"Đừng lo lắng. Chắc chắn sẽ có máy bay cho Ukraine. Đây là toàn bộ phi đội F-16 của chúng tôi. Chúng tôi đang tiếp nhận máy bay chiến đấu thế hệ mới - F-35",Đại sứ Egberg Mikkelsen nhấn mạnh.
Theo vị quan chức này, mặc dù một số máy bay đã được Đan Mạch chuyển giao cho Argentina, nhưng Ukraine sẽ nhận được số lượng máy bay chiến đấu như Copenhagen đã cam kết.
Tính tới năm 2023, phi đội F-16 của Đan Mạch bao gồm 34 máy bay chiến đấu F-16AM và 10 máy bay chiến đấu F-16BM, với 30 trong số 44 máy bay này đang hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả số máy bay này sẽ đến Ukraine.
Tiêm kích F-16. Ảnh: AP
Được biết, trước đó, Argentina đã ký thỏa thuận với Đan Mạch để mua 24 máy bay F-16 với giá 300 triệu USD. Thương vụ này giải quyết nhu cầu lâu dài của Argentina trong việc thay thế máy bay Mirage đã ngừng hoạt động vào năm 2015.
F-16 là máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất. Kiev đã nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp F-16 để chống lại ưu thế trên không của Nga. Sau nhiều tháng từ chối, Mỹ hồi tháng 8 đã "bật đèn xanh" để các nước như Đan Mạch, Hà Lan tiến hành việc này.
Hà Lan, nước sở hữu 42 chiếc F-16, đang đào tạo phi công Ukraine nhưng chưa công bố thời gian bàn giao tiêm kích. Bỉ tháng 10/2023 cũng tuyên bố sẽ chuyển F-16 cho Ukraine, song không nêu số lượng.
Mỹ mô tả F-16 là công cụ quan trọng với quá trình biến đổi quân đội Ukraine thành lực lượng có khả năng răn đe Nga trong tương lai. Họ tin rằng tiêm kích này sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược quốc phòng dài hạn của Kiev, nên không thể chuyển giao một cách vội vã.
Đầu tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh, các máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây có thể giúp tăng cường năng lực quân sự của Ukraine, nhưng không thể tạo ra đột phá.
Các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Điện Kremlin liên tục cảnh báo không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng điều đó sẽ khiến xung đột leo thang hơn.
Nhiều đề xuất hòa bình cho xung đột đã được đưa ra nhằm giải quyết tình thế bế tắc hiện nay, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
M.M (T/h)