấy mình không vội vã thanh minh, không ồn ào tranh đấu, cũng chẳng cần gào thét "anh sai rồi, tôi đúng”.
Hãy biến chấm đen trên trang giấy cuộc đời thành động lực hoản thiện bản thân. Ảnh minh họa |
Thế còn bạn? Dấu chấm đen trên “Trang giấy cuộc đời” của bạn lớn hay nhỏ, đậm hay nhạt? Ai đó chú ý, phóng đại, tô đậm nó làm bạn buồn, ức chế, thì cũng cứ chấp nhận, đừng bảo thủ phủ nhận hay phí thời gian, sức lực và trí tuệ vào việc thanh minh, che đậy, tẩy xóa nó làm gì.
Hãy làm nó nhỏ dần, mờ nhạt dần bằng những thứ tốt đẹp hơn! Sự khắt khe trong đánh giá có thể trở thành động lực để chúng ta hoàn thiện bản thân hơn khi và chỉ khi chúng ta nổ lực để vẽ lên “Trang giấy cuộc đời” bằng những gam màu tươi sáng...
Trà Anh