Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại án TrustBank: Bà Hứa Thị Phấn lãnh 30 năm tù

(DS&PL) -

Liên quan đến đại án TrustBank, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 30 năm tù.

TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án đối với Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngày 31/5, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với vụ "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB).

Theo Tri thức trực tuyến, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 30 năm tù. Tổng hợp với hình phạt 17 năm tù của TAND Cấp cao Hà Nội, hình phạt bị cáo chấp hành 30 năm.

Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (thư ký của bà Phấn, vừa sinh con) lĩnh 13 năm tù tội Lam dụng tín nhiệm, 15 năm tù tội Cố ý làm trái, tổng hợp là 28 năm tù. Lâm Kim Dũng lĩnh 6 năm tù, Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc TrustBank) lĩnh 6 năm tù.

Bị cáo Ngô Kim Huệ (Phó tổng Giám đốc TrustBank) lĩnh 7 năm tù tội Lạm dụng tín nhiệm, 3 năm tù tội Cố ý làm trái, tổng hợp là 10 năm tù. Bị cáo Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank) 7 năm tù tội Cố ý làm trái.

Các bị cáo khác lĩnh từ 2 năm tù treo tới 10 năm tù giam.

Bị cáo Hứa Thị Phấn có trách nhiệm bồi thường cho CB số tiền hơn 15.690 tỷ đồng về hành vi Cố ý làm trái, hơn 1.000 tỷ đồng về hành vi Lạm dụng tín nhiệm.

Theo VnExpress, Toà buộc Công ty Phương Trang phải hoàn trả lại cho ngân hàng Đại Tín hơn 6.400 tỷ đồng (hơn 3.900 nợ gốc, gần 900 tỷ đồng nợ lãi và 1.600 tỷ nợ lãi phát sinh). Riêng các khoản nợ bắt buộc giữa Phương Trang và Đại Tín, HĐXX tách ra để các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.

HĐXX cũng yêu cầu tiếp tục kê biên các tài sản thế chấp của Công ty Phương Trang để để đảm bảo cho việc thanh toán các khoản nợ tại CB (tiền thân là VNCB, Đại Tín). Khi Phương Trang hoàn trả hơn 6.400 tỷ đồng sẽ được nhận lại toàn bộ tài sản.

Toà cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan việc tính thuế thu nhập đối với bà Phấn khi chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: VietNamNet

Theo VietNamNet, trước khi tuyên án đối với các bị cáo, HĐXX nhận định, về tố tụng, luật sư cho rằng quá trình lấy lời khai của bị can có dấu hiệu mớm cung nhưng đây chỉ là suy đoán chủ quan. Việc có các bản cung “sinh đôi” là có sự sai sót và tại phiên xử đã thẩm vấn lại các bị cáo. Ngoài ra, tòa còn dựa vào các lời khai để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Việc vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn, HĐXX không thực hiện áp giải đến tòa là do bị cáo đã tuổi cao, sức khỏe kém. Bên cạnh đó, bị cáo có 5 luật sư, việc xét xử còn sử dụng nhiều lời khai để làm rõ các hành vi. Như vậy việc xét xử vắng mặt bị cáo Phấn là phù hợp Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), không ảnh hưởng quyền lợi bị cáo.

Việc luật sư cho rằng HĐXX có 3/5 thành phần đã tham gia phiên xử trước đó, các thành viên này lại tham gia HĐXX xét xử các bị cáo lần 2 là vi phạm tố tụng. Tòa khẳng định, HĐXX vụ án này là đúng quy định. Vì theo quy định của BLTTHS, HĐXX có quyền khởi tố vụ án. Trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành 3 quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định của pháp luật. Và không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó.

Đối với chứng cứ mới do luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp tại tòa. HĐXX cho rằng không chứng minh được chiếc USB này do Hứa Thị Phấn cung cấp, cũng như chưa được đối chất với Hứa Thị Phấn. Vì vậy không có căn cứ để chấp nhận đây là chứng cứ của vụ án.

Về sổ thu chi do Hứa Thị Bích Hạnh lập, HĐXX cho rằng trong cuốn sổ này không có ghi chép số trang nên không có căn cứ chấp nhận.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật