Trong nhiều năm, ông Nursultan Nazarbayev là nhà lãnh đạo nhận được sự kính trọng đặc biệt của người dân Kazakhstan, The Guardian thậm chí còn viết người dân nước này "tôn thờ" ông. Với 3 thập kỷ chèo lái đất nước, ông Nazarbayev thường xuyên được ca ngợi tại các sự kiện công cộng. Hình ảnh của ông thậm chí còn xuất hiện trên các tấm biển quảng cáo ở khắp đất nước.
Ông Nursultan Nazarbayev từng là nhà lãnh đạo được kính trọng ở Kazakhstan. Ảnh: AFP
Vào năm 2019, trước khi từ chức, ông Nursultan Nazarbayev đã chọn được người kế nhiệm mình là ông Kassym-Jomart Tokayev, một đồng minh thân cận của ông. Theo đó, ngay cả khi đã rời vị trí tổng thống, ông Nazarbayev vẫn đảm nhận vị trí người đứng đầu hội đồng an ninh và tiếp tục nắm quyền phía sau. Đặc biệt, ông vẫn giữ danh hiệu chính thức của mình là Elbasy, có nghĩa là nhà lãnh đạo của quốc gia. Thủ đô Astana thậm chí còn được đổi tên thành Nursultan để vinh danh ông.
Thế nhưng một nhà lãnh đạo được kính trọng như ông Nursultan lại đang trở thành "cột thu lôi" của sự phẫn nộ. Trong những ngày qua, những bức tượng của ông đã trở thành mục tiêu đập phá của những người biểu tình. Không những thế, thay vì gọi ông là Elbasy, họ lại hô vang những câu như: "Shal ket" (nghĩa là: Ông già, hãy đi đi).
Sự bất bình trước cảnh đói nghèo, bất bình đẳng và tham nhũng gia tăng là nguyên nhân những cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều nơi. Thực tế, sự bất ổn và phẫn nộ đã luôn âm ỉ tại quốc gia Trung Á này trong những năm gần đây. Và sự tức giận ấy chủ yếu nhằm vào ông Nazarbayev - người từng được ví là "không thể chạm tới".
Tác phẩm tạc hình Tổng thống Nazarbayev ở thành phổ Almaty bị những người biểu tình ném bùn. Ảnh: Reuters
Ông Nursultan Nazarbayev sinh năm 1940 và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Kazakhstan sau khi nước này độc lập. Ông đã cố gắng gìn giữ sự ổn định cho đất nước trong suốt những năm 1990 và tránh được các cuộc bạo lực cực đoan ở Uzbekistan và Turkmenistan, cũng như tinh thần phản cách mạng của Kyrgyzstan.
Ông đã vạch ra một lộ trình địa chính trị tinh tế sau khi Kazakhstan độc lập: Vẫn thân thiện với Nga, đồng thời xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo phương Tây và các công ty năng lượng.
Cựu tổng thống sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân được thừa hưởng từ Liên Xô để lấy lòng phương Tây. Ngoài ra, ông còn củng cố mối quan hệ bằng những hợp đồng kinh tế cho phép các công ty dầu mỏ của Mỹ khai thác nguồn dự trữ dầu.
Dưới sự lãnh đạo của ông Nazarbayev, người dân từng biết ơn ông về sự tăng trưởng kinh tế và việc ông giúp Kazakhstan tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ nước láng giềng. Năm 2010, ông nhận danh hiệu "Nhà lãnh đạo của quốc gia", được quốc hội trao ông quyền miễn trừ truy tố và quyền hoạch định chính sách ngay cả khi đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, sự bất đồng chính kiến tại Kazakhstan ngày càng gia tăng. Năm 2001, cựu Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Mukhtar Ablyazov đã thành lập một đảng mới để đối đầu với hệ thống chính trị tập trung duy nhất vào ông Nazarbayev. Thế nhưng chỉ 1 năm sau, ông Ablyazov đã bị kết tội lạm dụng quyền lực khi còn là bộ trưởng và nhận án 6 năm tù. Tới năm 2003, dưới áp lực từ dự luận thế giới, tổng thống đã buộc phải thả tự do cho ông Ablyazov.
Cuộc biểu tình bạo loạn đã gây bất ổn ở Kazakhstan trong những ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: Reuters
Tiếp đó, khi giả dầu giảm vào năm 2008, người dân đã bày tỏ sự bất bình khi túi tiền của ông Nazarbayev và gia đình ngày càng "rủng rỉnh". Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra trong thời điểm ấy nhưng cuối cùng đều bị đàn áp.
Một vấn đề nữa khiến sự bất đồng gia tăng là việc luật sư, kế toán và cố vấn phương Tây giúp tầng lớp thượng lưu mới nổi ở Kazakhstan đầu tư vào các dinh thự ở London (Anh) và biệt thự Thụy Sĩ. Trong đó, con gái và cháu trai của ông được cho là sở hữu khối tài sản trị giá 80 triệu bảng Anh ở London. Ông Nazarbayev khi ấy lại mời một lượng lớn các kiến trúc sư phương Tây và các nhà quy hoạch đô thị để xây dựng thành phố thủ đô mới của mình.
Đáng nói, ngay cả khi đã trao quyền cho Tổng thống Tokayev vào năm 2019, ông Nazarbayev vẫn tiếp tục kiểm soát nền chính trị đất nước từ phía sau. Ông đã đảm nhận một loạt chức danh có địa vị đặc quyền cao hơn so với phần còn lại của tầng lớp chính trị. Bởi vậy, dưới thời ông Tokayev, các chính sách của chính phủ vẫn giữ nguyên, còn mức sống của người dân Kazakhstan lại giảm xuống, khiến bất bình ngày càng gia tăng.
Cũng vì vậy, hình ảnh của ông Nazarbayev từ một vị lãnh đạo được tôn thờ trở thành "cột thu lôi" của sự bất bình. Trước các cuộc biểu tình gây bất ổn trong tuần qua, ông Tokayev đã tuyên bố sẽ thay thế ông Nazarbayev làm Chủ tịch hội đồng an ninh. Tuy nhiên, có vài tin đồn cho rằng ông Nazarbayev có thể sẽ rời đất nước để "điều trị y tế".
Minh Hạnh (Theo The Guardian)