Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc trở về trong nước mắt của người phụ nữ sau 23 năm bị bán sang Trung Quốc

(DS&PL) -

Sau gần 23 năm lưu lạc nới đất khách quê người vì bị bán sang Trung Quốc, chị Trương Thị Thìn (SN 1967, quê Nghệ An) mới có thể trở về với gia đình.

Sau gần 23 năm lưu lạc nới đất khách quê người vì bị bán sang Trung Quốc, chị Trương Thị Thìn (SN 1967, quê Nghệ An) mới có thể trở về với gia đình.

[presscloud]8265[/presscloud]

Ngày trở về đầy nước mắt

Những ngày qua, ngôi nhà nhỏ ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An tấp nấp người đến hỏi thăm, cùng chia vui với gia đình khi hay tin chị Trương Thị Thìn (SN 1967) vừa trở về quê nhà sau gần 23 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.

Khuôn mặt của người phụ nữ sạm đi vì sương gió, đôi mắt trũng sâu, bàn tay chai sần… chứng tỏ chị đã phải sống những năm tháng cực nhọc nơi xứ người. Vì vậy, khi gặp lại người thân sau hàng chục năm trời xa cách, người phụ nữ 52 tuổi này òa khóc nức nở rồi ôm chầm lấy từng người. “Tôi không dám nghĩ là còn có thể trở về được nữa…”, chị Thìn nói trong nghẹn ngào.

Chị Thìn khóc nức nở khi gặp người thân sau bao nhiêu năm xa cách

Sinh ra trong gia đình làm nông, chị là người con thứ 4 trong gia đình có 8 anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị Thìn chỉ học hết lớp 4 là phải nghỉ để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Lớn lên trong sự nghèo khó, cả đời chị quanh quẩn quanh xóm với những công việc đồng ruộng.

Thế nhưng, duyên số đưa đẩy đã khiến chị gặp một chàng trai quê huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đến làm thuê. Khi biết hoàn cảnh gia đình anh này cũng vô cùng khốn khổ, chị động lòng thương rồi nảy sinh tình cảm khi nào chẳng hay. Năm 1990, hai người tổ chức một đám cưới nhỏ rồi về sống chung.

Trong những năm đầu, cuộc sống của chị vô cùng viên mãn và kết quả là người con trai ra đời. Ai cũng mừng cho chị, nghĩ rằng từ nay chị sẽ có một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên sóng gió bắt đầu nổi lên khi chị mang thai người con gái thứ 2.

“Lúc đó tôi có bầu được 3 tháng rồi thì anh ấy bỏ đi, đến giờ tôi cũng không hiểu vì lý do gì nữa. Chắc anh ấy không chịu được nghèo khổ… Tôi đã tìm rất nhiều nơi mà không được, nên sau đó đành ôm các con về nhà bố mẹ đẻ nhờ chăm sóc”, chị cười khổ.

Người phụ nữ dạn dày sương gió vì lao động khổ cực ở xứ người

Cả nhà 5 người chen chúc trong một ngôi nhà gỗ 3 gian nhỏ bé, rau cháo nuôi nhau. Điều may mắn là bố mẹ chị không hề một lời trách móc, mà giang rộng cánh tay đón con và các cháu. Cũng chính vì vậy, sau khi sinh con xong thì chị cố gắng làm việc để nuôi cả gia đình.

Vì làm việc quá sức nên chị bị đau thần kinh ở chân, đi lại khó khăn mặc dù đã đi khám chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Đến năm 1997, chị nghe một người đàn ông ở xã nói có bài thuốc chữa bệnh tốt lắm, nên quyết định đi bốc thử một thang về uống.

“Tôi không ngờ bị kẻ xấu lừa, khi vừa lên ô tô thì chúng cho tôi uống thuốc mê. Tôi tỉnh dậy thì mới biết mình đã bị đưa ra tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, tôi tiếp tục đưa sang biên giới Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và bị nhốt trong một phòng kín, có rất nhiều người canh gác. Tại đây, cũng có 6 người con gái như tôi. Mấy ngày sau thì chúng tôi bị dẫn đi ra đảo Hải Nam, Trung Quốc”, chị Thìn nhớ lại.

Khi đến nơi, chị và những người phụ nữ trên bị một số người đàn ông Trung Quốc đến xem mắt. Cuối cùng, một nam thanh niên đã mua chị với giá 9.000 nhân dân tệ. Sau đó, người này dẫn chị về làm vợ tại một vùng quê vô cùng hẻo lánh, bắt đầu hành trình gần 23 năm ở xứ người.

Bàn tay thô ráp của chị Thìn

Đắng cay gần 23 năm đất khách quê người

Theo chị Trương Thị Thìn, gia đình chồng vô cùng nghèo, cũng chỉ làm ruộng. Thời gian đầu, người chồng không cho đi đâu vì sợ chị trốn. Nỗi nhớ bố mẹ, nhớ con khiến chị vô cùng buồn bã. Thậm chí, chị đã tìm đến cái chết nhưng được chồng phát hiện và can ngăn.

“Người chồng Trung Quốc đối xử với tôi không quá tệ. Anh ấy không đánh đập tôi, nhưng sợ tôi bỏ trốn nên không cho dùng điện thoại, không cho tiền, cũng không cho đi chợ. Mỗi ngày tôi ra đồng làm ruộng, làm cỏ mía, rồi trở về nhà. Sau này, khi tôi sinh được 2 người con thì gia đình chồng mới buông lỏng, không kiểm soát chặt nữa”, chị Thìn kể.

Rất đông người dân tới chia sẻ niềm vui với gia đình

Cứ ngỡ cuộc sống trôi qua như vậy tại nơi đất khách quê người, cho đến cách đây 1 năm, trong lúc đi làm thì chị gặp một nhóm người Việt Nam sang làm ăn. Khi nghe được tiếng quê hương, chị mừng rỡ chạy đến bắt chuyện.

Biết được hoàn cảnh của chị, những người này hứa sẽ giúp đỡ. Vì vậy chị lập tức viết lấy một mẩu giấy nhỏ ghi lại thông tin gia đình, cùng số điện thoại liên lạc của bản thân và nhờ họ đưa về quê.

“May mắn là mẩu giấy này chuyển về đến nhà, sau đó anh trai tôi gọi sang. Lúc đầu 2 anh em chỉ khóc, mãi sau đó mới bàn nhau tìm cách để tôi về quê nhà. Người thân có thể đón tôi ở đầu biên giới đất Lạng Sơn, tuy nhiên không có giấy tờ thì tôi không thể đi đâu ở đất Trung Quốc được cả”, chị Thìn nói.

Vi vậy, không còn cách nào khác chị đành phải khai thật với chồng và xin được trở về thăm quê hương. Phải thuyết phục rất lâu người chồng này mới đồng ý và bắt chị phải hứa sau 2 tháng nhất định quay trở lại. Để kiếm tiền lộ phí cho chị, người chồng đã bán 3 con bò của gia đình rồi đưa cho để chị trở về.

Ngày 27/2, chị trở về nhà sau gần 23 năm lưu lạc. Không một ai tin người phụ nữ mất tích bí hiểm năm nào trở về một cách thần kỳ như vậy, nên rất đông người đã đến chúc mừng gia đình.

Khi trở về, điều chị tiếc nuối nhất là bố mẹ không còn sống.

“Điều đau lòng là khi tôi trở về thì bố mẹ đã qua đời. Người con gái đã lấy chồng, chỉ còn người con trai vẫn ở ngôi nhà cũ. Vì vậy hiện nay tôi tạm thời ở cùng con, rồi lên chính quyền xã xin làm lại các giấy tờ thủ tục tùy thân”, chị Thìn nói.

Chị Thìn cũng có nguyện vọng muốn tìm ra những kẻ đã hãm hại, bán chị sang Trung Quốc để đưa ra pháp luật. “Tôi muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người phụ nữ, hãy cận thận đừng nên dễ dàng tin tưởng những người lạ để rồi gặp nhiều mất mát như tôi”, chị nói.

Liên quan đến vụ việc, ông Trương Văn Tám, Trưởng công an xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn xác nhận việc một người phụ nữ vừa trở về sau 23 năm mất tích.

“Sau khi trở về, chị Trương Thị Thìn đã lên chính quyền địa phương trình diện và đề xuất được hồi phục CMTND, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân. Đây là nguyện vọng chính đáng nên xã đang hoàn thành các văn bản gửi cấp trên, đồng thời cử cán bộ xuống tận gia đình để tư vấn các thủ tục cần thiết”, ông Tám nói.

Kiều Oanh

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật