Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín, Hà Nội, cô giáo phạt học sinh quỳ gối tại trường THCS Tô Hiệu đã hết thời gian tạm đình chỉ và vừa đi làm trở lại.
Cô giáo Lê Thị Quy – Giáo viên chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu liên quan đến việc phạt học sinh quỳ gối. Ảnh: Vietnamnet |
Chia sẻ trên Infonet, sáng 20/5, ông Phạm Như Ý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín, Hà Nội cho hay: “Hiện đã hết thời gian tạm đình chỉ để phục vụ công tác điều tra đối với cô giáo Lê Thị Quy – Giáo viên chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu liên quan đến việc phạt học sinh quỳ. Sáng nay, giáo viên này đã đi làm trở lại”.
“Về hình thức kỷ luật cuối cùng đối với nữ giáo viên này thì hiện vẫn chưa có. Theo tôi nắm được, hiện UBND huyện Thường Tín đã có yêu cầu trường THCS Tô Hiệu tổ chức họp hội đồng để xem xét lại sự việc để đưa ra hình thức kỷ luật với cô Lê Thị Quy. Tuy nhiên, do nhà trường bận tổ chức tổng kết năm học nên chưa triển khai được.
Phía phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cũng đã gửi báo cáo lên Sở GD&ĐT Hà Nội để nắm sự việc về sự việc còn hình thức kỷ luật do UBND huyện chủ trì và tổ chức triển khai theo đúng phân cấp”, ông Phạm Như Ý cho hay.
Vụ việc cô giáo ở Hà Nội phạt quỳ học sinh nhưng một em không thực hiện vì cho rằng đó là sỉ nhục đã tạo ra làn sóng tranh luận gay gắt giữa giáo viên, phụ huynh và chuyên gia giáo dục.
Đa số giáo viên bày tỏ sự thất vọng, bất lực trước nghề nghiệp, khi ngày càng bị học trò coi nhẹ. Phụ huynh, gia đình can thiệp quá nhiều vào việc dạy dỗ học sinh. Hình phạt được coi là nhẹ nhất cũng bị phụ huynh và dư luận phản ứng khiến giáo viên cảm thấy mình bị tước hết công cụ giáo dục.
Ngược lại, các chuyên gia giáo dục, phụ huynh, đặc biệt là học sinh, lại cật lực phản đối phương pháp trừng phạt về thể xác, dù rằng việc bắt quỳ đã nhẹ nhàng hơn đòn roi.
Hình ảnh học sinh bị cô giáo Lê Thị Quy phạt quỳ gối được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Chứng kiến những tranh luận trên, chia sẻ trên Zing.vn, ông Lê Nguyên Phương, tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại ĐH Nam California, Mỹ (USC), người có 15 năm tư vấn tâm lý học đường cho nhiều lứa tuổi, cho biết ông rất quan tâm tới "cuộc chiến" của hai quan điểm giáo dục khác nhau.
"Bất cứ sự tiến bộ nào cũng bắt đầu bởi những mâu thuẫn giữa những cái cũ và cái mới, giữa cái nhân bản và phi nhân bản. Xem qua những tranh luận giữa hai bên về quỳ hay không quỳ, tôi thấy mâu thuẫn là tiền đề của sự chuyển hóa", TS Phương nêu quan điểm.
Ông gọi nôm na những người đồng ý với phạt quỳ là "phe thủ cựu" và ngược lại là "phe cấp tiến".
Theo TS Phương, lý luận của hai phe khi tranh cãi vẫn còn những hạn chế nhưng nếu các bên tranh luận để tìm ra vấn nạn và giải pháp thì đây là "cuộc chiến" tích cực, cần có.
Một số lý luận của phe “chọn quỳ” phạm lỗi ngụy biện, suy diễn nhiều, như “điều quan trọng là hiệu quả”, “thầy cô thương, muốn nên người nên mới hành động như vậy”, “không trừng phạt chuyện nhỏ, lớn lên nó sẽ hư hỏng, trộm cắp…”, “thầy cô chẳng dám đụng học sinh... và như ta thấy, học trò loạn lạc, đánh nhau, đánh cả thầy cô, ăn cắp, ăn trộm, cô hồn…”. Thậm chí, có người còn đưa ra khẩu hiệu "quỳ không chết, con hư mới chết".
"Nếu cứ 'cãi chày cãi cối' bởi những lập luận không hợp luân lý, phi logic thì khó có sự chuyến hóa hay tiến bộ. Nhưng nếu cả hai bên tranh luận để tìm ra vấn nạn và giải pháp cho bài toán kỷ luật trẻ, thay vì để thỏa mãn bản ngã và thành kiến của mình, tôi tin kết quả sẽ giúp cho việc giáo dục trẻ ở cả trường và nhà tốt hơn", ông Phương nhận định.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một học sinh quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh về vấn đề này. Ngay sau khi xuất hiện, bức ảnh đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Chị N.T.L (một phụ huynh có con bị cô giáo bắt quỳ) cho biết: “Quan điểm của tôi là không bao giờ bênh con, nếu con làm sai tôi sẵn sàng trừng phạt ngay. Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9B áp dụng hình phạt là bắt các cháu quỳ gối ngay tại lớp vì cháu nói chuyện riêng trong lớp”.
Thu Hằng (T/h)