Nestlé đã tăng giá cả các sản phẩm của mình thêm 8,2% vào năm 2022 nhưng nói rằng việc này vẫn không đủ để bù đắp cho số tiền mà họ đã bỏ ra, vốn làm giảm lợi nhuận của họ.
Trao đổi với CNN ngày 16/2 (giờ địa phương), Giám đốc điều hành Nestlé Mark Schneider chia sẻ: "Chúng tôi cũng đang trong giai đoàn điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận gộp của mình và giống như tất cả người tiêu dùng trên toàn thế giới, chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát và giờ phải tìm cách cải thiện những thiệt hại".
Ông Schneider lưu ý việc tăng giá sẽ "theo mục tiêu" và chỉ được thực hiện khi xảy ra "lạm phát chi phí đầu vào". CEO Nestlé đã từ chối tiết lộ thương hiệu nào trong số 2.000 thương hiệu của công ty, bao gồm thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo và sữa bột trẻ em, sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá.
CEO Nestlé Mark Schneider. Ảnh: CNBC
Trong khi đó, Unilever (UL), Coca-Cola (KO), nhà sản xuất bia Heineken (HEINY), Colgate (CL)-Palmolive và Procter & Gamble (PG), công ty sản xuất tã lót Pampers và dầu gội Pantene, cũng đều thông báo sẽ tiếp tục tăng giá các sản phẩm trong năm nay, khi họ phải vật lộn với chi phí nguyên liệu, năng lượng và lao động tăng cao.
Chi phí nguyên liệu thô như năng lượng, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc vẫn ở mức cao, mặc dù đã giảm so với thời điểm đạt đỉnh. Chi phí lao động và hậu cần cũng đã tăng lên. Điều này khiến giá cả hàng hóa khó có thể giảm sớm.
Graeme Pitkethly, giám đốc tài chính của Unilever, chia sẻ trong một cuộc gọi vào tuần trước: "Chúng ta có thể đã vượt qua mức lạm phát cao nhất, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt tới mức giá tăng cao nhất".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Unilever, Alan Jope, cảnh báo thực phẩm, bao gồm cả kem, sẽ tăng giá đáng kể vào năm 2023.
Unilever có trụ sở tại Vương quốc Anh, công ty đã tăng giá 13,3% trong 3 tháng cuối năm 2022, đánh dấu quý tăng giá thứ 8 liên tiếp.
Các công ty hàng tiêu dùng cần đạt được một sự cân bằng mỏng manh. Trong khi chi phí ngày càng tăng đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận của họ, thì việc tăng giá quá mạnh cũng có nguy cơ khiến khách hàng quay lưng.
Unilever cho biết doanh số bán hàng giảm 2,1% vào năm 2022 sau các đợt tăng giá. Tương tự, Nestlé báo cáo doanh số bán hàng giảm trong nửa cuối năm ngoái, một phần nguyên nhân do mức giá tăng.
Trong khi đó, Heineken dự kiến sẽ bán ít bia hơn ở châu Âu trong năm 2023 do mức giá "leo dốc" vì chi phí năng lượng. Khi người mua sắm cố gắng giảm hóa đơn hàng tạp hóa, các thương hiệu riêng của nhà bán lẻ có thể hưởng lợi. Ví dụ, Walmart (WMT) đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh số bán hàng và xu hướng đó đang mở rộng sang các nhà bán lẻ ở Châu Âu.
Ông Jope cho biết Unilever "gần đây đã chứng kiến sự gia tăng thị phần của nhãn hiệu riêng ở châu Âu trong hầu hết các danh mục do gánh nặng kinh tế đè nặng lên người mua hàng".
Bên cạnh việc thúc đẩy người mua hàng tìm đến các sản phẩm có nhãn hiệu riêng, việc tăng giá mạnh đã dẫn đến một số cuộc đàm phán căng thẳng giữa các công ty hàng tiêu dùng và khách hàng bán lẻ của họ. Theo ông Jope, Unilever đã có những cuộc đối thoại "mạnh mẽ" với các nhà bán lẻ, những người "yêu cầu bằng chứng về những chi phí mà chúng tôi đang phải đối mặt trước khi họ chấp nhận tăng giá".
Trong khi đó, CEO Nestlé cho biết ông sẽ không tham gia vào các chi tiết cụ thể trong các cuộc đàm phán của công ty với các nhà bán lẻ nhưng thừa nhận rằng "các cuộc đàm phán căng thẳng đang diễn ra"
Ông Schneider chia sẻ: "Mọi người đều có chung một mục tiêu và đó là bảo vệ người tiêu dùng khỏi lạm phát quá mức".
Do tranh chấp về giá cả trong năm qua, một số sản phẩm có thương hiệu đã bị bỏ khỏi kệ trong thời gian ngắn.
Minh Hạnh (Theo CNN)