Theo báo Vietnamnet, sáng nay (25/4), tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn tấp nập khách mua bán vàng. Từ đầu buổi sáng, người dân đã chen chân nhau tại các cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu, Doji, PNJ…
Khách giao dịch vàng tại Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet
Chị Mai (ở Cầu Giấy, Hà Nội) – một khách mua vàng cho biết, giá vàng biến động mạnh nên bản thân chị cũng thấy lo lắng, sợ “đu đỉnh”. Song, để tiền nhàn rỗi không biết làm gì, bạn bè đầu tư vàng trước đó đều có lãi nên chị quyết tâm hôm nay đi mua vàng.
Ngược lại, chị Quỳnh (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) tích trữ được vài lượng vàng từ trước đó. Đến nay, số vàng này đã có lãi dù không nhiều. Thấy thế, sáng nay chị lại ôm tiền đi mua vàng tranh thủ lúc đang giảm.
“Cứ mua về tích luỹ vì xu hướng giá vàng được nhận định vẫn sẽ tăng trong thời gian tới”, chị nói.
Tại các cửa hàng vàng, lượng khách đến mua nhiều hơn lượng khách tới bán. Nhiều người chọn vàng làm kênh đầu tư khi khoản tiền tiết kiệm đáo hạn. Một số người thừa nhận mua theo tâm lý đám đông, thấy mọi người đổ xô mua vàng nên cũng... mua theo.
Đáng chú ý, tại các cửa hàng vàng, nhẫn tròn trơn vẫn là mặt hàng được khách chọn mua nhiều nhất trong những ngày này. Do đó, tình trạng “cháy hàng”, giới hạn lượng vàng nhẫn khách mua diễn ra phổ biến ở các cửa hàng.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải sáng hôm nay, nhân viên cửa hàng liên tục thông báo với khách: “Vàng nhẫn vẫn cháy hàng. Nếu có nhu cầu đặt hàng trước thì vài ngày sau có thể quay lại lấy vàng”. Trước đó, hệ thống cửa hàng này nhận đơn đặt trước nhưng không hẹn ngày giao trả vàng cụ thể.
Còn với vàng miếng SJC, nhân viên Bảo Tín Mạnh Hải cho biết, có thể ra trực tiếp cửa hàng giao dịch vì nguồn cung không khan hiếm như vàng nhẫn tròn trơn.
Nhân viên tư vấn của Bảo Tín Minh Châu thông tin, các cửa hàng vẫn giới hạn lượng vàng nhẫn khách mua mỗi lần. Như hôm nay, với chi nhánh tại Cầu Giấy, khách được mua tối đa 1 lượng vàng nhẫn tròn trơn. Tại các cửa hàng ở Trần Nhân Tông, khách được mua tối đa 3 lượng.
Giám đốc một doanh nghiệp vàng thừa nhận, người dân đang có nhu cầu rất cao với vàng nhẫn. Do đó mặt hàng này luôn trong tình trạng “cháy hàng” trên toàn hệ thống bất chấp giá tăng mạnh.
Theo vị lãnh đạo này, Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng cung cho thị trường vàng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, người dân lại chuyển từ nhu cầu vàng miếng sang vàng nhẫn tròn trơn để đầu tư và tích luỹ. Đây cũng là lý do vàng miếng tại hệ thống cửa hàng lúc nào cũng có sẵn, còn kho vàng nhẫn bị “vét mua hết sạch”.
Nếu tính tỷ lệ khách mua vàng tại cửa hàng thì nhu cầu vàng nhẫn lên tới 80%. Các cửa hàng luôn trong tình trạng vàng nhẫn khách vừa đem tới bán, mới kiểm tra và thanh toán xong đã được chuyển bán ngay cho khách khác. “Hiện, các cửa hàng, chi nhánh của chúng tôi ngừng nhận đơn đặt hàng với vàng nhẫn, bởi không biết lúc nào mới có vàng trả cho khách”, vị giám đốc này chia sẻ.
Trong một diễn biến khác, trưa nay Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, phiên đấu thầu vàng diễn ra 9h sáng, khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400-2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc 10%, tương tự phiên đấu thầu ngày 23/4. Nhà điều hành không thông báo mức giá tham chiếu.
Phiên đấu thầu đầu tiên lẽ ra diễn ra sáng 22/4 cũng đã bị hủy do "không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc".
Giá vàng miếng SJC có xu hướng biến động mạnh gần đây trước diễn biến đấu thầu vàng. Trưa nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 81,7 - 84 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng SJC đang cao hơn thế giới hơn 12,5 triệu đồng/lượng.