Trong những thành công của bóng đá Việt Nam ngày hôm nay, không thể không nhắc đến những người đứng sau thầm lặng cống hiến, trợ giúp cho thầy Park và các cầu thủ.
Trưởng đoàn mát tay Dương Vũ Lâm
Ông Dương Vũ Lâm không còn xa lạ gì với làng bóng Việt Nam. Vị Trưởng đại diện văn phòng VFF khu vực phía Nam nổi tiếng là người "mát tay" mỗi khi làm trưởng đoàn.
Sự mát tay của ông Lâm được nhiều người nhớ tới nhất, và cũng cảm ơn ông nhiều nhất, đó là chức vô địch AFF Cup đầu tiên của đội tuyển Việt Nam năm 2008. Hồi đó, ít ai nghĩ đội tuyển Việt Nam với sự khởi đầu cực vất vả, nhưng càng chơi càng hay và đặc biệt là may mắn luôn song hành. Thậm chí đến ngay trận cuối cùng của giải đấu (chung kết lượt về), may mắn vẫn đến với Công Vinh và các đồng đội.
Với vai trò của một trưởng đoàn, ông Dương Vũ Lâm đã mang tới một "vận may lịch sử" cho bóng đá Việt Nam. Có một sự trùng hợp rất đặc biệt, cứ khi nào ông Lâm làm trưởng đoàn là đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games. Vắng ông Lâm, đội nữ thường về nhì hoặc có thành tích không tốt.Sự may mắn ở ông Dương Vũ Lâm được nhắc tới nhiều ở các đội tuyển bóng đá nam. Còn nhớ, trong trận lượt đi vòng loại Asian Cup 2019 trên sân Campuchia của đội tuyển Việt Nam, dù đang làm nhiệm vụ tại giải Vô địch U18 Đông Nam Á ở Myanmar, cựu Trưởng ban trọng tài VFF phải tức tốc bay từ Yangon về TP.Hồ Chí Minh, rồi làm thủ tục bay sang Phnom Penh để làm trưởng đoàn tuyển Việt Nam. Trận đó đội tuyển Việt Nam thắng thật, thắng theo kiểu rất may mắn mà ai cũng phải thừa nhận.
Đỉnh cao vận son của ông Lâm là năm 2018. U23 Việt Nam chính là đội lĩnh ấn tiên phong tại giải U23 châu Á. Sự có mặt của ông Lâm ngay lập tức tạo thêm niềm tin cần thiết với các cầu thủ U23 Việt Nam. Và giải đấu đó bóng đá Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi vào tới chung kết.
Asiad 18 diễn ra tại Indonesia, vận son của ông Lâm giúp Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào tới bán kết. Và năm 2018 khép lại với chiếc cúp vô địch của đội tuyển Việt Nam - giải đấu mà ông Dương Vũ Lâm tiếp tục làm trưởng đoàn. Nói về những đóng góp của mình, ông Lâm khiêm tốn: “Tôi chỉ là người góp công nhỏ cho các đội tuyển. Thành công lớn nhất nằm ở tinh thần các cầu thủ. Nhờ họ, nhờ huấn luyện viên, nhờ sự đoàn kết mà đội tuyển mới có thể đạt được những thành tích ấn tượng”.
Phó trưởng phòng đội tuyển Đoàn Tuấn Anh
Tan trận đấu chừng hơn 30 phút khi các cầu thủ vẫn đang chụp hình lưu niệm, ăn mừng trên sân Mỹ Đình dưới cái rét 15-16 độ C, phó trưởng phòng đội tuyển Đoàn Anh Tuấn đã phải can thiệp “thôi anh em tạm thế đã, vào phòng thay đồ đi kẻo lạnh rồi bệnh giờ”.
Khi các cầu thủ rời sân, người đàn ông còn khá trẻ mặc áo khoác đội tuyển Việt Nam còn kiểm tra lại cabin huấn luyện của đội nhà để xem các cầu thủ có để quên đồ hay không mới trở vào trong.
Với nhiều người có thể lạ, nhưng dân trong nghề như các phóng viên thể thao, hay các cầu thủ người đàn ông ấy lại chẳng lạ gì khi được coi như cánh tay nối dài mà ông Park tin tưởng, “sếp tổng hậu cần” của tuyển Việt Nam mỗi khi đi thi đấu xa nhà.
Khó có thể kể hết công việc mà cựu trợ lý ngôn ngữ của HLV trưởng tuyển nữ quốc gia Trần Vân Phát làm mỗi khi các đội tuyển Việt Nam đi đá giải, và đặc biệt ở AFF Cup 2018 lần này với đoàn quân của HLV Park Hang Seo
Thông thạo cả tiếng Anh lẫn Hoa, dù được coi như “manager” của đội nhưng công việc thường xuyên mà sếp lớn nhất phòng đội tuyển vẫn phải làm là thông dịch cho các cầu thủ sau mỗi trận đấu, hoặc xuống tận bếp ăn yêu cầu các món phù hợp cho đội nhà, rồi cả việc ôm cả 30 cuốn hộ chiếu ra sân bay sớm để làm thủ tục... đều đến tay cả.
Không chỉ làm công việc “lặt vặt nhưng cả ngày không hết” ấy, mỗi trận đấu phó trưởng phòng Đoàn Anh Tuấn cũng kiêm thêm nhiệm vụ như trợ lý ngôn ngữ thứ 2 cho HLV Park Hang Seo khi diễn biến trên sân nhanh cần truyền thêm thông tin từ BHL...
Trợ lý Lee Young-jin
Thành công của HLV Park Hang-seo tại Việt Nam có đóng góp không nhỏ của người trợ lý Lee Young-jin. Vị trợ lý Lee Young-jin của ông Park lại rất thông minh và điềm đạm. Cựu thành viên tuyển Hàn Quốc luôn giữ được cái đầu lạnh trong cách cư xử. Ngoài ra, bản thân còn thấu hiểu và biết HLV Park Hang-seo muốn, cũng như không thích điều gì.
Còn nhớ ở trận gặp tuyển Malaysia tại vòng bảng AFF Cup 2018, trợ lý Lee Young-jin chủ động kéo tay, đẩy thầy Park về cabin huấn luyện để tránh thẻ phạt từ trọng tài. Trước đó, thuyền trưởng tuyển Việt Nam có những phản ứng quyết liệt về cách điều hành của trọng tài chính Turki Al-Khudayr.
Ông Lee Young-jin trước khi làm trợ lý cho HLV Park Hang-seo từng có 51 lần khoác áo tuyển Hàn Quốc. Nhờ kinh nghiệm dày dặn, cựu tiền vệ này rất hiểu tâm lý cầu thủ. Ngoài ra, ông cũng sở hữu chuyên môn tốt nhờ huấn luyện các đội Daegu FC, Cheongju University và làm trợ lý cho FC Seoul.
Trợ lý Bae Ji-won
Quan trọng không kém trợ lý chuyên môn Lee Young-jin là chuyên gia trợ lý thể lực Bae Ji-won. Ông được ví là “trái tim” của thầy Park, luôn mang đến những điều mới mẻ cho các tuyển thủ.
Trợ lý HLV Lư Đình Tuấn đánh giá về đồng nghiệp người Hàn Quốc: "Các bài tập phản xạ, cách thức di chuyển hình khối, cách áp sát và đá pressing của tuyển Việt Nam đều được chuyên gia thể lực Bae Ji-won rèn rất kỹ lưỡng. Việc di chuyển đúng bài, hình thành thói quen giữ cự ly đội hình sát nhau giúp cho các cầu thủ ít mất sức hơn, duy trì được nền tảng thể lực bền hơn các đối thủ. Không ngạc nhiên khi nói Bae chính là trái tim của đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang-seo".
Sau chức vô địch AFF Cup 2018, trợ lý thể lực Bae Ji-won của ông Park Hang-seo đã nói lời chia tay “Những ngôi sao vàng”, biệt danh tuyển Việt Nam, vì nhiều lí do riêng. Ông Bae ra đi, trợ lý Lee Young-jin trở thành người Hàn Quốc duy nhất còn lại hỗ trợ cho thầy Park.
“Thần y” Choi Ju-young
Bác sĩ Choi Ju-young là cái tên khá quen thuộc với các thành viên đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Ông từng điều trị chấn thương cho tiền vệ Tuấn Anh của HAGL và từng sang Việt Nam để hỗ trợ cho Đình Trọng, Xuân Mạnh, Hồng Duy trong thời gian đội Olympic tập trung chuẩn bị cho ASIAD 2018. Ở AFF Cup 2018, ông chính là người giúp sức cho các bác sĩ Việt Nam chăm sóc y tế, hồi phục sức khỏe cho đội tuyển.
Không đồng hành xuyên suốt giải đấu cùng tuyển Việt Nam nhưng mỗi khi bác sĩ Choi - người từng chữa trị chấn thương cho rất nhiều ngôi sao thể thao Hàn Quốc, trong đó có "người không phổi" Park Ji-sung - xuất hiện là giới truyền thông cảm nhận được sự lạc quan từ HLV Park Hang-seo và niềm tin từ các tuyển thủ. Chính các đồng nghiệp của bác sĩ Choi ở đội tuyển Việt Nam cũng học hỏi được nhiều điều để áp dụng cho công việc giữ cho đôi chân rắn chắc của các tuyển thủ.
Ở tuyển Việt Nam không chỉ có ông Dương Vũ Lâm, Đoàn Tuấn Anh, Lee Young-jin, Bae Ji Won, Choi Ju-young mà những cái tên khác như Lư Đình Tuấn, Lưu Danh Minh, Nguyễn Đức Cảnh, trợ lý ngôn ngữ Phan Duy Tuấn, Chung Kyu Jin đến bác sỹ Trần Anh Tuấn, Tuấn Nguyên Giáp, săn sóc viên Đinh Kim Tuấn hay cán bộ truyền thông Hà Nhật Đoàn đều là người đã góp vào chiến công rất lớn cho tuyển Việt Nam ngày hôm nay.
Những con người này khác tính cách, công việc nhưng ở đội đã trở thành một gia đình thực sự và làm việc vì cái chung để tạo ra một hậu phương vững chắc giúp HLV Park Hang Seo và tuyển Việt Nam bay cao ở các giải đấu lớn nhỏ trong khu vực và trên cả thế giới.
Thu Hằng (T/h)