Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ thầu xây dựng ôm nợ vì vay nặng lãi ứng lương cho công nhân

(DS&PL) -

Sau mấy tháng tạm ngưng công trình vì dịch Covid-19, anh Đỗ Mạnh Hào (Bắc Ninh) loay hoay với khoản nợ hàng trăm triệu đồng đã vay lãi cao để ứng lương cho công nhân.

Ôm nợ vì ứng lương cho công nhân

Gần 1 tháng nay, anh Đỗ Mạnh Hào (Bắc Ninh), hiện sống tại một chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đi vay chạy khắp nơi từ người thân cho tới bạn bè, nhưng “cửa” nào anh “gõ” cũng đều đóng lại với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ai cũng khó khăn. “Tôi nhận công trình tiền tỷ, trả lương cho anh em công nhân hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, chẳng nghĩ đến lúc bản thân lại kiệt quệ, rồi phải vay lãi cao như thế này. Nghe nhiều người dính vào tín dụng đen, tôi đã từng nghĩ họ quá ngu muội, nhưng đến khi mình vướng vào mới thấy cuộc đời không ai biết trước được chữ ngờ”, anh Hào cho biết.

Anh Hào là chủ thầu, quản lý một công ty xây dựng. May mắn có bố mẹ truyền nghề, bản thân lại quen biết rộng nên công việc của anh đều đều, công trình cứ nối tiếp nhau.

Anh Hào trong một lần đi xuống công trình khảo sát (Ảnh NVCC).

Có những thời điểm công ty anh Hào nhận thầu cả chục công trình khắp các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Anh chia nhân công theo công trình, có đủ kíp làm từ thợ xây, thợ nề, thợ vôi, thợ hồ… khép kín và cuốn chiếu. Mọi việc đã vận hành trơn tru được 7 năm nay.

Thế nhưng khi dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội bùng phát lần thứ tư khiến công việc ngưng trệ, công ty “nằm im bất động” suốt nhiều tháng liền. 

Ban đầu, anh Hào cũng lạc quan, tin tưởng dịch sẽ qua nhanh như các đợt bùng phát trước. Nhưng một tháng, hai tháng rồi cả nửa năm qua, công ty của anh Hào không thể hoàn thành được một công trình nào, chưa kể các công trình đã ký hợp đồng với gia chủ nhưng chưa kịp khởi công.

Cũng bởi lạc quan, lại thương công nhân vất vả, khó khăn thời buổi dịch bệnh, anh Hào đã xoay tiền để tạm ứng lương cho mọi người yên tâm lo cuộc sống. Trong khi công nhân về quê tránh dịch, thì anh ôm một đống nợ nần, lại vẫn phải thuê người trông nom vật tư đã lỡ nhập về. Nhiều công trình bị bỏ lâu không xây dựng tiếp, gia chủ đòi hủy hợp đồng để thuê thợ khác. 

Khi quá bí bách về chuyện tiền nong, được sự dẫn mối của một người bạn, anh Hào đã tìm đến địa chỉ vay nóng lãi suất cao. Ban đầu anh dự định chỉ vay tạm ít ngày, nhưng sau đó không ngờ “gánh” lãi mẹ đẻ lãi con. Khi không trả đúng hạn, anh Hào bị chủ nợ gọi điện khủng bố, đe dọa sẽ làm phiền người thân.

Đường cùng mà làm liều!

“Công việc của tôi vốn liếng không phải ít, tiền tỷ còn xoay được nữa là tiền trăm. Nhưng chẳng may gặp lúc dịch bệnh, không có công trình hoàn thiện nên không thể quyết toán mới khốn khổ như vậy. Bao năm qua, dù cũng có lúc vay chỗ nọ trả chỗ kia nhưng chưa bao giờ tôi dính vào tín dụng đen. Đường cùng mới phải làm liều như thế”, anh Hào ân hận nói.

Dịch bệnh khiến nhiều công trình do anh Hào làm cai thầu bị đình trệ (Ảnh NVCC).

Vì không muốn gia đình biết, anh Hào tự xoay xở một mình nên mọi việc càng rối hơn. Chỉ đến khi người bạn dẫn mối cho anh Hào vay nóng đến nhà chơi, hỏi han chuyện trả nợ, vợ anh mới ngã ngửa. Cũng may chị là người hiểu chuyện nên bàn bạc cùng anh thu xếp trả nợ dần.

Hiện tại, do không gánh nổi chi phí thuê mặt bằng công ty, anh Hào phải dọn dẹp căn chung cư 3 phòng ngủ để nhường 1 phòng làm chỗ đặt văn phòng. Công nhân thì vẫn mỗi người một quê, nhiều người điện cho anh là không quay lại Hà Nội làm việc nữa và họ cũng trình bày hoàn cảnh khó khăn nên không thể hoàn lại tiền đã ứng cho anh được.

Anh Hào ngậm ngùi, bởi khi ứng lương cho công nhân anh nghĩ khi họ đi làm sẽ trừ lương cuối tháng, chứ không có giấy tờ, cam kết gì. Mỗi người ứng hai tháng lương, ít nhất là 10 triệu đồng, nhiều thì 18-20 triệu đồng, số tiền ấy anh Hào đã coi như khoản bồi thường cho một công trình bị lỗi.

Hiện tại, anh Hào chỉ mong dịch bệnh sớm qua nhanh để công việc được vận hành trở lại. Và điều anh lo nhất là không kiếm đâu ra nhân công để xử lý nốt những công trình còn dang dở. Vì càng bỏ lâu thì chi phí cho công trình sẽ càng tăng lên. Hơn nữa, uy tín của anh và cả công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Vay tín dụng đen đúng là cơn ác mộng. Nếu tôi bàn sớm với vợ, đi thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng hoặc một đơn vị tín dụng được cấp phép để lo trang trải thì đã không phải sống trong sợ hãi. Tôi nghĩ đây là một bài học và sẽ không bao giờ lặp lại lần hai. Tiền có thể mất sẽ kiếm lại được nhưng hãy giữ cho cái đầu được thảnh thời, tâm an yên mới làm được việc”, anh Hào tâm sự.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nhật Hạ

Tin nổi bật