Người dân Cameroon cáo buộc nhà thầu Trung Quốc chiếm đoạt đất canh tác, khai thác vàng quá mức trên khu vực sinh sống của họ, gây ra những thiệt hại lớn về tiền bạc, sinh mạng con người và cả môi trường.
Theo Foder - nhóm vận động bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn, hồi đầu tháng 4, bốn công ty đã bị cấm khai thác tại đông Cameroon.
Một trong số đó là Lu&Lang, công ty Trung Quốc khét tiếng trong khu vực, sau khi nhân viên của họ bị cáo buộc sát hại một người dân Cameroon tìm vàng tại khu đất mà công ty này khai thác. Bạo động đã xảy ra và dân làng Longa Mali sau đó ném đá giết chết nghi phạm Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, công ty Lu & Lang chỉ tạm ngừng khai thác trong một thời gian ngắn sau vụ việc trên và đã hiện đã tiếp tục hoạt động trở lại.
Thợ đào vàng của doanh nghiệp Trung Quốc vận hành máy móc tại Longa Mali, Cameroon. - Ảnh: Getty. |
Người Trung Quốc “giết con trai của tôi, nhưng họ chẳng bồi thường gì cho tôi”, Philippe Balla, cha của nạn nhân nói. “Họ cứ tiếp tục làm việc mà chẳng ai đụng được đến họ”.
Mâu thuẫn giữa các công ty Trung Quốc và người địa phương đã âm ỉ từ lâu vì tình trạng mua đất nông nghiệp giá rẻ bèo để khai thác vàng.
Ông Michel Pilo, trưởng làng Mali, cho biết người Trung Quốc đang tàn phá đồng ruộng bằng cách cưỡng ép họ bán đất để khai thác vàng. Ông đưa ra ví dụ một mảnh đất giá 500.000 franc Trung Phi (21 triệu đồng) bị họ ép bán chưa tới 1/6 giá trị.
Một quan chức địa phương thừa nhận rằng nông dân không có lựa chọn nào ngoài việc bán đất cho các công ty Trung Quốc nếu không muốn bị họ ngang nhiên chiếm đoạt để đào vàng.
Ndoyama là một trong số ít nông dân vẫn còn có đất canh tác. Ông coi sự xâm lấn của những công nhân mỏ Trung Quốc là mối đe dọa đối với cánh đồng bột sắn của ông.
“Họ đang tiến sát tới mảnh đất của tôi rồi. Họ vẫn chưa động vào nó, nhưng tôi e là sắp rồi”, ông Ndoyama nói. “Tôi đang đợi mảnh đất được đo đạc để khởi kiện, cứu cánh đồng của tôi”.
Hình ảnh thợ đào vàng ở Cameroon. - Ảnh: AP. |
Thiệt hại không chỉ dừng lại ở sinh mạng con người và tiền bạc.
Ông Yaya Moussa, trưởng làng Ngoe Ngoe, cho biết trong quá trình khai thác vàng, người Trung Quốc đã phá hủy các con sông và khiến nhiều động vật bị mắc kẹt trong các hố khai thác bỏ hoang tại địa phương có khoảng 2.600 người sinh sống này.
Dân địa phương liên tục kêu gọi chính quyền đặt ra ranh giới đất đai rõ ràng, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Nhiều công nhân mỏ Trung Quốc trong vùng từ chối nói về những lời phàn nàn của dân địa phương đối với họ.
Trước thực trạng hỗn loạn của ngành khai thác vàng, ông Gabriel Yadji, đại diện Bộ Mỏ, Công nghiệp và Phát triển công nghệ Cameroon, cho rằng chính những người dân đất nước Trung Phi này cũng có một phần trách nhiệm lớn.
“Xả cơn tức giận chống lại người Trung Quốc thì dễ, nhưng ai đã đưa Trung Quốc vào đây?”, Gabriel Yadji, đại diện Bộ Khai thác mỏ khu vực phía đông đặt nghi vấn. “Chính người Cameroon đã khiến dân rơi vào tình cảnh này”.
Quy trình thiếu minh bạch trong đăng ký giấy tờ lẫn khai thác dẫn đến việc Cameroon không có số liệu chính thức về diện tích đất khai thác mỏ, đồng thời dẫn đến thực trạng dù giàu tài nguyên khoáng sản nhưng quốc gia này vẫn phát triển chậm và còn nghèo.
"Ngành khai khoáng như một tổ chức mafia. Hành động tội phạm diễn ra trước mắt chúng tôi và không mang lại lợi ích cho đất nước, người dân Cameroon" - ông Victor Amougou, điều phối viên của CEFAID, chỉ trích.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)