Mới đây, vụ việc một cô gái ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phải nhập viện tâm thần vì mắc chứng trầm cảm do gặp phải áp lực từ phía bố mẹ mình đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận nước này.
Theo đó, sau khi tốt nghiệp đại học, cô gái này bị cha mẹ ép thi công chức. Họ cho rằng, chỉ có con đường thi công chức vào nhà nước làm mới có cuộc sống ổn định. Quá trình thi của cô gái kéo dài 5 năm nhưng vẫn không có kết quả khả quan.
Trong những năm đó, mỗi lần nhận được thông báo trượt công chức, cô gái đều bị bố mẹ chửi mắng thậm tệ. Mẹ cô cho rằng con gái không có cố gắng, không có ý chí tiến thủ nên phải gây áp lực sẽ giúp con có thêm động lực trong kỳ thi lần sau.
Nào ngờ, gần đây, khi nói chuyện với gia đình, cô gái trẻ không thể tập trung, hỏi một đằng trả lời một nẻo, thường xuyên tuyên bố mình là cục trưởng.
Cô gái nhảy múa trong hành lang bệnh viện tâm thần.
Lúc này nhận thấy con gái đã bị bệnh nghiêm trọng, gia đình đưa đi khám thì đau lòng khi biết cô đã mắc chứng tâm thần phân liệt do bị áp lực quá lớn từ những lần thi công chức thất bại.
Sau khi thông tin về sự việc được đăng tải, đa số mọi người đều chỉ trích cha mẹ cô gái, cho rằng chính những bậc làm cha làm mẹ này đã tự hại con của mình do kỳ vọng quá cao.
Một số bình luận đáng chú ý:
"Chính những lời nói của người mẹ là con dao 2 lưỡi giết chết cô gái";
"Câu chuyện này là bài học đắt giá dành cho các bậc phụ huynh trong việc ép tương lai của con theo mong muốn của bản thân";
"Cha mẹ nên tôn trọng quyết định của con, hãy cho con tự do thực hiện ước mơ của bản thân. Chỉ có chúng mới biết bản thân muốn gì và sức khỏe là thứ quan trọng hơn bất cứ điều gì khác";
"Chúng tôi không phải là phần tiếp theo của cha mẹ, không phải phần tiền truyện của con cái, cũng không phải câu chuyện bên lề của bạn bè, hãy để những người trẻ chúng tôi được sống theo nguyện vọng và khả năng của bản thân".
Thực tế, mong muốn con cái thành đạt là ước mơ chính đáng của bất kì bậc làm cha làm mẹ nào. Tuy nhiên, nhiều lúc đây lại chính là khởi nguồn của những quyết định cảm tính và áp đặt thiếu căn cứ.
Dưới đây là những sai lầm bố mẹ nên tránh nếu không muốn tương lai con cái phải chịu ảnh hưởng xấu:
1. Không coi trọng cảm xúc của trẻ
Đôi khi trẻ buồn bã, thất vọng vì những chuyện mà người lớn có thể coi là không quan trọng. Thay vì vỗ về, phụ huynh thường chỉ buông những câu đánh giá như: "Tệ thật", "Con trai thì không được khóc", hoặc yêu cầu "Nín đi", "Đừng cáu nữa".
Tuy nhiên, trẻ chỉ có thể trở thành người kiên cường trong tương lai nếu có thể hiểu và kiểm soát được cảm xúc hiện tại. Việc bị xem nhẹ cảm xúc từ bé khiến trẻ không biết cách chia sẻ cảm xúc khi lớn lên, thường kìm nén sự tức giận cho đến khi không chịu được nữa và bùng nổ.
2. Quá nuông chiều con cái
Mục tiêu của mọi ông bố bà mẹ là nuôi dạy con trở thành người có khả năng sống tự lập và tự đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với nhu cầu bản thân. Tuy nhiên sống trong hoàn cảnh quá dễ dàng và thuận lợi, khi lớn lên trẻ dễ thành người phụ thuộc.
3. Áp đặt con với những tiêu chuẩn quá cao
Trẻ luôn đặt niềm tin vào người lớn, đặc biệt là bố mẹ, do đó chúng cố gắng làm mọi thứ được bố mẹ chỉ bảo. Nếu không hoàn thành mục tiêu, trẻ bắt đầu cảm thấy mình thất bại, không xứng đáng được yêu thương.
Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ luôn tập trung thái quá vào sự thành công. Khi không thể hiện tốt nhất có thể, chúng cảm thấy không vui và chán nản.
4. Không trao quyền quyết định cho trẻ
Thực tế, mọi đứa trẻ đều có quyền đưa ra lựa chọn phù hợp với độ tuổi và dưới sự hỗ trợ của bố mẹ.
Nếu không có khả năng đưa ra quyết định, trẻ sẽ không thể giải quyết được vấn đề riêng và luôn cần đến sự giúp đỡ của người khác. Chúng sẽ không dễ dàng tìm được vị trí trong cuộc sống vì thậm chí còn không biết mình muốn gì.
5. Không thể hiện tình yêu với trẻ
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ cảm thấy bố mẹ không yêu mình? Lòng tự trọng của trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu và chúng cũng không yêu bản thân. Khi lớn lên, một số người cố gắng thay đổi bằng cách nhờ đến sự can thiệp dao kéo, bởi không tự tin và yêu quý vẻ đẹp của chính mình.
Nhóm khác sẽ cố gắng dồn hết tình yêu vào con cái, biến sự chăm sóc thành kiểm soát thái quá và cũng khiến con họ không hạnh phúc.
Linh Chi (T/h)