Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên nội chính thập niên 2000 (phần 9): Tôi gặp "ông trùm" A Lý

(DS&PL) -

Như vậy là gần 2 năm sau cuộc gặp A Lý, một cuộc gặp mặt khá “liều lĩnh”của một phóng viên điều tra như tôi,

Như vậy là gần 2 năm sau cuộc gặp A Lý, một cuộc gặp mặt khá “liều lĩnh”của một phóng viên điều tra như tôi, vì lúc đó gã giang hồ xứ Đài này đang tìm đường đào tẩu khỏi Việt Nam sau vụ nổ súng ở vũ trường Metropolis, tôi đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố. Việc một nhà báo tác nghiệp thuần tuý chuyên môn, đúng trách nhiệm, quyền hạn được pháp luật quy định song lại phải đối mặt với việc bị quy kết tội danh “không tố giác tội phạm” là một tình huống tố tụng dường như chưa có tiền lệ. Và tôi bỗng dưng bất đắc dĩ trở thành “nhân vật truyền thông”.

“Cuộc chiến” bắt đầu

Bằng kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong nghề phóng viên điều tra của mình, tôi đã đúc kết ra triết lý dành riêng cho công việc của tôi: Nên biết sợ những lời đe dọa, nếu muốn toàn mạng để tiếp tục hành nghề.

Vì thế, sau khi tiếp xúc với A Lý, trước khi gặp Nguyễn Mạnh Trung, tôi đã cố tình chọn anh N.C.T để báo cáo vụ việc, dù biết rất rõ anh không phụ trách mảng hình sự của Công an TP.HCM (anh T. là trưởng phòng PA25, phụ trách mảng An ninh –Văn hóa –Tư tưởng). Bằng cách đó, tôi có một lý do hợp pháp để không phải báo cáo vụ việc cho anh Nguyễn Mạnh Trung (Phó trưởng phòng CS điều tra kiêm phó thủ trưởng cơ quan CS điều tra) hay anh Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng CS Hình sự, đảm bảo an toàn cho chính mình khi mọi nghi vấn chưa được làm rõ. Hồi đó, tôi chỉ biết hai người này thân với nhau và lờ mờ linh cảm rằng, trong sự việc này, cần cẩn thận với họ. Mãi gần 2 năm sau, khi cả Nguyễn Mạnh Trung và Dương Minh Ngọc đều bị khởi tố trong vụ án Năm Cam và đồng bọn, tôi mới thấy lựa chọn của mình là tỉnh táo và sáng suốt.

Tạo những bằng chứng có lợi nhất trong khả năng, đề phòng từ xa những tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong tương lai, chuẩn bị trước, lường trước cho một sự đe dọa để đối phó hữu hiệu... chưa bao giờ là điều không cần thiết trong công tác điều tra báo chí.

Tôi đã lường trước sự đe dọa của Nguyễn Mạnh Trung từ khi nó chưa xảy ra, và chuẩn bị sẵn để đối phó khi lời đe dọa chưa hiện hữu.

Ngày hôm sau, báo Thanh Niên “quất” một bài to đùng do anh H.H.V. viết, với những lý lẽ đanh thép bảo vệ tôi. “Cuộc chiến” giữa báo Thanh Niên và cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM chính thức bắt đầu...

Dù báo Thanh Niên đã đăng bài, chuẩn bị “chiến đấu tới cùng”... tôi vẫn phải nhận giấy triệu tập gửi đến từ cơ quan Cảnh sát điều tra (theo luật định), triệu tập đến cơ quan này để cung cấp lời khai.

Đã mời được một vị luật sư già nhưng tận tụy (quen trong quá trình tác nghiệp), tôi đến cơ quan Cảnh sát điều tra cùng vị luật sư này vào đầu giờ chiều (theo giờ đã ghi trong giấy triệu tập).

Không thể không gặp Nguyễn Mạnh Trung, tôi xông lên phòng làm việc của anh ấy, vừa trình diện, vừa tỏ thái độ của mình: “Anh “uy tín” ghê há? Quyết định “chơi” thật luôn?”. Anh Nguyễn Mạnh Trung cười thoải mái, nói: “Chơi cái gì Phú ơi... Tại em gặp A Lý mà không báo cho cơ quan chức năng biết, trong quá trình điều tra sau khi bắt giữ băng nhóm này, chi tiết này cần phải được làm rõ. Nếu em phạm luật thì...”.

Vậy ra anh Nguyễn Mạnh Trung không biết tôi đã làm việc với anh N.C.T., báo cáo toàn bộ vụ việc. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Nguyễn Mạnh Trung là người trực tiếp chỉ đạo phá vụ án giết người xảy ra tại vũ trường Metropolis, lẽ ra phải “biết tất” chứ? Từ đó suy ra, một loạt “vấn đề” phát sinh và càng ngày càng lộ rõ, khẳng định những nghi vấn của tôi là có cơ sở: Nguyễn Mạnh Trung là người đang chỉ đạo điều tra tôi hay là kẻ đang bị ngấm ngầm điều tra?

“Nhân vật truyền thông” bất đắc dĩ

Vụ án Năm Cam đang hồi cao trào, hàng loạt quan chức trong lực lượng chức năng đang bị Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đưa vào “tầm ngắm”, có khả năng sẽ bị bắt giữ nay mai. Là người theo sát vụ án này từ lúc nó chưa nổ ra, tôi biết rất rõ mọi chi tiết, các nhân vật, ngóc ngách... liên quan đến vụ án. Và theo nhận định của riêng tôi, chưa chắc Nguyễn Mạnh Trung đã “thoát” khỏi vụ án này...

Tôi quyết định “chơi rắn” luôn, không nể nang gì nữa, mục đích là càng kéo dài thời gian càng tốt. Thời gian đang đứng về phía tôi, và biết đâu đó, chắc gì ai đã thắng ai?

Tôi xuống dưới nhà, gặp đội trưởng đội điều tra trọng án, tiến hành làm việc. Vị luật sư đi cùng tôi không được theo vào tham gia buổi cung cấp lời khai. Không sao, tôi đã có cách của mình.

Lấy lý do là không có luật sư cùng tham gia để làm người chứng, tôi móc chiếc máy ghi âm xịn ra, bật máy yêu cầu được ghi âm toàn bộ buổi làm việc giữa tôi và người đại diện cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM. Tất nhiên, tôi không được chấp thuận sử dụng máy ghi âm công khai. Tôi không đồng ý, đòi được làm việc với 2 tư cách song song: 1 là tư cách công dân đến cung cấp lời khai theo giấy triệu tập; 2 là tư cách nhà báo, người được tòa soạn phân công theo dõi trực tiếp vụ án này.

Trong tư cách công dân, tôi có thể không được sử dụng máy ghi âm công khai theo quy định của vị cán bộ hỏi cung (tôi không rõ lắm về quy định này); nhưng với tư cách nhà báo, tôi lại được phép sử dụng phương tiện tác nghiệp khi cần theo quy định của luật báo chí.

Tôi chưa bị tước thẻ hành nghề, có nghĩa là tôi vẫn là nhà báo trong giờ làm việc, trong vụ án tôi được phân công theo dõi, được phép tác nghiệp ở bất cứ đâu, giờ nào, ngày nào... miễn sao không vị phạm pháp luật hiện hành.

Còn với tư cách người bị triệu tập để cung cấp lời khai, tôi cũng chưa bị khởi tố, kết án, vẫn còn đầy đủ tư cách công dân, tôi có quyền hạn công dân của mình, có quyền từ chối, không tiếp tục làm việc khi thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo, đe dọa đến tính công bằng trong việc thực thi luật pháp...

“Tình cờ” làm sao, cùng một lúc có 1 thằng nhà báo chuyên điều tra và 1 công dân đang bị điều tra xuất hiện tại cơ quan chức năng, cùng làm việc, không thể tách rời. Thằng “công dân”, thì quyết “chiến đấu” đến cùng để đòi hỏi công bằng cho bản thân; còn thằng “nhà báo” thì luôn rình chộp cơ hội để phanh phui vụ việc, nếu có “vấn đề” trong quá trình điều tra...

Chúng tôi lặng lẽ tranh luận với nhau, cương quyết bảo vệ lập luận của mình, không to tiếng nhưng cũng không nhượng bộ.

Tôi và anh đội trưởng điều tra tra trọng án này chẳng xa lạ gì nhau, nếu không nói là đã từng thân thiết. Lúc bình thường, khi tôi đến cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM để săn tin, vẫn thường ghé chỗ anh ấy chơi, đàm đạo chuyện trên trời dưới đất, khi có án thì cùng nhau làm việc, bên cung cấp, bên đưa tin... Biết rõ tính tôi lì, bướng, anh đội trưởng cũng không vội ép làm gì, chúng tôi cùng “thống nhất” là sẽ hẹn nhau làm việc vào một ngày khác, theo giấy triệu tập mà cơ quan chức năng sẽ gửi sau.

Cứ “hẹn tới” là tôi khoái, càng hẹn nhiều lần càng tốt, thời gian giữa các cuộc hẹn càng dài càng... thích.

Tôi và vị luật sư già ra về trong ánh nắng chiều. Vị luật sư (vì rất thương tôi) ra sức phân tích, trấn an, hứa sẽ bảo vệ tôi đến cùng. Còn tôi, chẳng hiểu sao mà lại không thấy sợ, dù rằng ngày mai chưa biết sẽ ra sao... “Biết ra sao ngày sau...” ra sao thì ra, nếu tôi phải thua, phải chết, thì cũng phải sau khi tôi đã cố hết sức cái đã!

Một ngày mới lại đến, sau khi báo Thanh Niên đăng bài, hầu hết các báo trên cả nước đều nhận ra đây là một vụ án điển hình trong tác nghiệp báo chí, nếu không tham gia làm rõ, nó sẽ là “một bóng ma” rình rập cho đến mãi về sau, đối với bất kỳ tờ báo nào, bất kỳ phóng viên nào... Hàng chục tờ báo trên khắp cả nước đồng loạt nhập cuộc.

Và, tôi bất đắc dĩ trở thành “nhân vật truyền thông”...

(còn tiếp)

Hữu Phú

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (67)

Tin nổi bật