Các hoạt động sản xuất rượu và khai thác muối ở thành phố Bakhmut, phía Đông tỉnh Donetsk, vẫn đang được các lực lượng Ukraine bảo vệ. Tuy nhiên, những người dân tại đây đã phải sống dưới làn đạn pháo của các cuộc giao tranh suốt từ hồi tháng 5 vừa qua.
Từng là nơi ở của 70.000 cư dân, Bakhmut từ một thành phố yên bình với những con đường rợp bóng cây xanh giờ còn lại những đống đổ nát với những bức tường lỗ chỗ vết đạn. Đặc biệt, những cư dân sống tại khu vực bờ Đông sông Bakhmutka đang ngày càng bị cô lập hơn.
Cây cầu nối làm từ những tấm ván tạm bợ của người dân ở bờ Đông sông Bakhmutka, thành phố Bakhmut. Ảnh: AFP
Các lực lượng Ukraine đã phá hủy những cây cầu nối bờ Đông sông Bakhmutka với trung tâm thành phố ở phía Tây để chặn các bước tiến của quân Nga. Tuy nhiên, điều này lại khiến các cư dân ở bờ Đông phải sử dụng tới những tấm ván rời rạc làm thành những cây cầu tạm bợ để tới điểm nhận lương hưu, nhận nước và các thực phẩm cơ bản khác.
Hành trình vượt sông vốn không dễ dàng nhưng nó càng khó khăn hơn với vợ chồng bà Oleksandra Pylypenko. Bà cho biết chồng bà là ông Mykola bị ung thư phổi, điều này khiến ông gần như không thể chui xuống hầm trú ấn trong nhà chứ đừng nói tới việc vượt sông trên cây cầu tạm bợ.
Vợ chồng bà Oleksandra ở lại Bakhmut trong khi các con cái của họ đã rời đi. Ảnh: AFP
Xung quanh căn nhà gỗ dưới bóng Nhà thờ St Mykola của họ có rất nhiều nho và quả óc chó. Tuy nhiên, họ lại thiếu những thứ cơ bản như khoai tây, hành tây hay các dịch vụ điện, nước sinh hoạt ngay cả khi mùa đông đang đến gần và các cuộc giao tranh giữa Nga - Ukraine ngày càng gia tăng về phía thành phố.
Chia sẻ với AFP về tình hình hiện tại, bà Oleksandra nói: "Củi ư? Làm sao tôi lấy được nó đây? Không có cách nào mang củi về đây. Tôi cũng không có tiền để trả cho dịch vụ vận chuyển".
Bà tiếp tục: "Không khí đốt, không điện, nước trong suốt 3 tháng qua. Chỉ có nước mưa. Tôi đã tích trữ nước mưa để nấu nướng. Tôi còn có thể làm cách nào khác để lấy nước bây giờ?"
Những con đường đất do các đoàn xe quân sự đi qua đã trở thành bùn và những bờ dốc của Bakhmutka dẫn xuống cầu phao đang trơn trượt và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Thành phố Bakhmut đã trở thành một trong những "chảo lửa" của cuộc xung đột tại Ukraine. Ảnh: AFP
Hai vợ chồng già bị kẹt lại đây trong khi con và cháu của họ rời đi. Ông Mykola cũng khó có thể vượt qua mùa đông lạnh giá sắp tới.
Bà Oleksandra nói thêm: "Họ nói tôi phải chuẩn bị tinh thần. Họ còn có thể nói được gì khác đây? Tôi đã phải ra ngoài và khóc để ông ấy không nhìn thấy. Bạn thấy đấy. Mọi thứ đang dần tối tăm hơn. Chúng tôi có thể làm được gì? Không gì cả. Chúng tôi không thể làm gì. Những vụ nổ ngoài kia nữa, chúng tôi không thể chịu đựng được. Bao giờ thì mọi thứ mới kết thúc?"
Ông Mykola cho biết mỗi khi có pháo kích trước đây, 2 vợ chồng ông sẽ trốn xuống tầng hầm. Tuy nhiên theo lời bà Oleksandra, chồng bà hiện giờ thậm chí còn không đi nổi tới đó.
Ngôi nhà khiêm tốn của 2 ông bà vẫn ấm áp nhưng ẩm thấp và bị dột do ảnh hưởng từ các vụ tấn công. Ngôi nhà treo nhiều biểu tượng tôn giáo và nằm nép mình bên cạnh một nhà thờ. Tuy nhiên, nó cũng không tránh được những cuộc giao tranh ngày càng căng thẳng ở Bakhmut.
Đài phun nước trước cửa Nhà thờ St Mykola được bọc bằng polythene để bảo vệ khỏi các vụ nổ và các cửa sổ được dựng lên nhưng tháp chuông đã bị thủng bởi một lớp vỏ và các bức tường "chằng chịt xẹo" do bom chùm.
Cư dân tại Bakhmut cũng giữ thái độ thận trọng khi nói về các cuộc giao tranh, họ không muốn tiết lộ tên tuổi của mình do lo sợ bị các đặc vụ giấu tên thẩm vấn hoặc bắt giữ.
Việc di chuyển qua sông Bakhmuta đang trở nên khó khăn hơn khi mùa đông đến. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, với việc một lực lượng Nga đang kiểm soát các ngôi làng gần khu vực phía Nam tiếp giáp Bakhmut, các cuộc giao tranh ngày càng khốc liệt và pháo kích diễn ra suốt ngày.
Ông Gennady, 66 tuổi, chia sẻ: "Tôi thậm chí không phân biệt được bên nào đang tiến hành các cuộc pháo kích. Từ đây, từ kia và cả chỗ kia nữa, các loại vũ khí tự động, súng máy hạng nặng được triển khai. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được họ sẽ bắn cái gì tiếp theo".
Ông nói thêm: "Điều gì đến sẽ đến. Tôi vẫn lên giường và ngủ. Tôi không trốn xuống tầng hầm".
Minh Hạnh (Theo AFP)