(ĐSPL) - Nhiều người đã tự mày mò tập yoga bằng cách mua các băng đĩa, sách hướng dẫn hoặc tập theo các clip trên mạng mà không biết rằng, nếu tập yoga sai cách, hậu quả sẽ khôn lường.
Tâm thần vì yoga
Ông Đặng Hùng – Giám đốc Học viện yoga cho biết, yoga là một trong những phương pháp tập luyện của y học cổ truyền phương Đông, có lịch sử lâu đời và bắt nguồn từ Ấn Độ. Yoga có nhiều trường phái và đôi khi nó bị đan xen với các phương pháp tập luyện khác như dưỡng sinh, khí công. Yoga cũng có những nét tương đồng với Phật giáo bởi cùng hướng đến sự giải thoát cho con người.
Cơ chế luyện tập của yoga gồm 3 phần: điều tâm (giúp cho tinh thần ổn định, không bị lôi cuốn vào các trạng thái cảm xúc thái quá như quá vui, quá buồn); điều khí (thông qua sự tập trung vào hơi thở) và điều thân (thông qua các động tác).
|
Theo các nhà chuyên môn, tập yoga sai cách có thể dẫn đến những tác hại khôn lường. |
Do đó, việc tự mày mò để tập yoga cũng chia làm hai cấp độ. Nếu chỉ tập ở mức bình thường, tức các asana (tư thế) đơn giản sẽ không sao nhưng nếu tập đến các mức phức tạp hơn như luyện thở sẽ gây ra những bất trắc rất nguy hiểm.
Ông Đặng Hùng cho hay trước hết việc tự tập sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt về mặt thể chất. Bởi không phải bất cứ ai cũng có thể tập các asana như nhau. Trong yoga cũng có những tư thế chống chỉ định với từng người tập. Chẳng hạn với những người bị đau thắt lưng, trật khớp, thoát vị đĩa đệm nếu không có cách tránh sẽ gây ra phản ứng phụ, làm cho vấn đề của người tập sẽ nghiêm trọng hơn. Hay như nếu một người bị đau mạch vành cần phải tránh tạo sức ép ở khu vực đó nhưng có một số động tác yoga sẽ tạo ra sức ép, khi đó hậu quả sẽ khôn lường.
Bởi vậy, tại các trung tâm yoga chuyên nghiệp, trước khi bắt đầu luyện tập cho học viên, các chuyên gia luôn phải kiểm tra sức khỏe cũng như bệnh án của người tập để có thể đưa ra những động tác thích hợp. Nếu các học viên tự tập ở nhà, sách vở hay các clip trên mạng sẽ không thể chỉ giúp họ động tác nào là phù hợp, động tác nào là chống chỉ định.
“Nếu người tập tự mày mò đến các cấp cao như thiền định, các prana thì phải có sự hướng dẫn của những bậc thầy có kinh nghiệm. Nếu không sẽ dẫn đến một số tác động không có lợi cho tinh thần như việc rối loạn tinh thần hoặc tâm thần. Có nghĩa người tập sẽ có những biểu hiện như ảo tưởng, có ảo ảnh, suy nghĩ phi thực tế, trầm cảm hoặc nặng hơn là khi nào cũng cảm thấy có bóng người theo,…”, ông Hùng khuyến cáo.
Đồng quan điểm, ông Dương Bảo Ngọc – Ủy viên ban điều hành Câu lạc bộ yoga Hà Nội – Trung tâm UNESCO Phát riển Nhân văn cũng khuyến cáo: “Tốt nhất người tập nên tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm và được học một cách bài bản. Sau đó hoàn toàn có thể tự tập ở nhà”.
Cũng theo ông Ngọc, việc tự học, tự tập yoga phải hết sức cẩn thận và đòi hỏi người tập phải thực sự tâm huyết tìm hiểu.
Trong hơn chục năm kinh nghiệm của mình, ông Ngọc cho hay thực ra ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị “tẩu hỏa nhập ma” khi tập yoga sai cách song cũng đã có những trường hợp gặp biến chứng và đã kịp thời dừng lại.
Thực tế, đã có người tìm đến sự tư vấn của ông Ngọc sau hai ngày tự mày mò tập thiền ở nhà. Người này có biểu hiện mất trí nhớ tạm thời, tâm trạng luôn bất an. Nhưng rất may, sự việc chưa đi quá xa.
Lưu ý khi tập yoga
Theo các chuyên gia, khi bắt đầu tập yoga, người tập nên bắt đầu với những tư thế đơn giản như chào mặt trời, chó ngẩng mặt, chó cúi mặt... Khi tập phải đúng tư thế, hít vào thở ra chậm đều, phối hợp giữa tư thế và nhịp thở. Ngoài ra, người tập cần duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ.
“Đặc trưng của yoga là phải kiên trì và người tập phải không ngừng tự khám phá bản thân mình. Thành quả của việc tập luyện yoga không thể tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm và nhiều năm. Điều kỳ diệu của yoga chỉ đến với những ai kiên trì luyện tập và luyện tập đều đặn, đúng cách”, ông Bảo Ngọc cho biết.
Tùng Chi
Xem thêm video: Vừa lái xe vừa tập yoga