Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại gia Việt: Đẩy con vào thương trường để dạy dỗ

(DS&PL) -

Để con đi bán canh cá, buôn sắt thép, đặt con vào vị trí cao nhất, lãnh đạo công ty lớn hàng trăm tỷ đồng là những cách dạy con của các đại gia Việt

Để con đi bán canh cá, buôn sắt thép hay đặt con vào vị trí cao nhất, lãnh đạo công ty lớn hàng trăm tỷ đồng là những cách dạy con của các đại gia Việt.

Đại gia ngân hàng cho con đi buôn sắt thép

“Đạo đức, hạnh phúc của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của con cái” là quan niệm của doanh nhân Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch Sacombank về cách nuôi dạy con mà không phải doanh nhân nào cũng có được.

Ông Thành chia sẻ về cách giáo dục con cái: “Từ khi còn bé chúng tôi đã phân tích và giáo dục các cháu sử dụng đồng tiền phù hợp với lứa tuổi và sinh hoạt trong gia đình luôn ở chừng mực ngăn nắp, nhằm tạo thói quen cho các cháu.

Cụ thể là chúng tôi đã tạo điều kiện cho con tôi tự kiếm tiền khi là sinh viên bằng các công việc như: bán cây kiểng vào dịp Tết, mở một quán nhỏ bán thức ăn để tạo cho chúng khái niệm kiếm tiền và biết quý những đồng tiền do chính mình tạo ra. Do đó, không cần tôi phải từ chối mà tự các cháu đã biết cân nhắc nên hay không nên có những yêu sách".

Doanh nhân Đặng Hồng Anh, con trai cả của đại gia Đặng Văn Thành từng lập nghiệp bằng cách mở quán bánh canh cá, sau đó bán cây kiểng, buôn sắt thép...

Đặc biệt, ông Đặng Văn Thành có nguyên tắc, các thành viên gia đình đều tập hợp tại bữa cơm trưa. Tại đây, ông Thành và vợ sẽ giải đáp những thắc mắc, trao đổi kinh nghiệm sống, tâm sự với con cái.

Với tính tự lập cao, khi mới 18 tuổi, Đặng Hồng Anh đã ra làm ăn nhỏ khi mở quán bánh canh cá, sau đó bán cây kiểng, buôn sắt thép,… trước khi quản lý công ty bất động sản danh tiếng Sacomreal.

Ông cũng có con gái là Đặng Huỳnh Ức My, nữ doanh nhân giàu có và tài giỏi này hiện đang giữ những trọng trách lớn như Chủ tịch HĐQT tại Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) và nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) sở hữu hơn 1,5 triệu cổ phiếu.

Chủ tịch SeaBank hiếm khi khen ngợi con

Gia nhập SeABank ngay trong thời gian tập sự, tuy là con gái của nữ doanh nhân giỏi giang bậc nhất Việt Nam Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeABank nhưng Lê Thu Thủy không được hưởng bất cứ đặc quyền nào.

Cô đã trải qua mọi vị trí và đảm nhận mọi nghiệp vụ tại ngân hàng để có thể cảm nhận và thấu hiểu rõ nhất về nơi mình sẽ gắn bó.

Trẻ tuổi, áp lực công việc lớn, không tránh khỏi những lúc có va vấp, tuy là con Chủ tịch nhưng cô vẫn bị mẹ khiển trách, thậm chí rất hiếm khi được mẹ khen ngợi dù làm tốt.

Sau 5 năm học việc tại SeABank, Thủy đã chủ trì viết đề án chiến lược phát triển Ngân hàng trình lên HĐQT.

Tuy là con gái của nữ Chủ tịch SeABank nhưng Lê Thu Thủy không được hưởng bất cứ đặc quyền nào.

Được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có thêm sự chỉ dẫn sát sao từ người mẹ, cộng với nhiệt huyết và niềm đam mê, thói quen học hỏi, Thủy và thế hệ doanh nhân trẻ như cô được tin tưởng sẽ làm rạng danh doanh nghiệp Việt không chỉ trong nước mà vươn tầm khu vực, tầm quốc tế.

Cuối năm 2013, nhân viên SeABank đã bỏ phiếu công nhận Thủy là một trong những cá nhân xuất sắc của ngân hàng. Hiện tại Thủy đang giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SeABank.

Chủ tịch REE: Truyền lửa cho con bằng tình yêu

Năm 2009, khi nữ đại gia Nguyễn Thị Mai Thanh bổ nhiệm con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình, 27 tuổi, làm Giám đốc tài chính (CFO) và đề cử tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE Corp.) thì xuất hiện nhiều tiếng xì xào. Thời gian đó, công ty tái cấu trúc và hoàn thiện mô hình hoạt động với ba mảng kinh doanh chính: cơ điện truyền thống - kinh doanh văn phòng cho thuê - đầu tư hạ tầng điện, nước.

Trong thâm tâm bà Mai Thanh không muốn tuyển dụng người nhà, nhưng biết Thái Bình hội tụ đủ tố chất để cáng đáng vị trí này, lại là người luôn có trách nhiệm trong công việc nên bà đã dò ý Thái Bình.

Lúc ấy Thái Bình làm việc ở bộ phận Dịch vụ - Tài chính - Doanh nghiệp của ngân hàng HSBC. Đây là bến đỗ đầu tiên ở quê nhà sau khi Thái Bình hoàn thành chương trình du học ở Mỹ.

Nguyễn Ngọc Thái Bình là con trai cả của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE.

Làm việc cho một định chế tài chính lớn, áp lực công việc không ít, nhưng những lúc căng thẳng nhất Thái Bình luôn nhận được lời động viên từ người mẹ thành đạt. Anh được mẹ nhắc nhở việc đầu tư không được nóng vội, cần phải thu thập số liệu để phân tích, đánh giá hiệu quả. Không bao giờ người mẹ doanh nhân đưa ra sự lựa chọn cho con trai, mà chỉ trao đổi, vạch ra các khả năng để anh nhìn xuyên suốt các vấn đề.

Thái Bình nói, khi gặp vấn đề khó, trò chuyện với mẹ bao giờ anh cũng thấy mở rộng được tầm nhìn, bổ sung và làm phong phú thêm kiến thức học được từ sách vở. Ở cương vị CFO, Thái Bình nhanh chóng khẳng định được năng lực. Đầu tiên anh đàm phán giúp REE thoái vốn thành công dự án Nhiệt điện Vũng Áng II (dự án có công suất 1.200MW, tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD). Thương vụ thứ hai là mới đây REE phát hành thành công 558 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho đối tác Platinum Victory - một công ty trực thuộc tập đoàn Jardine Matheson danh tiếng. Đáng chú ý là mức giá chuyển đổi cao hơn thị giá cổ phiếu REE tới 30\%.

Anh nói gia đình lớn chính là bàn đạp xuất phát đầu tiên của mình, trong đó mẹ là người anh chịu ảnh hưởng và học hỏi rất nhiều. Còn bà Mai Thanh thì chia sẻ, áp lực nhịp sống công nghiệp khiến mọi doanh nhân phải ráo riết chạy đua với thời gian nhằm theo kịp chuyển động hối hả của thương trường, nhưng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thì bất kể thời gian. Có thời gian dành cho nhau thì các thành viên trong gia đình mới gắn kết, sống vì nhau, giúp đỡ nhau...

Ông chủ ACB dạy con đi từ thấp lên cao

Điển hình cho cách dạy con này là trường hợp của ông chủ ACB Trần Mộng Hùng dạy con Trần Hùng Huy, người mới được bầu là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng ACB.

Ông Huy đã từng tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ năm 2002. Năm 2011, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ. Vừa học xong thạc sĩ, ông Huy được đưa vào Ngân hàng làm việc với chức danh chuyên viên nghiên cứu thị trường, ở thời điểm mà cha ông vẫn đang là Chủ tịch HĐQT. Sau đó gần 2 năm, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Marketing và giữ cương vị này 4 năm. Ông Huy còn tiếp tục làm việc ở cương vị Phó tổng giám đốc ACB và từ năm 2006 đến nay, ông là thành viên HĐQT ACB.

Trong vòng 11 năm làm việc tại ACB, ông Huy đã được chứng kiến nhiều sự biến lớn ở đây với những trải nghiệm của cả gia đình “nằm gai nếm mật” kể cả việc cha của ông là Trần Mộng Hùng phải rời khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT vào năm 2008.

Ông chủ cũ của ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng đã dạy con Trần Hùng Huy đi từ thấp lên cao.

Trong suốt 11 năm đó, sự hiện diện của ông Huy gần như nằm trong phạm vi nội bộ ngân hàng Á Châu. Hầu như không có thông tin gì về ông được đưa ra cho công chúng. Tuy nhiên, khi ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT của ACB vào thời điểm tháng 5/2013, có rất ít phản ứng từ cổ đông và công chúng. Có lẽ vì ông Huy cũng đã ở độ tuổi bắt đầu chín trong kinh doanh sau 11 năm làm việc tại ngân hàng này và lại có trình độ học vấn bài bản. Hơn nữa, giúp việc cho ông Huy là ban giám đốc khá vững vàng và đầy kinh nghiệm.

“Bà chúa” vàng nữ trang dạy con không dựa hơi bố mẹ

Được dạy dỗ không dựa hơi bố mẹ, Trần Phương Ngọc Thảo - con gái Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á và bà chủ công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Ngọc Dung tự khẳng định mình theo một cách riêng.

Trần Phương Ngọc Thảo được biết đến từ khi ngành ngân hàng, vàng bạc tại Việt Nam chưa sôi động. Thảo nổi tiếng không phải vì là con 2 đại gia lừng lẫy trong ngành tài chính ngân hàng, mà bởi thành tích học tập vượt trội của cô, kể từ khi còn là học sinh THCS.

Thảo là một học sinh giỏi toàn diện. Cô đứng thứ bảy trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand và được tuyển thẳng vào đại học Oxford Anh danh giá.

Không dựa hơi bố mẹ, Trần Phương Ngọc Thảo - con gái Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á và bà chủ công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Ngọc Dung tự khẳng định mình theo một cách riêng.

Sau những năm học tại đại học này, Thảo tốt nghiệp với thành tích loại ưu và lọt top 5 trường học này. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi được các giáo sư đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard - trường học danh tiếng nhất tại Mỹ.

Thông tin mới nhất theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2013, ở DongABank, Trần Phương Ngọc Thảo có 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,68\%. Ngoài ra, Thảo còn nắm cổ phần ở PNJ, nơi mẹ cô làm chủ tịch.

Quyết định khó khăn: Đưa con gái 24 tuổi vào ghế cao nhất

Thông tin bà Phạm Đỗ Diễm Hương sinh năm 1989 là con gái ông Phạm Trung Cang được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) khi mới 24 tuổi, trong nhiệm kỳ III (2012-2016), khiến nhiều người sửng sốt.

Cô Diễm Hương tuy đã tốt nghiệp đại học, nhưng mới làm chuyên viên tài chính một thời gian ngắn. Giờ đây cô sẽ phải quản lý một công ty chuyên sản xuất bao bì PP tái sinh, cung cấp cho các nhà máy hóa chất, phân bón tại khu vực miền Nam; có lưng vốn hơn 613 tỷ đồng , tiền mặt trên 111 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 323 tỷ đồng.

Bà Phạm Đỗ Diễm Hương sinh năm 1989 là con gái ông Phạm Trung Cang được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Nhựa Tân Đại Hưng khi mới 24 tuổi.

Đành rằng Tân Đại Hưng đã có mặt trên thị trường gần 30 năm nhưng vẫn không thể coi đây là công ty mà đặt ai vào ghế của nhà quản lý cao nhất cũng được, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang sa sút.

Tất nhiên, dù không nói ra thì giới kinh doanh cũng hiểu những khó khăn của ông Phạm Trung Cang sau cú sốc Bầu Kiên từ ACB và Eximbank. Vì vậy, đặt con gái mình lên cương vị lãnh đạo cao nhất của Tân Đại Hưng vào thời điểm này với ông Cang có lẽ cũng là một quyết định đầy khó khăn trong vai trò của một người bố.

Tin nổi bật