Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc sống giản dị của vị Đại tướng “bách chiến bách thắng”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Là một vị tướng tài ba trong lịch sử dân tộc nhưng trong đời thường, Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng là một người sống giản dị, tất cả vì dân vì nước.

(ĐSPL) - Đến nay, người dân xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Nội vẫn thường truyền tai nhau những câu chuyện về vị tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam mang tên Lê Trọng Tấn. Là một vị tướng tài ba trong lịch sử dân tộc nhưng trong đời thường, Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng là một người sống giản dị, tất cả vì dân vì nước. Những câu chuyện về đời thường, về những món quà của Đại tướng trao tặng cho quê hương đến nay vẫn còn in sâu trong tâm trí của người dân.

Cuộc sống giản dị của vị

Đại tướng tài ba Đại tướng Lê Trọng Tấn sinh ngày 1/10/1914 trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP.Hà Nội). Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia mặt trận Việt Minh năm 1944. Đại tướng tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách Quân sự khi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Cách mạng thành công, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tướng Lê Trọng Tấn, chân dung một con người giản dị.

Khi nhắc đến Đại tướng Lê Trọng Tấn, ông Lê Văn Khuê (sinh năm 1943, tổ 5, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, cháu họ của Đại tướng Lê Trọng Tấn) chia sẻ, đến năm 1954, ông mới biết về cụ Tấn. Bởi những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông còn quá nhỏ nên chưa hiểu chuyện. Ở thôn quê này, người dân gọi tên cụ Tấn bằng cả sự nể phục và kính trọng.

Ông Khuê kể, kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, cụ Tấn mời toàn thể nhân dân ra đình làng Yên để nói chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì khi đó còn nhỏ, ông Khuê không nhận thức được nhiều. Chỉ nhớ những câu chuyện mà cụ Lê Trọng Tấn kể xoay quanh trận chiến ở Điện Biên Phủ, chiến thuật, cách đánh của ta ra sao, đánh vào sườn, vào bụng địch thế nào... Những câu chuyện mà cụ Lê Trọng Tấn kể cho những người con ở quê hương nghe rất hào hùng, toát lên tinh thần chiến đấu vẻ vang của các chiến sĩ.

“Tính cách của cụ thẳng thắn nên trong họ ai cũng quý trọng. Ngày Tết, cụ thường về vào ngày mùng 2 để chúc Tết con cháu trong nhà, trong dòng họ. Tết nào về, cụ cũng sang uống rượu cùng bố tôi”, ông Khuê nói.

Nói chuyện về Đại tướng Lê Trọng Tấn, ông Khuê luôn tỏ rõ một sự trân trọng đặc biệt. Ông Khuê kể, ngày ấy từ đường Quốc lộ 6 vào đến nhà cụ Tấn là một con đường đất nhỏ (hay còn gọi là bờ ruộng). Về đến đầu làng, cụ ít khi đi thẳng đường làng về mà cụ Tấn hay lội ruộng đi qua ao cá ở cạnh nhà mình.

Ông Khuê tâm sự: “Vì giữ nhiều chức vụ quan trọng nên đi đâu hay làm gì, cụ Tấn thường có lái xe đi cùng. Nhưng không vì thế mà cụ tỏ ra kiêu ngạo. Ngược lại, cụ còn không muốn nhiều người biết đến công việc cũng như địa vị mà cụ đang đảm nhiệm. Khi 18 tuổi, tôi vào quân ngũ đóng quân ở khu cột cờ Hà Nội cũng hay vào nhà cụ Tấn chơi. Nhà cụ ở đường Hoàng Diệu. Những lần ấy, cụ thường dạy tôi về tư cách của người quân nhân, làm việc cho tốt để hoàn thành trách nhiệm của mình”.

Trong trí nhớ của ông Khuê khi bước vào ngôi nhà của Đại tướng Lê Trọng Tấn khác xa với những gì mà ông... tưởng tượng. Ngày ấy, ông cứ ngỡ, nhà của Đại tướng phải hoành tráng và lớn lắm. Thế nhưng, cuộc sống của vị Đại tướng này lại vô cùng giản dị, đồ đạc cũng rất đơn sơ. Dù là Đại tướng nhưng cuộc sống gia đình cụ Tấn khó khăn.

Khi ấy mẹ ruột của Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng nuôi lợn, nuôi gà để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Khi nói chuyện về những đức tính của Đại tướng Lê Trọng Tấn, ông Khuê cho biết, ở vị Đại tướng ấy luôn toát lên một vẻ khoan thai, chín chắn, cẩn thận, cân nhắc từ cử chỉ, giọng nói, dễ nghe dễ hiểu không còn lời nào để nói. Cụ Tấn rất tiết kiệm trong việc chi tiêu.

Mẹ mất cũng không thể về làm tròn chữ hiếu

Ông Khuê nói, là người gánh vác trọng trách lớn của đất nước, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần bất cứ lúc nào. Chính vì thế, khi mẹ thân sinh ra Đại tướng qua đời, Đại tướng không thể về kịp. Khi đó, Đại tướng đang chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Đại tướng cũng có gửi điện về nói với bố ông Khuê là lo tang lễ cho chu đáo. Cụ còn đang ở chiến trường cùng các đồng chí đồng đội nên không về được.

Bức ảnh Đại tướng Lê Trọng Tấn cùng những đồng chí đồng đội trong thời kháng chiến.

Ông Khuê hồi tưởng: “Ngày đó, nhà cụ Tấn cũng nghèo lắm. Nhà lợp bằng lá cọ, sau đó Sư đoàn 312 về định làm nhà mới cho cụ nhưng cụ bảo chỉ sửa thôi cái gì còn dùng được thì dùng tiếp, cái nào hỏng thì mới thay cái mới. Năm 1979, ngôi nhà được sửa lại lợp ngói. Cho đến năm 1985, con trai của cụ Tấn đã về làm lại ngôi nhà cũ ấy thành nhà thờ. Ngôi nhà cũ ngày ấy cũng được chụp ảnh lưu giữ cho đến bây giờ”.

Mặc dù không thể về làm trọn chữ hiếu với người mẹ đã khuất, thế nhưng không ai trách được Đại tướng một lời nào bởi họ hiểu người đàn ông ấy đã dành trọn cả cuộc đời mình cho quê hương, đất nước.

Ngày đó, khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đại tướng trở về thăm làng. Thấy bà con đói khổ, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã vận động những người có điều kiện kinh tế và tự bỏ tiền của mình ra để mua gạo cho nhân dân trong xã. Hành động của Đại tướng đã khiến bất cứ ai cũng đều cảm phục.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, cụ Lê Văn Chuẩn (sinh năm 1929, tổ 5, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) từng là chủ nhiệm hợp tác xã Đại Phong (Hà Đông) cho biết, khi về làng thấy vậy, cụ Tấn đã ủng hộ cho bà con một bộ cày, bừa. Cụ Tấn đưa tiền cho anh em trong hợp tác xã đi mua. Nhận bộ cày bừa của cụ Tấn mà người làm ở hợp tác xã xúc động, trân trọng vô cùng.

Cũng trong khoảng thời gian năm 1986, khi địa phương xây trường học cấp 2 ở đầu thôn Thọ Vức, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã đứng ra ủng hộ 1 tháng lương. Thế nhưng chưa kịp ủng hộ thì cụ đã mất. Trước khi mất, cụ có dặn gia đình mang tiền ra ủng hộ xây trường. An táng xong, gia đình cụ Tấn đã mang tiền ra ủng hộ trường học đúng như di nguyện của Đại tướng.

Cụ Lê Công Huy (SN 1931, tổ 5, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, nhà ngay sát nhà cụ Tấn) kể cho PV nghe: Khoảng năm 1941, lúc ấy ông mới lên 10 tuổi. Khi sang nhà, ông Huy thấy cụ Tấn mang mấy hòm sách về nhà phơi. Mặc dù đời sống người dân lúc ấy còn đang đói lắm, nhà cụ Tấn cũng nghèo nhưng Đại tướng có rất nhiều sách. Sau này, ông Huy mới biết, những cuốn sách đó nói về chính trị, quân sự của những người nổi tiếng trên thế giới. “Đại tướng Lê Trọng Tấn rất giỏi tiếng Pháp. Trong những cuốn sách ấy cũng có rất nhiều cuốn sách của các tướng lĩnh giỏi của Pháp viết về chiến tranh. Cụ sưu tầm chủ yếu là để nghiên cứu chiến lược, cách đánh trong trận chiến, nên tại sao sau này những trận nào Đại tướng cầm quân đều đánh đâu thắng đấy”, ông Huy chia sẻ thêm.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Bá Tiến – Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết: “Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng tài ba trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. Công lao to lớn ấy đã được ghi vào sử sách của đất nước. Ông là một người con của quê hương xã Yên Nghĩa. Chúng tôi tự hào vì quê hương có một vị tướng tài giỏi như vậy. Ông Khuê là cháu họ của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ông Khuê vẫn thường kể cho con cháu sau này những mẩu chuyện ông được mắt thấy tai nghe về cụ Tấn. Hiện nay, những kỷ vật của Đại tướng được lưu giữ tại nhà thờ của gia đình ở tổ dân phố số 5”.

Người giữ nhiều chức vụ quan trọng

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Lê Trọng Tấn lần lượt giữ chức vụ: Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng trung đoàn Sơn La (trung đoàn 148), quyền Khu trưởng khu 14, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy trung đoàn 209, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 khi mới 36 tuổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhận xét: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta".

ĐÀO SƠN – THANH LAM 

[mecloud]YaXAFPlXHv[/mecloud]

Tin nổi bật