Dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng?
Nhiều đơn vị với vai trò là chủ đầu tư đã tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng để góp phần đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, triển khai nghiêm túc lộ trình, cắt giảm những chi phí thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu luật Đấu thầu và các tài liệu liên quan, phóng viên thấy có hiện tượng gói thầu mua sắm với dấu hiệu đội giá thiết bị gấp nhiều lần so với giá thị trường, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của công tác đấu thầu.
Quyết định số 59/QĐ-TTDL ngày 19/08/2022, do Cục trưởng cục Thu thập dữ liệu Vũ Thị Thu Thủy phê duyệt.
Đơn cử là gói thầu “Mua sắm thiết bị bảo mật và đảm bảo ANTT (Tường lửa) và gia hạn dịch vụ bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật thiết bị cân bằng tải của Tổng cục Thống kê” được phê duyệt theo Quyết định số 59/QĐ-TTDL ngày 19/08/2022, do Cục trưởng Vũ Thị Thu Thủy ký. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng kỹ thuật và Sản xuất. Giá trúng thầu: 14.526.800.000 (Bằng chữ: Mười bốn tỷ, năm trăm hai mươi sáu triệu, tám trăm nghìn đồng). So với giá dự toán 14.599.096.000 (Bằng chữ: Mười bốn tỷ, năm trăm chín mươi chín triệu, không trăm chín mươi sáu nghìn đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu rất thấp là 72.296.000, đạt tỉ lệ 0,49%.
Khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các hàng hóa trong gói thầu cũng như đối chiếu ký hiệu, nhãn mác và xuất xứ sản phẩm, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá sản phẩm trong gói thầu cao hơn với giá thị trường.
Cụ thể, thiết bị bảo mật và đảm bảo ANTT (Tường lửa) có đơn giá tại gói thầu là 6.054.840.000 đồng/thiết bị (Bằng chữ: Sáu tỷ, không trăm năm mươi tư triệu, tám trăm bốn mươi nghìn đồng), nhưng theo tìm hiểu trên thị trường nước ngoài, cũng như các đơn vị phân phối trong nước thì với cùng model, xuất xứ, mức giá của thiết bị rơi vào khoảng 50.000 – 125.000 USD. Theo đó, quy đổi ra tiền Việt Nam, số tiền tương ứng khoảng từ 1.195.000.000 đồng/thiết bị (Bằng chữ: Một tỷ, một trăm chín mươi lăm triệu đồng) đến 2.987.750.000 đồng/thiết bị (Bằng chữ: Hai tỷ, chín trăm tám mươi bảy triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng).
Dù chỉ tìm hiểu 1/3 loại hàng hóa, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá so với thị trường, số tiền chênh lệch khoảng 6.134.180.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, một trăm ba mươi tư triệu, một trăm tám mươi nghìn đồng).
Bảng so sánh giá do PV thực hiện.
Thiết bị bảo mật và đảm bảo ANTT (Tường lửa) có giá dao động trên thị trường từ 50.000 – 125.000 USD/thiết bị.
Dẫu biết rằng giá thiết bị cao hay thấp nhiều khi còn phụ thuộc vào thời điểm, linh phụ kiện đi kèm, thời gian bảo hành, bảo trì, chế độ đào tạo, truyền thông... Thế nhưng, chênh lệch lên tới hơn 6 tỷ đồng là một con số thực sự đáng suy ngẫm.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ và công khai giá gốc nhập khẩu thiết bị trong gói thầu đã nêu ở trên. Việc làm này không những minh bạch được thông tin mà còn xóa được điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tham gia định giá gói thầu.
Để rộng đường dư luận, đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, ngày 21/09/2022, phóng viên đã liên hệ với cục Thu thập dữ liệu để trao đổi thông tin.
Ngày 12/10/2022, tại buổi làm việc với cục Thu thập dữ liệu, khi phóng viên đặt các câu hỏi liên quan đến dấu hiệu đội giá mua sắm tại gói thầu, công tác thẩm định giá gói thầu, năng lực của nhà thầu… đại diện đơn vị này là ông Cao Quang Thành (Phó Cục trưởng) cho rằng: “Không có trách nhiệm cung cấp cho phía Tạp chí, vì đây không phải là công tác thanh tra, kiểm tra. Các nội dung câu hỏi quá sâu, đơn vị không có nghĩa vụ cung cấp. Cục Thu thập dữ liệu đã thực hiện đầy đủ theo quy định của luật Đấu thầu và Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/09/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước”.
Từ chối cung cấp thông tin là không phù hợp
Trao đổi với phóng viên về vấn đề cục Thu thập dữ liệu từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, luật sư Phạm Ngọc Hải (công ty luật AMI) cho biết: “Theo quy định tại Điều 38 luật Báo chí 2016 thì các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp, trừ các trường hợp được từ chối cung cấp thông tin sau đây:
a) Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
b) Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;
d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
Luật sư Phạm Ngọc Hải.
Xét quy định của pháp luật chuyên ngành thì tại Điều 74, luật Đấu thầu 2013 quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư phải: “Bảo mật các tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu”. Như vậy, các tài liệu trong quá trình lựa chọn nhà thầu sẽ thuộc trường hợp bảo mật. Tuy nhiên, nếu quá trình lựa chọn nhà thầu đã được thực hiện xong thì chủ đầu tư không còn chịu hạn chế của quy định bảo mật này”.
Văn phòng đại diện của công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng kỹ thuật và Sản xuất, được đăng ký địa chỉ tại 89B Lý Nam Đế (Hà Nội) hiện không thấy có dấu hiệu hoạt động.
“Từ các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy rằng cục Thu thập dữ liệu chỉ có quyền từ chối cung cấp những thông tin thuộc trường hợp được từ chối cung cấp theo quy định pháp luật. Việc đại diện Cục này trả lời không có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho phía báo chí là không phù hợp với quy định pháp luật.
Do cơ quan báo chí đang tìm hiểu viết bài về công tác đấu thầu liên quan đến cục Thu thập dữ liệu, nên đơn vị này cần kiểm tra, rà soát và phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu. Đối với các tài liệu từ chối cung cấp thì cần trả lời cụ thể cho cơ quan báo chí được biết, đồng thời, nêu rõ lý do và căn cứ pháp luật của việc từ chối”, vị luật sư thông tin thêm.
Cũng theo luật sư Hải, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ ràng và cụ thể các chế tài liên quan để xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Trong đó, việc vi phạm quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Đối với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, các cá nhân vi phạm liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù có thể áp dụng lên đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hoàng Giang – Ngọc Bảo