Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đắk Lắk: Nghẹt thở ca phẫu thuật u não 0,5kg đầu tiên bằng định vị Navigation

(DS&PL) -

Mới đây, bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đã phẫu thuật bóc tách u não có trọng lượng 0,5kg cho một bệnh nhân bằng phương pháp mới dùng máy định vị Navigation.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ căng thẳng, nghẹt thở, ca phẫu thuật lấy u não nặng 0,5kg bằng phương pháp dùng máy định vị Navigation đã thành công khiến người nhà bệnh nhân và các y, bác sĩ vỡ òa hạnh phúc.

Chấp nhận rủi ro để người thân được phẫu thuật

Mới đây, bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đã phẫu thuật bóc tách u não có trọng lượng 0,5kg cho một bệnh nhân bằng phương pháp mới dùng máy định vị Navigation.

Bệnh nhân là ông Lương Ngọc Tú (53 tuổi, trú tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Ông Tú nhập viện ngày 2/2 trong tình trạng liệt nửa người do bị té ngã, nói ngọng, đau đầu nhiều.

Bệnh nhân Tú được điều trị sau phẫu thuật

Trước đó, ông Tú đã từng bị tai biến mạch máu não. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại khoa Ngoại thần kinh đã tiến hành thăm khám và chụp cắt lớp vi tính cho bệnh nhân. Trên cơ sở đó, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Tú bị u màng não bán cầu bên trái.

Xác định đây là một ca bệnh có tính chất phức tạp và ngoài khả năng nên các bác sĩ tại khoa Ngoại thần kinh đề nghị người nhà đưa ông Tú xuống bệnh viện tại TP.HCM để được tiến hành phẫu thuật lấy u não. Tuy nhiên, ngay sau khi lắng nghe lời đề nghị của các bác sĩ, người nhà bệnh nhân cho biết do gia đình thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không có khả năng đưa ông Tú đi xuống TP.HCM để điều trị, phẫu thuật. Vì vậy, người nhà chấp nhận rủi ro, viết giấy cam đoan để ông Tú được phẫu thuật tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Niềm vui vỡ òa sau ca mổ

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Lương Ngọc Tú, bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay: “Đứng trước sự tha thiết của bệnh nhân và người nhà, tôi và các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn quyết định phẫu thuật bóc u qua kính vi phẫu có định vị Navigation cho bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình hội chẩn, các bác sĩ không khỏi lo ngại về những rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Bởi trước đây, bệnh viện phẫu thuật khối u lớn nhất có trọng lượng chưa tới 0,1kg. Trong khi đây là trường hợp u não khó và phức tạp, khối u có kích thước lớn, chiếm nửa cái đầu, lại nằm gần với các vùng chức năng quan trọng của não bộ, liên quan đến nhiều dây thần kinh. Do đó, nếu quá trình phẫu thuật gặp trục trặc thì bệnh nhân sẽ bị tai biến và tỉ lệ tử vong rất cao. Hơn nữa, ngoài nhiệm vụ bóc tách khối u, phẫu thuật viên còn phải bảo đảm các chức năng của não và các dây thần kinh sọ não vì chỉ cần sơ sảy 01 ly có thể gây tổn thương cấu trúc não, hoặc chạm vào các dây thần kinh và để lại hậu quả nặng nề với người bệnh, nhất là đối với vùng ngôn ngữ và hoạt động”.

Bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ Đồng đã động viên các bác sĩ trong ê- kíp phải vững tâm để chuẩn bị cho ca mổ bởi nếu không phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ chết. Ban đầu, các bác sĩ dự định thời gian phẫu thuật cho ông Tú sẽ kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ Đồng và ê- kíp mổ đã thông báo cho toàn bộ phòng mổ phải chuẩn bị tập trung hết sức, không được lơ là. Sau hơn 3,5 giờ tiến hành phẫu thuật, bác sĩ Đồng cùng các đồng nghiệp đã bóc tách và lấy toàn bộ u có trọng lượng 0,5kg trong não của bệnh nhân Tú.

“Khi chuẩn bị kết thúc ca mổ, gần chục người trong phòng mổ vỡ òa, reo lên “hết u rồi” và vỗ tay ầm ầm chúc mừng. Giây phút đó, bản thân tôi và mọi người vô cùng hạnh phúc như trút được một gánh nặng”, bác sĩ Đồng nhớ lại.

Theo bác sĩ Đồng, để thực hiện thành công ca phẫu thuật cho ông Tú, ngoài kinh nghiệm của các y, bác sĩ còn có sự hỗ trợ của các trang thiết bị chuyên ngành phẫu thuật thần kinh tiên tiến, hiện đại.

“Ông Tú là bệnh nhân đầu tiên tại Đắk Lắk được phẫu thuật bằng phương pháp sử dụng máy định vị Navigation. Chiếc máy này được bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mua từ năm 2018. Sau khi mua máy, bệnh viện đã cử tôi đi học 6 tháng tại bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM. Hiện bệnh viện đã trang bị hệ thống định vị Navigation cho phép bác sĩ giải phẫu thần kinh định vị được chính xác vị trí khối u, đồng thời định vị xung quanh khu vực quan trọng của não. Ngoài ra, còn có kính vi phẫu sử dụng trong quá trình phẫu thuật thần kinh sọ não, hình ảnh sẽ được phóng đại sắc nét tạo điều kiện cho các phẫu thuật viên dễ dàng bảo quản những dây thần kinh và mạch máu quan trọng, từ đó giảm nguy cơ tổn thương não bộ”, bác sĩ Đồng thông tin thêm.

Khi được các bác sĩ thông báo kết quả phẫu thuật thành công, người nhà bệnh nhân Tú vô cùng xúc động và không dám tin người thân của mình đã được cứu sống. Bác sĩ Đồng cũng cho biết, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân trong trạng thái tỉnh táo, dấu hiệu vận động đang hồi phục và có thể nói chuyện được. Hiện nay, ông Tú đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Ngoại thần kinh.

Mai Cường

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 26

Tin nổi bật