Tạp chí Tri thức trực tuyến đưa tin, cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận vụ án, chuyển hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) về tội Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định tại Khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự.
Liên quan vụ án, các ông Nguyễn Đức Tài (cựu Giám đốc Sở Giao dịch thuộc DAB) và Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) và 5 bị can khác cùng bị đề nghị truy tố về tội danh trên.
Cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ 4, với cáo buộc gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Kết luận điều tra ban hành hôm 6/1 nêu cuối năm 2012, Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Đông Á cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.680 tỷ đồng. Nhóm này gồm: Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng, Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng, Công ty Biển Bạc vay 380 tỷ đồng, Công ty Minh Quân vay 90 tỷ đồng và Công ty CP M&C vay hơn 146 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo chung cho những khoản vay trên là một phần giá trị quyền sử dụng khu đất diện tích hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Khi xảy ra vụ án, ông Trần Phương Bình với vai trò tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB. Nhóm cổ đông do ông Bình đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ DAB, còn nhóm cổ đông PNJ nắm giữ 7,7% vốn điều lệ DAB.
Trong vụ án, ông Trần Phương Bình bị xác định là bị can có vai trò chính, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động tín dụng, ngân quỹ, đầu tư... tại DAB. Khi DAB hội sở cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay tiền, ông Bình là người ký phê duyệt đồng ý cho vay.
Theo báo Dân Trí, tuy nhiên số tiền trên đã không được sử dụng theo mục đích vay mà được dùng để trả nợ cho 7 khoản vay của M&C, Công ty Liên Phát và một số việc khác. Điều này dẫn đến, hiện nay Công ty Ngôi Sao vẫn nợ DAB 400 tỷ đồng tiền gốc và hơn 800 tỷ đồng tiền lãi.
Theo kết luận điều tra, ông Bình còn ký duyệt đồng ý cho Công ty Liên Phát khoản vay khác 400 tỷ đồng. Số tiền này tiếp tục không được sử dụng đúng mục đích vay mà M&C dùng để trả nợ và chuyển cho nhiều đối tác.
Tính đến tháng 5/2022, Công ty Liên Phát vẫn còn dư nợ DAB 400 tỷ đồng tiền gốc và gần 800 tỷ đồng tiền lãi.
Tương tự 3 khoản vay khác từ 90 tỷ đồng đến 410 tỷ đồng, ông Bình cũng là người ký duyệt đồng ý cho vay.
Các khoản vay này cũng không được M&C sử dụng để đầu tư vào dự án theo mục đích vay mà được dùng để trả nợ hoặc cho các việc khác.
Tính đến tháng 5/2022, các công ty vẫn dư nợ cả gốc lẫn lãi của 3 khoản vay trên tại DAB là hơn 2.600 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Phương Bình khai, thời điểm 2008, Tổng Giám đốc Công ty CP M&C đã rất khó khăn về tài chính, không có tiền để trả gốc và lãi cho các khoản vay đến hạn.
Để đảm bảo DAB không bị tỉ lệ nợ quá hạn quá cao, ông Bình yêu cầu Tổng Giám đốc M&C phải tiếp tục vay để có tiền trả gốc và lãi cho các khoản vay đến hạn.
Ông Bình thừa nhận với vai trò là Tổng Giám đốc DAB, đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc thỏa thuận thống nhất với M&C về việc vay vốn với mục đích trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Đồng thời ông Bình chỉ đạo các cấp dưới lập, ký hợp thức hồ sơ cho vay, trực tiếp phê duyệt cấp tín dụng cho các công ty thuộc nhóm M&C…
Cựu Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình bị C03 cáo buộc có hành vi tổ chức, chỉ đạo cấp dưới không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo, lập tờ trình đề nghị hội sở phê duyệt cho Công ty CP M&C vay tiền.
Theo kết luận, cựu Tổng giám đốc M&C Phùng Ngọc Khánh đã thỏa thuận, thống nhất với Trần Phương Bình về việc nhờ người đứng tên để ký hồ sơ tại DAB vay gần 1.700 tỷ đồng.
Quá trình vay vốn, ông Khánh đã chỉ đạo lập phương án kinh doanh, các hợp đồng hợp tác để làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay.
Ông Khánh còn chỉ đạo việc lập hồ sơ hợp tác giữa M&C với Công ty Liên Phát để làm hồ sơ chứng minh tài sản đảm bảo các khoản vay.
Theo cơ quan điều tra, sau khi các khoản vay tại DAB được giải ngân, ông Khánh tiếp tục chỉ đạo việc sử dụng số tiền này để trả nợ cho các khoản vay cũ của nhóm công ty M&C.
Đến nay 5 công ty đứng tên vay tiền đều đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.500 tỷ đồng cả tiền gốc và lãi.
Tài sản được thế chấp cho các khoản vay này được định giá tại thời điểm khởi tố vụ án chỉ gần 185 tỷ đồng.
Theo Tạp chí Tri thức trực tuyến, hành vi của ông Bình bị xác định đã vi phạm quy định Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế bảo lãnh Ngân hàng và Điều lệ của DAB, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền trên 5.500 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng bị can Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền thiệt hại này.
Các bị can Nguyễn Đức Tài, Phùng Ngọc Khánh và 5 người khác bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho ông Trần Phương Bình. Hành vi sai phạm của 8 bị can bị đánh giá ở mức nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25,451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ngoài vụ án trên, ông Trần Phương Bình liên quan 3 vụ án khác. Năm 2020, ông Bình lĩnh bản án chung thân thứ 2 trong vụ DAB thất thoát hơn 8.800 tỷ đồng.
Mộc Miên (T/h)