Bị bắt nạt dai dẳng hoặc bạo lực học đường đã để lại biết bao hậu quả tội tệ. Vì thế khi phát hiện con mình gặp vấn đề ở trường học thì bố mẹ cần kết hợp với nhà trường để đưa ra cách xử lý tốt nhất nhằm bảo vệ sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ.
Mới đây, trên mạng xã hội một phụ huynh có tên Nguyễn Thị Phương Thảo đã chia sẻ câu chuyện về con trai mình và lập tức gây sốt. Theo đó, con trai chị tên M., năm nay học lớp 7 và bị bạn cùng lớp bắt nạt trong thời gian dài. Và chính nhờ cách xử lý khôn khéo những không kém phần quyết liệt nên chị Thảo đã bảo vệ được con trai của mình.
Nội dung bài chia sẻ như sau:
"M. BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG:
M. vốn vóc người nhỏ bé, yếu đuối, hơi tí lại chảy nước mắt giống con gái, đã thế học không giỏi nên rất hay bị trêu chọc. Năm nay lên lớp 7 vẫn vậy. Đa số các bạn trêu ít, không ác ý nhưng năm nay có một bạn tên C.T. trêu nhiều, đôi khi ác ý.
Bạn ấy thường xuyên gọi M. bằng nhiều loại biệt danh như pê đê, gay... M. cứ mắc lỗi gì, ví dụ trả lời sai hay bị điểm thấp, làm hỏng cái gì đó là bạn ấy lôi ra chỉ trích, lêu lêu khiến M. cảm thấy rất suy sụp, chán nản, không muốn đi học. Mẹ đã động viên "Con phải mạnh mẽ lên, vùng lên, con học võ karate rồi mà" nhưng M. bảo "Con đánh không lại".
Chị Thảo và con trai. |
Đỉnh điểm là một lần M. tâm sự với cô giáo tâm lý ở trường và sau đó với mẹ rằng: "Có lúc con muốn tự tử". Mẹ nói chuyện với mẹ bạn kia và cô giáo chủ nhiệm để góp ý cho bạn nhưng không những không cải thiện mà M. còn bị sỉ nhục, bị gọi là "thằng hèn".
Nhận thấy vấn đề nghiêm trọng nên sau khi trao đổi với phụ huynh và cô giáo, mặc dù M. không muốn, mẹ vẫn quyết định đến tận trường nói chuyện trực tiếp với bạn C.T.
Khi mẹ xuất hiện, phản ứng của các bạn rất khác nhau. M. thì run sợ, hai tay nắm chặt, trốn tiệt vào một góc vì sợ ngày hôm sau sẽ bị "sỉ nhục" nhiều hơn. Các bạn trong lớp thì hả hê khi thấy C.T. chuẩn bị lên "thớt". C.T. thì có vẻ căng thẳng nhưng cố trấn tĩnh.
Để hoá giải không khí, mẹ khoác vai bạn C.T., dẫn hai đứa xuống phòng tiếp tân ngồi nói chuyện. Khi tâm sự thủ thỉ, mẹ nhận thấy bạn C.T. hiểu chuyện, thông minh và hoàn toàn không phải là một cậu bé hư. Đúng như mẹ dự đoán, bạn ấy thích trêu chọc, bắt nạt M. vì nghĩ bạn M. sai và phần thì muốn được mọi người chú ý mà thôi.
Mẹ tập trung thủ thỉ vào 3 vấn đề trọng điểm mà C.T. thường xuyên lôi ra để bắt nạt M.
Gay hoặc pê đê: Mẹ đặt câu hỏi ví dụ như: "Con có hiểu giới tính thứ ba là gì không? Họ là người bệnh hay người bình thường?", "Con thử nói cho bác nghe xem con biết ai thuộc giới tính thứ ba mà nổi tiếng và thành công không", "Con thấy họ thế nào? Có thích xem họ biểu diễn không", "Nếu M. thuộc giới tính thứ ba, theo con đó có phải là lỗi của bạn không?", "Con có điểm gì về cơ thể mà con cảm thấy không tự tin và không thoải mái khi bị mọi người trêu không? Nếu bị trêu con cảm thấy thế nào?".
Tất cả các câu hỏi đều để C.T. tự trả lời và để C.T. tự hiểu ra rằng cho dù có là gay, pê đê thì đó cũng không phải là lỗi của M., đó là gen tự nhiên, không nên miệt thị.
Học kém: Mẹ kể cho C.T. nghe câu chuyện hồi bé của M. Hồi 6 tháng tuổi, M. bị viêm phổi nặng, bị tiêm liên tục 40 mũi trong ba tháng, dẫn đến khả năng não của M. có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc. Nếu trẻ bình thường 1,5 tuổi biết nói thì Đức M. 3 tuổi mới bập bẹ. Học hết lớp 1, các bạn đều biết cộng trừ nhân chia nhưng M. thì còn không cộng nổi trong phạm vi 10. Nhưng đó không phải trọng điểm.
Trọng điểm là suốt 5 năm qua, M. đã hết sức nỗ lực để theo kịp các bạn, tất nhiên không thể giỏi nhưng cũng không kém quá xa.
Mẹ giải thích để C.T. hiểu rằng đánh giá bạn không nên căn cứ vào thành tích kết quả hiện tại, mà phải căn cứ trên sự nỗ lực và chăm chỉ của bạn.
"Kẻ hèn là kẻ chỉ biết bắt nạt người yếu hơn mình mà không dám chống lại kẻ mạnh hơn mình". Cuối cùng, mẹ nhờ C.T. sau này hãy bảo vệ M. để giúp đỡ bạn. C.T. vui vẻ hứa là sẽ làm như vậy.
Mách mẹ, mách cô: Mẹ hỏi: "Nếu con bị một anh chị lớn hơn bắt nạt, con sẽ làm gì? Có tâm sự với bố mẹ để tìm sự giúp đỡ không?", "Giả sử sau khi anh chị kia bị người lớn mắng, tiếp tục bắt nạt con thậm tệ hơn, con sẽ cảm thấy thế nào, con sẽ làm gì?" C.T. tự trả lời và hiểu rằng: Việc M. hay C.T. tìm kiếm sự giúp đỡ của bố mẹ là điều cần thiết để bảo vệ mình, không phải là hèn kém mà là hành động khôn ngoan.
Bạo lực học đường đang là nỗi ám ảnh đối với nhiều đứa trẻ - Ảnh: Minh họa |
Mặc dù vậy, M. vẫn không tin C.T. sẽ thực hiện lời hứa và vẫn khóc vì sợ ngày mai bị trả thù. Lúc đi ra ngoài, các bạn xúm lại hỏi thăm M. và đều nói là không thể tin C.T. vì bạn ý chuyên hứa suông. Mẹ nói với các bạn: "Hãy cho C.T. cơ hội. Nếu các con không cho bạn cơ hội, bạn sẽ nản chí và không muốn làm điều tốt nữa".
Với riêng C.T., mẹ cũng bảo rằng: "Các bạn chưa tin con vì chuyện trong quá khứ nhưng con hãy chứng minh cho các bạn biết là các bạn đã sai. Bác tin con làm được".
Sau đó, mẹ C.T. nhắn tin nói là trước khi đi ngủ, C.T. chủ động tâm sự: "Hôm nay mới biết chuyện hồi bé của M., rất thương bạn và tự hứa sẽ giúp bạn". Còn M. đi học về kể: "Bạn C.T hôm nay bảo con là, cậu đã có một vệ sĩ rồi đấy nhé".
Nghe kể, mẹ rất vui. M. đã nhận ra tâm sự với mẹ là điều đúng đắn. Mẹ hy vọng là trong những năm tháng học trò tới đây của M., sẽ chỉ còn lại những niềm vui, những nụ cười của tình bạn và tình yêu, con nhé. Cho dù có bất cứ vấn đề gì, I am always beside you (Mẹ luôn ở bên con)".
Chia sẻ với Tri thức trẻ, chị Thảo cho biết, dù con trai mình và C.T. chưa trở thành bạn thân nhưng M. không bị trêu chọc và bắt nạt nữa. Bây giờ hằng ngày, chị vẫn thường xuyên hỏi chuyện, lắng nghe con kể những gì xảy ra ở lớp học.
"Ai cũng bận công việc, ai cũng nhiều mối bận tâm, nhưng hãy cố gắng kiên nhẫn với con. Không ai hiểu con bằng bố mẹ. Cũng không ai bảo vệ con tốt bằng bố mẹ", chị Thảo chia sẻ.
Ngay sau khi bài viết của chị Thảo được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Đa phần các bậc phụ huynh đều tỏ ra nể phục sự quyết đoán nhưng không kém phần khôn khéo của người mẹ trong câu chuyện.
Quỳnh Chi (T/h)