Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch Intracom Nguyễn Thanh Việt: "Chưa bao giờ tôi nghĩ mình phải trở thành triệu phú hay tỷ phú"

(DS&PL) -

Không quá ồn ào và có phần kín tiếng, từ bỏ vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp Nhà nước để lập nghiệp ở tuổi gần tứ tuần và nỗi niềm trăn trở về công cuộc khởi nghiệp của nước nhà, doanh nhân tuổi Mão Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Intracom luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng “làm được những việc mà xã hội thiếu, con người cần và hướng tới phát triển bền vững”.

“Cuộc đời có bao nhiêu mà âu sầu…”

Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL): Theo tử vi, người đàn ông tuổi Quý Mão (1963) là những người thông minh, tinh tế và đặc biệt là có tài ăn nói nên rất được mọi người yêu quý. Ông có nghĩ rằng tài ăn nói và sự tinh tế của tuổi Mão đã góp phần giúp ông thành công trong công việc cũng như sự nghiệp hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tôi nghĩ rằng tử vi khen như vậy là để động viên tất cả mọi người thôi, tuổi nào thì cũng sẽ có người nói hay, có người hóm hỉnh chứ không chỉ riêng tuổi Mão. Còn về phía bản thân thì tôi luôn tâm niệm, cuộc đời này có bao nhiêu mà âu sầu, mình cứ phải vui vẻ trong mọi tình huống. Niềm vui giúp chúng ta cân bằng, hài hoà trong cuộc sống. Kể cả trong một tập thể, nếu mình vui vẻ thì mọi người cũng sẽ tiếp cận được năng lượng tích cực của mình, như vậy sẽ làm tập thể tốt lên.

ĐS&PL: Khi tham gia vào Shark Tank Việt Nam, ông nhận được sự yêu thích của rất nhiều bạn trẻ vì dù “có tuổi, có tiền, có tài” nhưng lại vô cùng thân thiện và dễ gần. Khi làm việc với cộng sự, ông có “dễ thương, dễ gần” như vậy hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Bản thân tôi là một người tích cực và thích những sự vui vẻ. Có những hôm khi đang mắng nhân viên tôi vẫn có thể dùng giọng điệu vui vẻ được. Cách nói của mình sẽ động viên mọi người, giúp người ta nhìn thấy cái khuyết điểm nhưng người ta cũng tìm thấy cái lối ra cho chính bản thân mình để làm việc nếu người ta còn muốn cố gắng. Còn nếu như khi nhân viên làm tốt thì một lời động viên sẽ đáng quý hơn là một người sếp im lặng không biết động viên và công nhận thành quả của nhân viên.

Ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracom.

ĐS&PL: Cái vui rõ ràng là ai cũng thừa nhận, nhưng ông vừa nói là vui trong mọi thứ kể cả lúc không thuận. Vậy làm sao để mình có thể giữ được tinh thần tích cực trong lúc khó khăn, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Lúc căng thẳng hay lúc mọi việc không được như mình mong muốn tôi thường nghĩ thế này: Cái khó khăn này đôi lúc là do chính bản thân mình, đây là câu chuyện tiên trách kỷ - hậu trách nhân. Mình là người lãnh đạo mình phải nhìn thấy trước công việc, thấy trước khó khăn. Nếu khó khăn ấy mình chưa nhìn thấy trước thì lỗi không phải do nhân viên mà lỗi là do người đứng đầu, người lãnh đạo. Tôi chỉ không hài lòng trong trường hợp mình đã nhắc nhở trước với nhân viên về vấn đề đó rồi mà họ vẫn vấp phải thì tôi sẽ nghiêm khắc phê bình.

Lập sự nghiệp riêng ở tuổi gần tứ tuần

ĐS&PL: Nói sâu hơn về vấn đề kinh doanh, điều gì khiến một người đang có công việc ổn định, nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại một doanh nghiệp Nhà nước lại lựa chọn lập công ty riêng rồi trở thành doanh nhân?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Thực ra thì tôi phát hiện bản thân phù hợp với môi trường kinh doanh hơn nên tôi mới cương quyết đi theo con đường này. Một vấn đề nữa là tôi không quan niệm việc kinh doanh thì bấp bênh hơn làm Nhà nước hoặc làm Nhà nước thì ổn định hơn. Theo tôi bất cứ một vị trí nào thì cũng có cái khó khăn riêng và nếu chủ quan thì ta đều có thể thất bại. Dù mình tính đúng, tính đủ rồi nhưng rủi ro vẫn luôn ở đâu đó chờ mình. Do đó, đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gặp thuận lợi mà phải nghĩ rằng là khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào mà ta không thể lường trước.

ĐS&PL: Thường người ta lựa chọn khởi nghiệp ở độ tuổi khoảng 20-30, nhưng ông lại bắt đầu tạo lập sự nghiệp riêng của mình khi đã gần tuổi tứ tuần. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Thực ra thì tôi nghĩ từ 18 tuổi đến 81 tuổi đều có thể khởi nghiệp được, không có quy định nào bắt buộc chỉ người trẻ mới có thể khởi nghiệp. Ở tuổi 40, tôi nghĩ mình đã tích luỹ được đủ kinh nghiệm, các mối quan hệ xã hội, có sự hiểu biết về cuộc sống thì quá trình khởi nghiệp sẽ càng có nhiều ưu thế hơn người khác.

Doanh nhân đích thực không đặt nặng chuyện tiền nong

ĐS&PL: Ông từng nhiều lần chia sẻ trên truyền thông về mong muốn được giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp. Tại sao ông lại trăn trở về người trẻ nhiều như vậy?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Việt Nam mình đang trong giai đoạn trẻ hóa và chính sách của Nhà nước chính là muốn Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Do đó tôi quyết định tham gia vào Shark Tank Việt Nam với mong muốn sẽ tìm được cộng đồng các bạn khởi nghiệp có trí tuệ, có nhiệt huyết để mình có thể hỗ trợ được họ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp làm sao để tránh được nhiều rủi ro nhất.

Để phát triển thành doanh nghiệp lớn, nhiều người cứ nói là phải động viên để họ xông lên, nhưng tôi lại nghĩ trước khi xông lên phải nhìn nhận lại xem ở dưới đất chúng ta là gì. Đã bắt đầu phải nghĩ đến thất bại. Chỉ khi mình nhìn rõ vị trí của bản thân thì mới có nghị lực để vượt qua tất cả các khó khăn, cũng như có nghị lực để làm những việc lớn hơn, thậm chí giúp cho doanh nghiệp bùng nổ và lớn mạnh.

ĐS&PL: Tiêu chí nào của start-up sẽ khiến ông sẵn sàng rót vốn? Và khi quyết định xuống tiền, ông có bao giờ nghĩ đến việc startup đó sẽ thất bại và khiến ông “mất trắng” tiền đầu tư hay không?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tiêu chí của tôi là doanh nghiệp của start-up phải làm được những việc mà xã hội thiếu, con người cần và hướng tới phát triển bền vững.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đó phải là một hệ sinh thái có trách nhiệm với Trái đất, có trách nhiệm với xã hội và không được đặt vấn đề làm để kiếm nhiều tiền lên hàng đầu. Hơn nữa là nếu họ hướng tới mục tiêu làm cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng thì mình sẽ vô cùng ủng hộ. Lợi nhuận “khủng” mà lại không hướng đến cộng đồng, không hướng đến đất nước Việt Nam, không hướng đến việc kinh doanh xanh thì chắc là tôi sẽ không đầu tư. Bởi nếu đã gọi là doanh nhân thì không đặt nặng chuyện tiền nong.

ĐS&PL: Suy cho cùng ông cũng là doanh nhân và Shark Tank cũng là một dạng đầu tư, dù ít hay nhiều. Mà đã đầu tư lại không nói đến chuyện lợi nhuận thì quả thực khó tin?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Doanh thu, lợi nhuận với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm. Nhưng nếu đặt nặng về chuyện tiền nong thì không phải là doanh nhân đích thực, bởi vì doanh nhân người ta làm chủ yếu là vì đam mê. Còn trên con đường đam mê ấy phải có thành quả, cũng như mình đi học thì phải có thi, học mà không thi thì học làm gì, mà đã thi thì phải ra kết quả. Nói vậy để thấy hiệu quả doanh nghiệp chính là thước đo trình độ quản lý của doanh nhân. Còn nếu mà anh nói “tôi chỉ cần tiền thôi, tôi chỉ làm vì tiền thôi” thì phải xem lại, đấy anh chỉ là máy in tiền.

Ông Nguyễn Thanh Việt gói bánh chưng cùng cháu nội.

“Tôi chỉ là hạt cát trong đại dương của nghề kinh doanh”

ĐS&PL: Trở thành Chủ tịch một tập đoàn đa ngành với hàng nghìn công nhân viên, có khối gia sản đồ sộ, danh tiếng và độ phủ sóng sâu rộng. Ông nghĩ làm doanh nhân đã đem đến và lấy đi của mình điều gì?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Được mất của con người thì khó mà nói ra được. Mục tiêu của tôi như đã nói không phải là tiền, không phải là doanh số, không phải là những dự án làm được. Mà quan trọng là tôi cống hiến được cái gì cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước thì tôi cố gắng làm hết sức và trong tất cả những cái cống hiến đấy nó có phần của tôi là vui rồi. Tôi chỉ là hạt cát trong đại dương của nghề kinh doanh thôi nên tôi không cân đo đong đếm xem mình được gì và mất gì vì mục tiêu của tôi hơi khác với mọi người.

ĐS&PL: Ở thời điểm hiện tại, ông tự đánh giá bản thân đã là một người thành công hay chưa?

Ông Nguyễn Thanh Việt: Tôi chưa bao giờ coi mình là cá nhân thành công mà chỉ coi mình là doanh nhân ở đoạn đầu của thành công thôi. Những lĩnh vực mà xã hội thiếu, con người cần thì mình đầu tư. Dù biết những lĩnh vực ấy không hề dễ và góc nhìn của xã hội nhiều lúc cũng không thực sự mở mà có phần hơi khắt khe, nhưng mà tôi luôn tâm niệm “xã hội đang cần, ông là doanh nhân thì ông phải làm”.

Chưa bao giờ tôi nghĩ trong đầu là mình phải trở thành triệu phú hay tỷ phú USD, thậm chí là triệu phú tỷ phú tiền Việt. Tôi chỉ biết là mình cứ làm việc mình mong muốn, theo đuổi những giá trị mình luôn trân trọng, tôi xác định mình hạt cát thì chỉ nằm một góc đóng góp âm thầm cho cộng đồng.

Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

Tin nổi bật