CTCP Vissai Ninh Bình vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 với khoản lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn gần 80 tỷ đồng, trong khi năm 2022 doanh nghiệp này báo lãi sau thuế hơn 865,7 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 90%.
Trước đó, tình hình kinh doanh của Vissai Ninh Bình đã xuống dốc trong năm 2022 khi chỉ lãi 865 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so mức 1.486 tỷ đồng của năm 2021.
Kinh doanh tụt dốc khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Vissai Ninh Bình giảm từ mức 19% của kỳ trước xuống vỏn vẹn 2%.
Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Vissai Ninh Bình ở mức 4.718 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,5, tương ứng khoản nợ phải trả hơn 7.077 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã “sạch” nợ trái phiếu.
Ảnh minh họa.
Vissai Ninh Bình tiền thân là Công ty TNHH Xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại Sản xuất Hoàng Phát, được thành lập năm 2004.
Năm 2009, công ty đổi tên thành Tập đoàn Xi măng Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker. Năm 2017, công ty được đổi tên thành CTCP Vissai Ninh Bình. Theo công bố trên website của Vissai Ninh Bình, hiện công ty có vốn điều lệ 6.289 tỷ đồng, tổng sản lượng đạt 18,6 triệu tấn. Giám đốc doanh nghiệp là ông Hoàng Mạnh Trường.
Các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực xi măng của Vissai gồm: CTCP Vissai Ninh Bình (Vissai Ninh Bình), CTCP Vissai Hà Nam, CTCP Xi măng Đồng Bành, CTCP Xi măng Sông Lam 2 và CTCP Xi măng Sông Lam.
Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, tên tuổi của Vissai hiện diện trên khắp các tỉnh thành với loạt nhà máy nghìn tỷ gồm: Nhà máy Xi măng The Vissai Ninh Bình (5.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất xi măng tại Hà Nam (2.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng tại Lạng Sơn (2.000 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất Xi măng tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (1.200 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Sông Lam tại Huyện Đô Lương (12.500 tỷ đồng).