Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công nghệ số sẽ thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng

(DS&PL) -

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là động lực phát triển thị trường cho vay tiêu dùng, giúp các ngân hàng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế.

- Tiến sĩ đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ và số hóa đối với thị trường cho vay tiêu dùng nói riêng và sự phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Nhiều công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động đã có những thay đổi đáng kể, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ và quản lý khoản vay. Điều này sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Hầu hết các công ty cho vay tiêu dùng hiện nay đều áp dụng công nghệ trong cung cấp các dịch vụ, đánh giá tiềm năng khách hàng, quản lý khoản vay và kiểm soát rủi ro. Nhiều công ty cho phép khách hàng đăng ký online bằng định danh khách hàng điện tử (eKYC), xác thực qua số điện thoại, CCCD/CMND và chữ ký số của khách hàng. Theo đó, mọi giao dịch của khách hàng sẽ được đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trước nguy cơ tội phạm công nghệ gia tăng, đồng thời rút ngắn thủ tục hành chính.

Số hóa cũng thúc đẩy quy trình bán hàng đến giải ngân, thanh toán khoản vay cũng đơn giản, tinh gọn, tiết kiệm thời gian.

Áp dụng công nghệ và số hóa là xu hướng tất yếu cho sự phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng.

- Cá nhân Tiến sĩ có trải nghiệm gì đối với các dịch vụ số hóa gần đây? Điều Tiến sĩ có thể rút ra với tư cách chuyên gia theo dõi trong ngành là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Tôi cũng như các bạn đều là khách hàng của ngân hàng. Những tiện ích dịch vụ số hóa ngân hàng mang lại cho chúng ta những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất tất cả chúng ta đều nhìn thấy rất rõ và được hưởng lợi ích trực tiếp từ đó.

Với cá nhân tôi, tôi rất hài lòng với các dịch vụ mà mình được sử dụng. Hoạt động giao dịch tiền tệ thông suốt, tiện lợi. Gửi và nhận tiền chỉ trong 1 giây, đi chợ, mua sắm hàng hóa không cần mang theo tiền mặt; thanh toán hóa đơn; gửi tiết kiệm, tất cả đều thực hiện online.

Tôi cho rằng số hóa là yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng và sẽ làm thay đổi bức tranh của ngành tài chính Việt Nam trong thời gian tới.

Số hóa và sự phát triển hệ sinh thái số sẽ góp phần gia tăng lợi ích của khách hàng, tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế đất nước.

Đối với Lợi ích dành cho khách hàng sẽ được: Nâng cao trải nghiệm, đáp ứng mọi nhu cầu, tiết kiệm thời gian, hiệu quả, chính xác và an toàn. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có quy trình đơn giản, hiệu quả, tăng cường mức độ bảo mật cũng như việc thẩm định cho vay, chất lượng tín dụng cũng kiểm soát tốt hơn, gia tăng doanh thu hàng năm.

- Khuynh hướng phát triển của thế giới đặt ra yêu cầu cao đối với ngành quản lý công nghệ thông tin với nhà quản lý các tổ chức tài chính ngân hàng, xin Tiến sĩ hãy đưa ra lời khuyên để cơ quan quản lý hai lĩnh vực này để có thể bắt tay hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Vấn đề này có lẽ để ngành công nghệ thông tin trả lời sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên tôi cho rằng, khi chúng ta đã khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu thì giữa công nghệ và ngành tài chính ngân hàng sẽ có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ nhau. Chính vì thế trong thời gian qua xuất hiện các công ty Fintech. Chúng ta cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. 

Tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực chung, thông lệ tốt của thế giới.

Chính phủ cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ quốc gia, ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Đối với Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái số dùng chung cho các tổ chức chức tín dụng hội viên, nhằm tiết kiệm tài nguyên nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Với tư cách khách hàng, ông và những người trong gia đình sẽ sử dụng dịch vụ này thì Tiến sĩ mong dịch vụ này sẽ đạt các tiêu chuẩn gì hoặc được số hóa theo sao xu hướng và chuẩn mực ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Không phải sẽ mà chúng tôi, đã và đang sử dụng rất nhiều các dịch vụ ngân hàng số. Mọi tiêu chuẩn và xu hướng đều phải hướng tới đảm bảo tính an toàn, bảo mật cao mật cao nhất cho người sử dụng bên cạnh tính tiện dụng và tốc độ. 

Tiện lợi và bảo mật là yêu cầu quan trọng đầu tiên khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, các đơn vi cung cấp cần xây dựng hệ sinh thái đa dạng, liên thông để nâng cao trải nghiệm khách hàng, để giữ chân khách hàng sử dụng dịch vụ thông qua việc ứng dựng công nghệ

- Ai là người chơi quan trong nhất ở trên thị trường tài chính cho vay tiêu dùng và có vai trò số hóa thúc đẩy thị trường đi nhanh hơn?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Các công ty tài chính đã và đang có những thay đổi đáng kể và có thể trở thành người chơi quan trọng ở trên thị trường tài chính tiêu dùng, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ và quản lý khoản vay. Bởi rõ ràng, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thông qua việc số hóa, sẽ mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng. Các công ty tài chính đang tập trung vào am hiểu khách hàng và đưa ra những mô hình kinh doanh, sản phẩm, giải pháp hỗ trợ hành trình trải nghiệm khách hàng liền mạch. Đồng thời liên tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên ngân hàng số, để mang lại những giá trị cho khách hàng.

- Tiến sĩ có khuyến nghị gì về chính sách để khơi thông sự phát triển của thị trường?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030. Chiến lược này yêu cầu rất rõ nhiệm vụ là “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen”. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen. Các quy định về cho vay tiêu dùng luôn được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng. 

Tuy nhiên, để khơi thông sự phát triển của thị trường, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý từ cơ quan quản lý nhà nước, ngoài nhiệm vụ kinh doanh thuần tuý thì các TCTD, công ty tài chính được cấp phép cần phải tính đến để có trách nhiệm xã hội tốt hơn trong thời gian tới.

- Ở góc độ chính sách, các quy định về chính sách của cơ quan quản lý cũng như khung luật pháp đã đầy đủ để thị trường phát triển hay chưa? Cụ thể để những cải thiện về mặt chính sách có thể bổ sung là gì? 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Ở góc độ chính sách điều tiết thị trường, tôi cho rằng, dù đã có những nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng, tuy nhiên để thúc đẩy thị trường phát triển các hành lang pháp lý cần phải tiếp tục hoàn thiện. 

Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các  công ty tài chính, tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển. Các chính sách ban hành cần hướng tới chú trọng trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money…); chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự cho vay tài chính tiêu dùng cần được đẩy mạnh để tài chính tiêu dùng phát triển hiệu quả, bền vững.

- Số hóa dịch vụ tài chính nhìn thì đơn giản nhưng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về con người và nguồn vốn, làm thế nào giải quyết được bài toán này? 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Đúng vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính cần nhiều thời gian, nguồn lực về con người và tài chính rất lớn. Do vậy để số hóa dịch vụ tài chính thành công, các TCTD cần nhiều thời gian để thay đổi tư duy người dân, tiếp cận người dân. 

Trong quá trình đó, các TCTD nói nói chung, các công ty tài chính nói riêng cũng đang số hóa từng bước, qua đó giúp người tiêu dùng từng bước tiếp cận với dịch vụ tài chính trên nền tảng số. Nhiều đơn TCTD cũng đã bắt tay với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số với giá trị gia tăng cao. Việc các TCTD bắt tay với các Fintech sẽ góp phần xây dựng nên hệ sinh thái số, qua đó giúp các bên tận dụng được thế mạnh của nhau, đồng thời giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí trong quá trình chuyển đổi số cho các TCTD.

- Điểm tín dụng tiêu dùng cá nhân là một nhu cầu và điều kiện để phát triển thị trường nhưng hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc, theo TS những thay đổi nên bắt đầu từ đâu?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Những năm gần đây, hoạt động cho vay thể nhân của các ngân hàng mở rộng, trong khi đó thông tin đối với các khoản vay thể nhân (nguồn trả nợ, mục đích sử dụng vốn vay…) thường khó nắm bắt hơn so với doanh nghiệp nên xếp hạng tín dụng thể nhân trở nên cấp thiết hơn. Nắm bắt được vấn đề này, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống xếp hạng nội bộ. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đều có các thang điểm riêng, không thống nhất với nhau, do đó, khó so sánh, đánh giá mức tín dụng khách hàng một cách khách quan và chính xác.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, tôi cho rằng vai trò của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) rất quan trọng. Bởi lẽ, CIC là một trong những tổ chức thực hiện xếp hạng tín dụng tại Việt Nam. Với vị trí là tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, nắm được nguồn thông tin tổng hợp về tình hình tín dụng của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, CIC có lợi thế về nguồn dữ liệu để có một sản phẩm chấm điểm chính xác, hỗ trợ hệ thống các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng, đảm bảo tính minh bạch của ngành Ngân hàng và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và lành mạnh.

- Điểm tín dụng công dân là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam, nhưng điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đối tượng khách hàng cho vay tiêu dùng. Theo TS, Việt Nam có nên xây dựng những chính sách để "chấm điểm" tín dụng cá nhân hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Như đã nói ở trên, việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động chấm điểm thể nhân nói riêng, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tài chính tín dụng nói chung sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng, đảm bảo một nền kinh tế tài chính phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững cho Việt Nam. 

Xếp hạng tín dụng khách hàng đối với các ngân hàng là hoạt động rất quan trọng để phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng cũng như để hướng dẫn việc cung cấp các sản phẩm tính dụng phù hợp cho các khách hàng đi vay.

Xin cám ơn ông!

Đức Đông (Thực hiện)

Tin nổi bật