Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đắk Lắk: Đường tránh đầu tư 575 tỷ đồng và điệp khúc sửa xong lại hỏng

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Mặc dù mới đưa vào sử dụng và đã được sửa chữa nhưng đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng đã xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài.

Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây TX Buôn Hồ (Đắk Lắk) dài 26 km, có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk và điểm cuối ra lại đường Hồ Chí Minh tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'Gar. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Dự án này đã hoàn thành và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao cho Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) quản lý, khai thác.

Tuy nhiên, tuyến đường mới đưa vào khai thác đã có dấu hiệu xuống cấp như lún, nứt, bong tróc mặt đường nên chủ đầu tư đã phải vá lại.

Một số vị trí đường hỏng được vá tạm bợ.

Ông Huỳnh Tấn Thành, một người đi đường cho biết, lớp đá mi này là những chất liệu mà nhà thầu vá víu tuyến đường còn dư thừa, vương vãi trên mặt đường. Mỗi khi phương tiện giao thông đi qua nếu phanh gấp rất thì dễ bị trơn trượt, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông.

Đại diện Sở GTVT Đắk Lắk cho biết, đến nay, nhà thầu đã sửa chữa hư hỏng mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông tại tuyến đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh), sau khi khắc phục xong, sở cũng đã có báo cáo Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Theo Sở GTVT Đắk Lắk, thời gian qua, nhà thầu (Liên danh Cty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam và Cty TNHH An Nguyên) đã sửa chữa hư hỏng mặt đường bằng phương pháp cào bóc lớp bê tông nhựa (đoạn hư hỏng) và hoàn trả lại lớp bê tông nhựa theo hồ sơ thiết kế. Tổng khối lượng thực hiện sửa chữa hơn 745m2.

Đại diện Công ty TNHH An Nguyên cho biết, dự án nói trên vẫn còn gần 2 năm bảo hành.

Thế nhưng, thực tế dù mới sửa lại song nhiều vị trí trên tuyến đường này có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

Mặt đường lồi, lõm có những lớp đá mạt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cụ thể, đoạn đường qua thôn 6, phường Đoàn Kết (thị xã Buôn Hồ) xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài khoảng 5km… Nhà thầu đã cho rải lớp thảm nhựa lên bề mặt, nhưng, càng để lâu càng lộ rõ mặt đường có biểu hiện xuống cấp.

"Chúng tôi thấy nhà thầu họ chỉ rải lớp nhựa đường trên bề mặt, không thấy họ đào lên để làm lại. Cách xử lý này chỉ để đối phó… chứ để lâu dài đường sẽ sụt lún gây nguy hiểm cho người đi đường", anh Trần Anh Khoa (người dân tại thị xã Buôn Hồ) cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lãnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.5 cho biết, vừa rồi, nhà thầu đã khắc phục được một số vị trí đường hỏng. "Tuyến đường này đang trong quá trình bảo hành, nếu phát hiện đoạn nào hư hỏng chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu tiếp tục khắc phục", ông Lãnh cho hay.

Mặt đường bong tróc nhiều vị trí.

Việc truy cứu trách nhiệm của nhà thầu để xảy ra chất lượng công trình không đảm bảo đã được dư luận đặt ra. Trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nói: Điều này đã nằm trong báo cáo, giải pháp của Chính phủ trước Quốc hội, đối với các công trình trọng điểm không đảm bảo chất lượng cần rà soát đánh giá năng lực, truy trách nhiệm của nhà thầu.

Trong trường hợp này, Bộ, ngành chức năng ngoài việc đánh giá năng lực, trách nhiệm của nhà thầu, cần đánh giá năng lực đầu tư để tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm.

Qua đánh giá những yếu kém, sai phạm như vậy, đối với các nhà thầu có công trình không đảm bảo chất lượng, xảy ra sự cố sẽ không được tham gia đấu thầu, như thế mới không có tình trạng tái phạm. Chỉ như vậy, chất lượng công trình mới được nâng cao và người dân mới được hưởng lợi từ việc đầu tư các dự án, công trình của Nhà nước.

M.H

Tin nổi bật