Hoàn Châu Cách Cách là bộ phim truyền hình huyền thoại gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Nam chính trong phim là hoàng tử Ngũ A Ca điển trai và si tình do Tô Hữu Bằng thủ vai, từng trở thành "nam thần" trong lòng của biết bao cô gái.
Trong phim, Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ cùng nàng Tiểu Yến Tử đã viết nên một chuyện tình lãng mạn, có thăng trầm nhưng cái kết vô cùng viên mãn. Tuy nhiên, ở ngoài đời thật, vị a ca này đã không có số phận hạnh phúc như vậy.
Phiên bản Ngũ A Ca khó thay thế của Tô Hữu Bằng.
Mất sớm do bệnh nặng
Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ (1741 – 1766), tự Quân Đình, hiệu Đằng Cầm cư sĩ, là người con trai thứ 5 của Hoàng đế Càn Long do Du Quý phi thân sinh.
Theo "Thanh sử cảo liệt truyện" ghi lại, Ngũ A Ca lúc sinh thời được miêu tả là người tài giỏi và được Càn Long yêu mến nhất trong số các Hoàng tử lúc bấy giờ. Tương truyền rằng, Vĩnh Kỳ ngay từ khi còn nhỏ đã học hành vô cùng cần mẫn, luôn tới thư phòng sớm nhất so với các huynh đệ của mình.
Các tài liệu chính sử cũng khẳng định, Ngũ A Ca nổi danh là người đa tài đa nghệ, từng thông thạo ba ngôn ngữ là tiếng Hán, tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ.
Đặc biệt, ông còn rất có thiên phú về phương diện nghiên cứu thiên văn, địa lý, lại giỏi lịch pháp, toán học, có tài thi ca, thư pháp, cưỡi ngựa bắn tên cũng vô cùng thành thục. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông được truyền lại cho hậu thế có tên là "Tiêu thông đằng cảo".
Đối với người con trai văn võ toàn tài như Vĩnh Kỳ, Càn Long dĩ nhiên yêu mến vô cùng. Đó là chưa kể tới việc vị Hoàng tử này còn từng có công cứu giá.
Vào năm Càn Long thứ 28 (năm 1763), điện Thanh Yến đột nhiên xảy ra hỏa hoạn. Bấy giờ, những hoàng tử khác đều chần chừ không dám vào trong cứu phụ hoàng, duy chỉ có Vĩnh Kỳ là không màng nguy hiểm, lao thẳng vào biển lửa hộ giá cho vua cha.
Hành động hiếu thảo này của ông được Càn Long đế vô cùng trân trọng. Sau sự kiện ấy, nhà vua lại càng ký thác nhiều kỳ vọng đối với vị Hoàng tử toàn tài này. Thậm chí có giai thoại còn truyền lại rằng, người đương thời lúc bấy giờ đều tin rằng Vĩnh Kỳ sẽ là người tiếp theo được kế thừa ngai vàng.
Bức chân dung được cho là của Hoàng tử Vĩnh Kỳ. (Ảnh trái)
Năm 1765, Vĩnh Kỳ là hoàng tử đầu tiên trong tất cả anh em được phong hàm Vương với tước hiệu Hoà Thạc Vinh Thân Vương. Vì hầu hết con vua chỉ được phong Vương khi đã qua đời nên việc Ngũ A Ca được Càn Long phong tước khi còn sống đủ để thấy rằng Vĩnh Kỳ được Hoàng đế đặt nhiều kỳ vọng thế nào.
Không chỉ vậy, vào thời nhà Thanh, chữ "Vinh" trong tước hiệu vốn được dành riêng cho con trai trưởng, vô cùng tôn quý. Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ tuy không phải do hoàng hậu thân sinh nhưng lại vẫn nhận được tước hiệu này, càng thể hiện ý định "ngầm" của Càn Long. Sau khi được phong vương, Vĩnh Kỳ cũng ngày càng tham gia nhiều vào chính sự, giúp vua cha đưa ra nhiều chính sách, ý kiến trị quốc sáng suốt.
Tuy nhiên, chưa đầy 4 tháng sau khi được phong tước Thân vương, Vĩnh Kỳ qua đời ở tuổi 25 do mặc bệnh nặng. Sau này Càn Long thể hiện sự thương tiếc từng viết trong một văn bản: "Khi ấy trẫm coi Hoàng ngũ tử là xuất chúng nhất trong các a ca, Hán văn, tiếng Mãn Châu và Mông Cổ đều thành thạo, cưỡi ngựa bắn cung cũng đều xuất sắc. Ý của trẫm là yêu thương nhất, cũng tính việc chọn mà chưa kịp nói, sau bệnh liên miên mà chết".
Trong phim Hoàn Châu cách cách, phần cuối phim cho thấy, những ngày cuối đời, vua Càn Long thường ghé thăm vợ chồng Vĩnh Kỳ - Tiểu Yến Tử. Nhưng sự thật, Vĩnh Kỳ không sống được đến ngày đó. Ngũ a ca qua đời trước phụ hoàng 33 năm.
Lăng của Ngũ A Ca nằm ở phía Tây huyện Mật Vân, ngoại ô thành phố Bắc Kinh, người dân thường gọi là Thái tử lăng. Đây cũng là nơi an táng 2 anh của Vĩnh Kỳ (Hoàng trưởng tử Vĩnh Hoàng và Hoàng tam tử Vĩnh Chương, đều mất ở tuổi thanh niên). Hiện kiến trúc khu lăng mộ này bị phá hủy phần lớn, đập thủy điện bao phủ hơn phân nửa diện tích.
Lăng mộ của hoàng tử Vĩnh Kỳ ngày nay
Hôn nhân của Ngũ A Ca
Trong phim "Hoàn Châu cách cách", Ngũ A Ca cho đến lúc thành niên gặp Tiểu Yến Tử vẫn sống đời "độc thân vui vẻ". Nhưng sự thật là cũng như các vị hoàng tử thời đó, Vĩnh Kỳ thành gia thất khá sớm.
Tháng 4 năm Càn Long thứ 22, Càn Long gả cháu gái của đại thần quân cơ Ngạc Nhĩ Thái thuộc họ Tây Lâm Giác La thị cho Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ làm Đích Phúc tấn.
Tây Lâm Giác La thị là con gái danh môn xuất thân từ Tương Lam Kỳ (một kỳ trong chế độ Bát Kỳ của Thanh triều). Đến tháng 10, Vĩnh Kỳ và Tây Lâm Giác La thị cử hành hôn lễ, nhưng Ngũ A Ca dường như không có tình cảm với vị Phúc tấn này. Ông yêu thương nhất chính là hai vị tiểu thiếp sau, trong đó có một người thuộc Tác Xước La thị, cũng là người ông sủng ái nhất.
Tác Xước La thị là con gái của Tả đô Ngự sử Quan Bảo, từng đỗ Tiến sĩ dưới thời Càn Long đế và làm quan tới chức Lễ bộ Thượng thư.
Hoàng tử Vĩnh Kỳ sinh nhiều con nhưng đa số đều mệnh yểu.
Trong 8 người con của Ngũ A Ca, có đến 6 người mất khi còn trứng nước. Một người con gái lớn lên, xuất giá lấy chồng, nhưng cũng qua đời ở tuổi 18. Chỉ có người con trai thứ 5 là Miên Ức sống được đến năm 51 tuổi, tập tước Đa La Vinh Quận vương.
Hồi nhỏ, Miên Ức văn võ song toàn giống Ngũ A Ca. Sau khi Vĩnh Kỳ qua đời, Càn Long đế thậm chí còn đích thân chăm sóc cháu trai, cho cháu học tập trong Thượng thư phòng của Tử Cấm Thành. Càn Long cho Miên Ức học tập cùng Thập Ngũ A Ca Vĩnh Diễm.
Xét theo vai vế, Miên Ức là cháu của Vĩnh Diễm, nhưng vì hai người cùng tuổi và lớn lên cùng nhau nên tình cảm hết mức khăng khít. Vĩnh Diễm chính là Gia Khánh đế sau này.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, Ngũ A Ca là một người đoản mệnh, nếu không qua đời sớm, với sự sủng ái mà Càn Long dành cho vị a ca này, có khả năng Vĩnh Kỳ sẽ trở thành một vị Hoàng đế thời Thanh.
Mộc Miên (T/h)