Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dành cả thanh xuân để cùng con trả lời… “bố ơi, mình đi đâu thế”?

(DS&PL) -

Câu chuyện về ông bố đơn thân khá bận rộn trở thành một ông bố nấu ăn ngon và luôn mơ ước dành thời gian đưa con đi “khắp thế gian” đã khiến không ít người ngưỡng mộ...

Câu chuyện về ông bố đơn thân khá bận rộn trở thành một ông bố nấu ăn ngon và luôn mơ ước dành thời gian đưa con đi “khắp thế gian” đã khiến không ít người ngưỡng mộ trầm trồ. Gạt qua những nỗi buồn trong quá khứ, anh đang trở thành hình mẫu một ông bố đơn thân lý tưởng, là động lực để những ông bố bà mẹ đơn thân khác học theo để tìm lại niềm vui trong cuộc sống…

Đưa con đi khắp thế gian

Đó là câu chuyện của anh Phan Văn Giang (SN 1982, Hà Nội) cùng con trai Phan Lê Tấn Dũng (SN 2007). “Cuộc sống của tôi bắt xuất hiện nhiều biến cố, khi hai vợ chồng không còn hòa hợp như thuở mới yêu mặn nồng nên đã quyết định chia tay. Tôi bắt đầu cuộc sống của một ông bố đơn thân từ năm 2010, khi đó, con trai tôi mới lên 3 tuổi...”, anh Giang bắt đầu câu chuyện.

Trước đó, anh đang là đầu bếp tại khu du lịch Khoang Xanh -Suối Tiên, giờ giấc khá thất thường nên để có thêm thời gian bên cậu con trai nhiều hơn, anh đã xin nghỉ để chuyển sang làm tiếp thị. “Dù công việc mới, thu nhập cũng bấp bênh, nhưng thời gian hành chính sẽ tốt cho việc chăm sóc con nhiều hơn nghề đầu bếp”, anh cho biết.

Nhắc đến sở thích chung của hai bố con, anh Giang tiết lộ: “Cả hai bố con đều có niềm đam mê đặc biệt với du lịch. Lúc đầu, kinh tế còn khó khăn thì lâu lâu, hai bố con mới đi chơi một lần, ở những địa điểm gần gần như Ao Vua, Đầm Long hay Đồng Mô,... Về sau, có điều kiện hơn một chút thì hai bố con đi khắp nơi. Mục tiêu của hai bố con là mỗi năm sẽ đi được ít nhất 3 tỉnh thành từ Bắc vào Nam”.

Anh Giang cùng con trong một chuyến du lịch- Ảnh: NVCC

Đối với cả anh Giang và cậu con trai 12 tuổi, chuyến đi đáng nhớ nhất là chuyến đi Đà Nẵng năm 2015:“Chuyến đi đó, con bị ốm sốt, kèm theo chứng rối loạn giấc mơ kinh hoàng của con tái phát. Khi đó, tôi đã rất sợ và hoang mang không biết phải làm gì, đi về cũng dở mà ở lại cũng không xong. Suốt đêm, tôi thao thức, nào có ngủ được đâu, vừa định chợp mắt xíu là lại mở choàng mắt để canh giấc cho con. Tuy nhiên, thật may mắn, sau đêm đó, con đã dần ổn định lại, và hai bố con lại tung tăng bên nhau khám phá mọi ngõ ngách của thành phố đáng sống này”.

Vốn đam mê du lịch từ nhỏ, nên ngay khi có cơ hội, anh Giang bắt đầu đưa con đi du lịch từ lúc 2-3 tuổi: “Lần đầu tiên thấy tôi bảo được đi du lịch, con thích quá, hét lên, chạy quanh nhà. Sau đó, con lấy ba lô ra, hăm hở nhét hết quần áo vào, mất công bố phải lôi ra chọn đồ và gập lại”.

Và anh nhận thấy con trai cũng hào hứng với những chuyến đi nên năm nào cũng cố gắng dành cả thời gian đưa con đi du lịch xa suốt mấy tháng hè. Còn trong năm học thì chỉ tranh thủ đi những địa điểm gần gần vào dịp cuối tuần.

Mặc dù đưa một cậu nhóc đi du lịch, ông bố này lại không chọn cách du lịch nhẹ nhàng, hưởng thụ đơn thuần: “Với tôi, đi du lịch không đơn giản chỉ là đi nghỉ dưỡng. Du lịch sẽ là một trải nghiệm hoàn hảo nhất nếu bạn muốn tìm hiểu về một địa danh nào đó, không phải đi theo tuor mà phải tự đi, lang thang ăn những món vỉa hè, nói chuyện tán gẫu với chú xe ôm, cô bán hàng... như vậy sẽ khiến ta hiểu được nhiều hơn về cuộc sống. Tôi và con trai đã từng trải nghiệm leo núi và đi xe ôm mấy chục cây số trong rừng cao su như ở Ia Grai, Biển Hồ, Pleiku chẳng hạn”.

Hiện tại, công việc kinh doanh túi xách thời trang của ông bố “thích xê dịch” này khá chủ động thời gian nên đam mê du lịch càng được “chiều chuộng”, cứ khi nào cậu con trai được nghỉ học là hai bố con lại “xách va-li lên và đi”.

“Hạnh phúc đơn giản là khiến ta hài lòng...”

Hiện tại, Tấn Dũng chuẩn bị lên lớp 7. Mặc dù ở trên lớp cũng thuộc dạng “nhất quỷ nhì ma”, thường xuyên nghịch ngợm, nhưng khi trở về nhà, Dũng lại là một cậu con trai ngoan của bố và sống khá tình cảm.

“Có bữa, tôi đang nằm thì cậu ấy chạy ra thủ thỉ: “Bố nằm úp xuống, con mát-xa cho. Hôm nào thấy bố đi làm về mệt thì cậu ấy cũng nhanh miệng hỏi han: “Bố ốm à? Bố nghỉ ngơi đi. Con đi chợ nấu ăn cho bố nhé!”. Rồi ôm hôn bố và thì thầm mấy câu: “Con yêu bố nhất”, anh Giang chia sẻ.

Có lẽ, được thừa hưởng tài nghệ nấu ăn ngon của bố nên Dũng thường xuyên “trổ tài” đảm đang, chăm sóc bố chu đáo. Đó là điều khiến anh Giang cảm thấy tự hào vô cùng về “bản sao nhí” của mình.

Anh Giang tổ chức sinh nhật cho con trai bé bỏng- Ảnh: NVCC.

“Ước mơ của con là trở thành phi công để có thể đưa bố đi khắp thế gian”, anh Giang bật cười thành tiếng khi cho rằng, chính vì đam mê du lịch mà anh truyền cho con khiến con có ước mơ đó.

Lặng đi một chút, anh Giang tâm sự: “Đối với tôi hạnh phúc đơn giản chỉ là khi ta hài lòng với cuộc sống của mình.Tôi công nhận mình bây giờ là một người hạnh phúc. Nhưng con trai tôi thì chưa, vì hiện tại, dù tôi có cho con bất kể điều gì đi nữa, thì đối với một đứa trẻ ở trong một gia đình “khuyết” thì hạnh phúc chưa trọn vẹn. Nếu cho thang điểm 10 cho một ông bố, chắc tôi chỉ dám nhận 2 điểm thôi, vì một ông bố hoàn hảo sẽ không bao giờ để một gia đình bị “khuyết” như vậy”.

“Cũng may là con cũng không mấy khi nhắc đến mẹ, chỉ khi nào mẹ gọi điện về thì hai mẹ con tâm sự với nhau thôi. Mới đây,mẹ con xin phép đón cháu sang Đức, tôi cũng đã hỏi ý kiến con nhưng con không muốn đi. Có lẽ vì con ở với bố quen rồi”, anh thủ thỉ.

Những ký ức khó quên

Ông bố đơn thân nhớ lại những ngày đầu “đánh vật” với cuộc sống mới, khi con trai không có mẹ ở bên: “Chuyện chăm con tất nhiên tôi đã phải học hỏi rất nhiều, từ bố mẹ tôi, rồi từ người quen, bạn bè, thậm chí là cả trên mạng xã hội. Riêng việc tập cho con tự lập xúc ăn và không ngậm cơm lúc bé cũng đã là một câu chuyện ly kỳ rồi”.

Khi ấy, anh Giang đã phải thay đổi công việc để về sớm với con trai, bởi công việc làm bếp phải 21-22h mới về được. Dũng gặp chứng rối loạn giấc mơ kinh hoàng, khoa học chưa giải thích được, cũng chưa có phương pháp điều trị. Thuốc dành cho chứng rối loạn đa số là thuốc bổ và hỗ trợ thần kinh. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên, như sang chấn tâm lý, do tai nạn hoặc có thể tự nhiên bị.

Anh Giang vẫn còn hơi run run khi nhắc lại quãng thời gian ấy: “Con thường bị lúc 23h đêm đến tầm 2h sáng. Mắt con thì mở và vẫn nhận ra mọi thứ, vẫn gọi bố và ôm chặt bố. Rồi con gào thét một cách sợ hãi, đẩy bố ra và lao chạy ra ngoài. Suốt 4 năm, tôi không bao giờ dám ngủ trước 2h sáng, cứ chong chong mắt thức trông con. Bây giờ con khỏi rồi thì tôi cũng bị bệnh mất ngủ”.

Người đàn ông điềm đạm ấy chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ, cách đây gần một năm: “Hôm đó, mẹ con về chơi và đón con ra khách sạn ở cùng. Nửa đêm, con lại sốt và chứng rối loạn giấc mơ kinh hoàng của con tái phát. Mẹ con hoảng hốt, phải gọi điện cho tôi, tôi đến đón con về.

Trên đường, tôi dẫn con đi ăn bát cháo tía tô, ăn thêm hai quả trứng nóng, con tỉnh lại luôn. Tôi cũng không hiểu vì sao con khỏi nhanh như vậy. Lúc ở khách sạn ra, trông con nhợt nhạt lắm, vậy mà ăn xong, con lại hồng hào và cười nói như chưa có chuyện gì vậy.

Vừa về đến nhà, con nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Chả có gì ngăn cách được bố con mình nhỉ?!”. Tôi hỏi con, sao con nói vậy. Con bảo:“Đấy! Bố xem. Xa bố có từ chiều mà giờ con lại về với bố rồi...”, rồi cười thật hồn nhiên khiến tôi không khỏi thú vị”.

“Mới đây, vào ngày sinh nhật tôi, con mua một lọ mơ ước, viết một điều ước rồi cho vào lọ tặng bố. Con bảo: “Con tặng bố và ước hộ cho bố luôn rồi. Khi nào thành sự thật, bố mới được mở ra...”. Đến bây giờ, tôi vẫn không biết con viết gì trong đó”, anh kể, đó có lẽ là sinh nhật anh xúc động nhất trong cả chục năm qua.    

Cẩm Mịch

Tin nổi bật