Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công nghệ từ thế kỷ 19 trở thành "chìa khoá" giúp Nga giành lợi thế ở Donbas

(DS&PL) -

Tại khu vực Donbas, mạng lưới đường sắt dày đặc, một công nghệ từ thế kỷ 19, đã đóng vai trò quan trọng giúp Nga giành được lợi thế.

Nhờ sự áp đảo về pháo binh, lực lượng và trang thiết bị quân sự, các lực lượng Nga đã giành được nhiều lợi thế tại mặt trận Donbas, miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, Nga đã có thêm sự giúp đỡ quan trọng khác đến từ hệ thống đường sắt, công nghệ có từ thế kỷ 19. Những hệ thống này đã hỗ trợ vận chuyển, giúp các lực lượng Nga tiếp cận tốt hơn với đạn dược và nguồn cung cấp khác.

Được biết, tàu hỏa là phương tiện phổ biến để di chuyển quân đội và vận chuyển vũ khí hạng nặng của Nga. Tại khu vực Donbas đã được công nghiệp hóa của Ukraine, mạng lưới đường sắt dày đặc đóng vai trò "chìa khoá" quan trọng với chiến dịch quân sự của Nga. 

Quân đội Nga phụ thuộc rất nhiều vào các đoàn tàu và duy trì Lực lượng Đường sắt tinh nhuệ, một nhánh dịch vụ từng phổ biến ở các nước trải qua Thế chiến thứ 2. Đơn vị có các toa tàu bọc thép, sơn ngụy trang và được trang bị đại bác cùng pháo phòng không để bảo vệ các đoàn tàu tiếp tế. Các binh sĩ của đơn vị cũng được huấn luyện để sửa chữa các đường ray bị ném bom trong thời điểm đối phương bắn phá. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã khôi phục hơn 1.200km đường sắt ở khu vực Đông Nam Ukraine hiện đang nằm dưới tầm kiểm soát của họ.

Tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, sự phụ thuộc quá nhiều của Nga vào vận tải bằng tàu hỏa đã cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu hậu cần của nước này, liên quan đến việc phối hợp vận chuyển các nguồn cung cấp. Các vấn đề của Nga trong việc triển khai binh lính xa các tuyến đường sắt đã làm chậm tiến độ chiến dịch quân sự và góp phần vào những thất bại thảm khốc trong các cuộc tấn công ban đầu. Tuy nhiên, thực tế này cũng có thể định hình tương lai của cuộc xung đột hiện nay.

Phương pháp hậu cần lâu đời 

Không giống như Mỹ và các quốc gia khác đã áp dụng hệ thống hậu cần quân sự hiện đại, Nga phần lớn vẫn dựa vào các phương pháp truyền thống từ thời Liên Xô. Theo các quan chức phương Tây, điều này cho thấy sự thiếu hiện đại hóa trong nền kinh tế của Nga.

Thay vì hệ thống hậu cần cơ giới hóa được các doanh nghiệp và quân đội phương Tây sử dụng trong nhiều thập kỷ, quân đội Nga dựa vào lao động lính nghĩa vụ dồi dào để di chuyển thiết bị, phần lớn được đóng gói trong các thùng gỗ cỡ quan tài khó sử dụng.

Binh sĩ Nga quan sát đoàn tàu vận chuyển xe tăng rời khỏi Crimea. Ảnh: Time.

Ông Trent Telenko, người đã làm việc 33 năm tại Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng của Lầu Năm Góc và đã nghiên cứu về hậu cần quân sự của Nga, nhận xét: "Mỹ đã xây dựng hệ thống hậu cần giống như khi chúng tôi đang thiếu người cònNga thì làm điều đó như thể nhân lực không còn nữa". 

Quản lý nguồn cung là một lĩnh vực đang bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trong Chỉ số Hiệu suất Thống kê gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới, từ năm 2018, Nga đứng thứ 75 trong số 160 quốc gia, giữa Paraguay và Benin ở lĩnh vực này. Trong khi đó, Đức là nước giữ vị trí đầu tiên, Mỹ thứ 14 và Trung Quốc đứng thứ 26.

Việc xếp dỡ hàng hóa hiện đại dựa vào các container có kích thước tiêu chuẩn phù hợp với xe tải, toa tàu, tàu thủy và thiết bị cẩu. Các cảng container của Nga vào năm 2020 xử lý nhiều container hơn một chút so với các cảng ở Colombia và ít hơn Pháp. Lưu lượng vận chuyển container qua Nga phần lớn không thay đổi kể từ năm 2013, trong khi khối lượng toàn cầu đã tăng 23% so với cùng kỳ.

Người Nga chất hàng thủ công vào các phương tiện giao thông đường sắt đi qua hệ thống đường sắt quốc gia, nơi tạo thành xương sống của mạng lưới vận tải hàng hóa. Các tuyến đường sắt đi sâu vào các góc dân cư thưa thớt ở Siberia, với nhiều tuyến đường do người Gulag xây dựng dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Liên Xô đã sử dụng đường ray xe lửa với khổ rộng hơn Tây Âu, một phần để ngăn chặn cuộc xâm lược.

Trong những năm gần đây, việc này đã làm chậm lại thương mại đường sắt với các nước khác và khiến ngành hậu cần của Nga trở nên "cô độc".

Ukraine, từng là một phần của Liên Xô, có cùng đường ray khổ rộng, giúp các đoàn tàu của Nga dễ dàng di chuyển trong chiến dịch quân sư đặc biệt hiện nay. 

Mặc dù là quốc gia lớn nhất thế giới tính theo diện tích đất, nhưng Nga chỉ có 1.549.800 km đường cao tốc, dựa trên liệu năm 2020 từ cơ quan thống kê nhà nước của Nga. Điều đó khiến một số thành phố nhỏ hơn không có khả năng tiếp cận với các xe tải giao hàng lớn. Trong khi đó, số liệu chính phủ cho biết diện tích của Mỹ chỉ bằng khoảng  60% diện tích là Nga nhưng nước này có tới 6,75 triệu km đường cao tốc.

Sự khác biệt giữa Nga và Mỹ 

Vài ngày sau khi Moscow lần đầu tiên tấn công Ukraine vào tháng 2, một binh sĩ Nga đã gọi điện cho các đồng đội để phàn nàn rằng anh ta đang bị mắc kẹt. Người lính, được xác định là Buran, nói: "Tôi chỉ cần một trạm xăng. Phương tiện đang dừng di chuyển". 

Theo tình báo Ukraine và phương Tây, trong những tuần sau đó, các binh sĩ Nga đã từ bỏ rất nhiều phương tiện quân sự đã hết nhiên liệu hoặc cần phụ tùng thay thế. Xe chở nhiên liệu, xe bọc thép hạng nhẹ và phương tiện có khả năng gây nổ cùng các phương tiện tiếp tế khác là những mục tiêu dễ dàng tấn công của máy bay chiến đấu Ukraine. Việc thiếu nhiên liệu, lương thực và đạn dược đã khiến quân Nga gặp khó khăn.

Manley Irwin, giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học New Hampshire, người nghiên cứu lịch sử Hải quân Mỹ, cho biết Washington từng phản đối việc cơ giới hóa hậu cần quân sự trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, nhằm mục đích duy trì hòa bình với các liên đoàn lao động đại diện cho những công nhân đóng tàu dân sự. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong Thế chiến thứ 2. 

Binh sĩ Ukraine dùng xe nâng để chất tên lửa chống tăng Javelin lên xe tải. Ảnh: AFP

Thủy quân lục chiến Mỹ đã di chuyển đến Thái Bình Dương để đối phó các lực lượng Nhật Bản. Để tăng tốc độ di chuyển của nguồn cung, Hải quân đã xem xét các hệ thống vận tải được sử dụng bởi các công ty và khai thác các nhà quản lý công ty để giúp cải thiện lĩnh vực hậu cần quân sự.

Một nghiên cứu thời chiến cho thấy rằng số giờ lao động cần thiết để xếp dỡ các tàu tiếp liệu có thể giảm 682 giờ xuống 203 giờ bằng cách sử dụng hệ thống xe nâng và pallet.

Ông Irwin nhận xét: "Điều đã giúp họ là ngành công nghiệp. Ông nói, chiếc xe nâng được coi là rất quan trọng đối với quân đội Mỹ, tài liệu về các phương pháp và cách sử dụng khác nhau trong thời chiến của phương tiện này được coi là bí mật". 

Nền kinh tế Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã phát triển vượt bậc so với thời Liên Xô. Tuy nhiên, đầu tư đã tập trung phần lớn vào các lĩnh vực tài nguyên khai thác, như dầu khí và khoáng sản, hơn là sản xuất tiên tiến và hậu cần.

Việc nới lỏng các hạn chế kinh tế ở nước Nga thời hậu Xô Viết cho phép nước này có được công nghệ tiên tiến hơn, thiết bị sản xuất ưu việt hơn và thuê các nhà quản lý nước ngoài có kinh nghiệm. Nhưng điều đó cũng làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào bên ngoài để xây dựng cơ sở công nghiệp của mình.

Các vai trò chuyên biệt trong ngành, chẳng hạn như giám sát chuỗi cung ứng, chỉ bắt đầu bén rễ vào các doanh nghiệp Nga vào năm 2014, khi mối quan hệ với phương Tây có mâu thuẫn sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Các biện pháp trừng phạt gần đây được áp đặt sau chiến dịch quân sự tại Ukraine được cho là sẽ khiến hoạt động hậu cần của Nga trở nên tồi tệ hơn nữa.

Các nhà phân tích cho biết nếu không có chuyên môn về hậu cần trong nước, quân đội Nga có thể thiếu một mô hình để chống lại sự thay đổi, vốn là điển hình của các lực lượng vũ trang.

Ông Telenko, người đã theo dõi sự phát triển của các hệ thống tự động trong nhiều năm, cho biết sự đối lập giữa hai Mỹ và Nga phản ánh cách xã hội của họ tiếp cận rủi ro. Tại Mỹ, trách nhiệm giải trình công khai và các vụ kiện tụng đã thúc đẩy quân đội giảm thiểu rủi ro về con người trong công tác hậu cần càng nhiều càng tốt.

Ông giải thích: "Có một sự ác cảm về văn hóa đối với rủi ro trong chuỗi cung ứng quân sự của Mỹ mà Nga không có. Tăng cường an toàn và hiệu quả mang lại lợi ích bổ sung cho Lầu Năm Góc đồng nghĩ với việc giảm chi trả cho các trợ cấp của cựu chiến binh, một khoản chi phí lớn và giúp họ có thêm nhiều tiền hơn cho các hoạt động, đào tạo và thiết bị. Một quân đội không thể tốt hơn hệ thống xã hội mà nó phát triển ra".

Minh Hạnh (Theo WSJ)

Tin nổi bật