Gieo mầm “lá chắn” an toàn bay từ trong nhà trường
Là “cái nôi” đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lớn nhất cho ngành hàng không nước ta, theo bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, đối với các chương trình đào tạo Đại học, Cao đẳng, an toàn hàng không là một trong số các môn học chuyên ngành bắt buộc. Trong học phần này, sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản về an toàn và các kỹ năng quan trọng nhất để đảm bảo an toàn được áp dụng trong ngành nghề được đào tạo.
Đối với các chương trình đào tạo nhân viên hàng không, an toàn luôn là nội dung trọng yếu theo khung đào tạo đã được phê chuẩn.
“An toàn trong hoạt động bay là ưu tiên cao nhất của ngành hàng không và ai bước chân vào ngành hàng không cũng đều phải hiểu điều này và được học tổng quan về ngành vận tải hàng không để có hiểu biết nền tảng nhất về sự vận hành của chuỗi giá trị vận tải hàng không trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia”, bà Hằng nói.
Bày tỏ quan điểm giữa thực tế và lý thuyết là khác nhau, để có đủ ý thức và kỹ năng đảm bảo an toàn trong từng khâu, từng vị trí công việc là vô cùng khó khăn, người đứng đầu Học viên Hàng không cho rằng đó chính là các vấn đề liên quan đến yếu tố con người, một trong những nội dung cốt lõi của đào tạo, huấn luyện về an toàn hàng không.
An toàn hàng không là nội dung quan trọng ngay trong quá trình đào tạo nhân viên hàng không.
“Nhờ những kiến thức có tính hệ thống này, học viên sẽ hiểu được mỗi một nhân viên hàng không đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra các ‘lá chắn’ nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động bay”, bà Hằng cho biết.
Với việc phi công hoàn toàn tự chủ đào tạo tại Việt Nam, đại diện Trường Phi công Bay Việt cho biết, học viên sẽ được đào tạo chuẩn quốc tế, lý thuyết về chuyên ngành hàng không; huấn luyện cất cánh và hạ cánh trong môi trường thực tế; huấn luyện kỹ năng bay đường dài; huấn luyện tình huống khẩn nguy.
“Mỗi một quy trình đào tạo tại Bay Việt đều đưa ra các kỹ năng điều khiển tàu bay, khả năng ứng biến trong các tình huống khẩn cấp để đưa ra quyết định… Việc huấn luyện tình huống khẩn nguy sẽ diễn ra liên tục và xuyên suốt quá trình đào tạo của học viên, giúp cập nhật liên tục kiến thức và kỹ năng ứng phó”, đại diện trường Bay Việt chia sẻ.
Bổ sung thêm, Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, nguyên Hiệu trưởng Trường Phi công Bay Việt cho hay, thử thách lớn nhất mỗi phi công vẫn là thích ứng linh hoạt với môi trường khai thác bay thay đổi liên tục với nhiều tình huống khác nhau và được huấn luyện để tự tin xử lý kiểm soát được các tình huống.
“Mỗi một năm, phi công có 8 bài kiểm tra mà nếu trượt mục nào thì bằng lái phi công sẽ bị treo, xem như cất bằng vào túi làm lưu niệm. Vì vậy, an toàn bay không tự nhiên đến mà liên tục phải là huấn luyện, học tập rất nhiều để tạo ra sự khác biệt trong nhận thức, kỹ năng và phẩm chất ở mỗi cá nhân”, ông Liên nhấn mạnh.
Nền móng nâng tầm hàng không Việt trên bản đồ thế giới
Khẳng định mục tiêu để đảm bảo an toàn và bảo vệ tính mạng của hành khách trên máy bay là nhân tố cốt lõi, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, tất cả nhân viên của hãng đều được đào tạo bài bản, định kỳ theo đúng tiêu chuẩn của Tổng công ty và Cục Hàng không Việt Nam, Tổ chức hàng không quốc tế đề ra.
Cụ thể, phi công và tiếp viên sẽ được đào tạo về kiến thức cơ bản về an toàn bay, quy trình khẩn cấp và quy định của ngành hàng không. Sau đào tạo lý thuyết, đội ngũ này sẽ tham gia vào các buổi thực hành trên các mô hình mô phỏng gồm thông báo khẩn cấp, sử dụng trang thiết bị khẩn nguy, phân loại và giải quyết các tình huống khẩn cấp.
Tiếp đến, phi công và tiếp viên thực hiện các chuyến bay dưới sự giám sát của giáo viên để đảm bảo rằng họ sẵn sàng thuần thục các thao tác an toàn đúng cách trong các trường hợp cần thiết.
Đảm bảo an toàn trong các chuyến bay là vấn đề cốt lõi.
“An toàn bay là một lĩnh vực không ngừng phát triển và tiến bộ. Do đó, phi công và tiếp viên sẽ thường xuyên tham gia vào các khóa đào tạo liên tục và cập nhật kiến thức về an toàn bay. Điều này đảm bảo rằng họ luôn cập nhật với những thay đổi mới nhất trong ngành hàng không và có khả năng đối phó với những tình huống khẩn nguy một cách hiệu quả”, đại diện VNA quả quyết.
Đặc biệt, tại VNA, phi công phải tuân thủ các quy trình an toàn được đặt ra bởi tổ chức hàng không quốc tế và của Người khai thác (Vietnam Airlines) bao gồm việc thực hiện các kiểm tra an toàn trước khi cất cánh, tuân thủ quy tắc về thời gian làm việc và nghỉ ngơi, và quản lý tường tận các thông tin về các hoạt động bay.
“Xây dựng văn hóa an toàn không thể làm một sớm, một chiều mà phải là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi một cá nhân, qua đó góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay”, đại diện VNA nói.
Ngành hàng không Việt Nam trong nhiều năm qua đã đạt được thành tích đáng ghi nhận về đảm bảo an toàn khai thác, đây là một nỗ lực không nhỏ của toàn bộ hệ thống, từ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, công tác đào tạo nhân lực, sự nỗ lực chắt chiu dành nguồn lực thích đáng của các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành hàng không cho công tác bảo đảm an toàn trong mọi mặt. Trong đó, VNA là “con chim đầu đàn” trong công tác xây dựng thành công văn hóa an toàn, đặt nền tảng cho việc đạt được các thành tích đã được ghi nhận bởi IATA và cộng đồng hàng không quốc tế.
“Hội nghị An toàn khai thác toàn cầu IATA năm 2023 được Vietnam Airlines đăng cai tổ chức là một sự kiện hết sức quan trọng đối với hàng không quốc tế. Đây là một sự khẳng định tuyệt vời nhất về sự công nhận của IATA, của cộng đồng hàng không thế giới đối với năng lực và vị thế của Hãng hàng không Quốc gia nói riêng và của ngành hàng không Việt Nam nói chung”, đại diện VNA chia sẻ./.
PV