Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chọn SGK ở Phú Thọ: Sở chọn một đằng, giáo viên chọn một nẻo?

(DS&PL) -

Dù Sở khẳng định, tỉ lệ chọn sách Kết nối tri thức với cuộc sống năm nay “gần như tuyệt đối”, rất nhiều giáo viên vẫn khát khao dạy Cánh Diều.

Trong khi Sở khẳng định, tỉ lệ chọn sách Kết nối tri thức với cuộc sống năm nay “gần như tuyệt đối”, rất nhiều giáo viên vẫn khát khao dạy Cánh Diều.

Tỉ lệ 97-98% nhưng nhiều giáo viên vẫn tha thiết dạy sách khác

Trong công văn gửi các sở GD&ĐT về lựa chọn, phê duyệt sách giáo khoa cho năm học 2021-2022, bộ GD&ĐT yêu cầu để đảm bảo tiến độ, các địa phương phải chọn xong sách trước ngày khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng, có nghĩa việc này phải kết thúc trước ngày 5/4.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn những địa phương còn chưa thống nhất xong bộ sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Tại Phú Thọ, nhiều cơ sở giáo dục đã hoàn thành đề xuất những bộ sách mong muốn được lựa chọn trong năm học mới, song, vẫn không ít giáo viên hồi hộp chờ bộ sách được phê duyệt.

Bộ SGK Cánh Diều được giới thiệu chiều ngày 17/12.

Hiện tại, theo thông tin từ phía sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, tỉ lệ chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống rất cao (97- 98%). Trong khi đó, có không ít giáo viên tiểu học trong năm học 2020-2021 đã trực tiếp dạy lớp 1, hiện vẫn đang mong mỏi được tiếp tục giảng dạy với bộ sách Cánh Diều.

Trao đổi với phóng viên ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Năm 2020-2021: Phú Thọ chọn 2 bộ sách cho 8 môn: 4 môn bộ sách Cánh Diều và 4 môn thuộc bộ Cùng học để phát triển năng lực của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (tỉ lệ 50:50).

Năm học này, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đang tiến hành thực hiện các quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 cho năm học 2021-2022. Quy trình thực hiện theo Thông tư 25. Việc đề xuất lựa chọn cũng được bắt đầu từ các cơ sở giáo dục. Tức là, giáo viên sẽ được nghiên cứu các bản mẫu sách giáo khoa, thảo luận trong các giáo viên, tổ chuyên môn rồi đến nhà trường. Sau khi nhà trường tổng hợp đề xuất lên Phòng, Phòng đề xuất lên Sở, Sở sẽ tham mưu đối với hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh. Trên cơ sở đề xuất, hội đồng sẽ xem xét và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.

Quan điểm tôn trọng chuyên môn, tức là trên tinh thần, các cô giáo là những người trực tiếp giảng dạy, sẽ hiểu được một cách đầy đủ nhất về việc lựa chọn sách giáo khoa. Và việc lựa chọn sách giáo khoa này phải dựa trên cơ sở, theo đúng quy định, đúng nguyên tắc và đúng quy trình”.

“Chúng tôi căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện tổ chức dạy học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh đã có các tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn (4 tiêu chuẩn, 12 tiêu chí, chấm điểm từng tiêu chí trên thang điểm 100, các giáo viên căn cứ để chấm điểm, đánh giá). Tất cả các tiêu chí này có mức độ khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung” - bà Huyền thông tin thêm.

Sau một kỳ học, vị Phó Giám đốc Sở đánh giá, về cơ bản, học sinh Phú Thọ đã đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Tuy nhiên, theo bà, căn cứ vào nghiên cứu các bản mẫu sách giáo khoa, lựa chọn của giáo viên chủ yếu vào bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: “Tỉ lệ rất cao (khoảng 97- 98%), các bộ sách khác chỉ chiếm vài phần trăm tùy từng môn. Hội đồng xem xét sẽ sắp xếp từ bộ sách có tỉ lệ lựa chọn cao”.

Phó Giám đốc sở GD&ĐT cũng lý giải thêm, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều nội dung phù hợp với Phú Thọ hơn, bộ Chân trời sáng tạo có nhiều nội dung phù hợp với các tỉnh phía Nam hơn, còn bộ sách Cánh Diều cũng có những ưu điểm nhưng đưa vào triển khai có những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về những điểm chưa phù hợp ở bộ sách không được chọn, vị này cho hay: “Cần có ví dụ thì về cơ sở”.

“Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn Cánh Diều”

Đó là lời khẳng định của không ít giáo viên đã và đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh lớp 1 với sách giáo khoa Cánh Diều, khi chúng tôi “về cơ sở” để nắm rõ hơn việc lựa chọn sách giáo khoa như bày tỏ của bà Huyền.

Là người đã có 6 năm liên tục dạy lớp 1, năm học vừa qua, cô giáo Điêu Thị Thanh Phương (giáo viên trường tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn) được nhà trường phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 1 với 23/35 học sinh là người dân tộc Mường (chiếm 65,7%) cũng có nhiều chia sẻ liên quan đến bộ sách Cánh Diều.

Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉ lệ chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 2 năm nay khoảng 97-98%.

“Sau một học kỳ thực hiện cách tổ chức lớp học, phương pháp dạy học và cách đánh giá mới, các em học sinh đã rất hào hứng, tích cực tham gia học tập dưới sự hướng dẫn của cô. Sự phân bổ thời lượng đối với các bài học rất hợp lý. Đến nay, nhiều học sinh đọc lưu loát, viết chữ đẹp, tham gia các sân chơi trí tuệ như Trạng nguyên Tiếng Việt, giải toán trên Internet được giải cao.

Năm nay, các cơ sở giáo dục không được trực tiếp lựa chọn, nhưng vừa qua, sau khi tiếp cận với các bản mẫu sách giáo khoa, tôi cũng như nhiều giáo viên trong trường vẫn rất tâm đắc với bộ sách Cánh Diều, tỉ lệ chọn bộ sách này so với bộ Chân trời sáng tạo trong nhà trường là gần 50:50”, cô Phương cho hay.

Không giấu nổi mong mỏi với bộ sách này, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thuận (giáo viên trường tiểu học Phù Lỗ, huyện Phù Ninh) cũng bày tỏ: “Sau một năm thực dạy tại nhà trường, tôi rất hài lòng với bộ sách Cánh Diều mà chúng tôi đã lựa chọn để giảng dạy cho học sinh”.

Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy lớp 1 nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa (trường tiểu học Phù Lỗ) nhấn mạnh: “Qua nhiều năm giảng dạy lớp 1 cũng như tiếp xúc với nhiều bộ sách, tôi nhận thấy, bộ sách Cánh Diều mà năm học vừa qua nhà trường đã lựa chọn rất phù hợp với học sinh, cũng như phù hợp với nhà trường và địa phương. Để lựa chọn lại bộ sách tốt cho học sinh, tôi vẫn sẽ tin tưởng Cánh Diều”.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Hiền (Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Lỗ) khẳng định: “Trong năm học 2020-2021, mỗi cơ sở giáo dục được tự lựa chọn sách giáo khoa, sau khi giáo viên và các tổ chuyên môn nghiên cứu và đề xuất, nhà trường đã chọn 2 bộ sách, trong đó có 4 môn thuộc bộ Cánh Diều và 4 môn thuộc bộ Cùng học để phát triển năng lực. Đến nay cũng gần hết năm học, tôi đánh giá những bộ sách này rất phù hợp, học sinh tiếp thu được kiến thức mà giáo viên cũng linh hoạt trong giảng dạy”.

So sánh với những năm học trước, vị Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Những năm trước, nhà trường cũng còn những học sinh “lưu ban”. Cụ thể, mấy năm trước, hầu như là hết năm học, lớp 1 vẫn còn học sinh phải thi lại 2-3 lần, thậm chí phải luyện tập lại trong hè. Nhưng đến thời điểm này, các cô giáo khẳng định rằng, học sinh đều đọc viết tốt, khả thi là năm nay không có học sinh phải học lại, thi lại”.

Triển khai hiệu quả nhưng chọn sách mới vì muốn trải nghiệm?

Tại trường tiểu học Tiên Du (huyện Phù Ninh, Phú Thọ), chúng tôi tìm hiểu được, năm học 2020-2021, nhà trường đã lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 của bộ Cánh Diều. Tuy nhiên, năm nay, nhà trường đã đề xuất lên phòng GD&ĐT lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Mặc dù, Hiệu trưởng trường tiểu học Tiên Du đã khẳng định, trong quá trình thực hiện chương trình mới với bộ sách Cánh Diều trong suốt gần một năm qua, nhà trường có những thuận lợi nhất định (học sinh đọc rất tốt), nhưng trong biên bản đề xuất năm nay, lại không hề có sự xuất hiện của sách này.

Ban đầu, điều này được Hiệu trưởng lý giải: “Có một số nội dung mà chúng tôi muốn tham gia trải nghiệm. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nên muốn có nội dung lựa chọn để trải nghiệm, để có độ so sánh”.

Sau đó, khi phóng viên hỏi thêm thì vị Hiệu trưởng này tiếp tục phân trần: “Sau khi nghiên cứu 3 bộ sách, thì các thầy cô đánh giá đặc thù lớp 2 thiên về bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hơn, chứ không phải chỉ là muốn trải nghiệm”.

Câu trả lời của bà Hiệu trưởng khiến phóng viên không khỏi giật mình, bởi lẽ, dù ít hay nhiều, việc thay đổi lựa chọn bộ sách giáo khoa cho học sinh đang được dựa trên sự “muốn trải nghiệm” của người lớn. Thông thường, một bộ sách vốn đã làm tốt vai trò, mang đến hiệu quả tích cực nhất định, thì đáng lẽ, chẳng có lý do gì, các giáo viên lại phải tìm đến một bộ sách mới chỉ để “mạo hiểm”, thử sức. Chưa kể, sự trải nghiệm ấy có khi lại không mang đến chất lượng như bộ sách trước đó. Làm giáo dục, trước tiên phải nghĩ đến lợi ích của học sinh, nếu đã hiệu quả thì tại sao không duy trì ổn định?

Quan điểm chọn sách cho giáo viên “trải nghiệm” của Hiệu trưởng trường tiểu học Tiên Du cũng thống nhất với quan điểm của bà Huyền (Phó Giám đốc sở GD&ĐT Phú Thọ). Lãnh đạo Sở muốn giáo viên “trải nghiệm” tiếp các bộ sách giáo khoa mới trong khi đã nhận thấy tính “ưu việt” của bộ sách giáo khoa đã được nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy ủng hộ nhất - chẳng lẽ lại muốn học sinh của mình là vật thí nghiệm?

Cũng theo vị Hiệu trưởng trường tiểu học Tiên Du, năm nay, các ý kiến về bộ sách Cánh Diều của giáo viên trong trường có tỉ lệ chọn khoảng 20%, tuy nhiên, có một số phần của sách mà khi so sánh với bộ sách kia về kênh hình, kênh chữ từ độ nét đến nội dung đều không bằng. Điều này dường như mâu thuẫn với lời đánh giá của giáo viên lớp 1, người trực tiếp giảng dạy tại trường tiểu học Phù Lỗ, tiểu học Tân Phú.

Có mặt tại trường tiểu học An Đạo (huyện Phù Ninh, Phú Thọ), phóng viên tiếp tục thấy được sự gửi gắm của các thầy cô với bộ sách giáo khoa Cánh Diều vì tính “ưu việt”. Ông Đào Tiến Đại (Hiệu trưởng trường tiểu học An Đạo) cho hay: “Năm trước, chúng tôi chọn 2 bộ sách giáo khoa lớp 1: Bộ Cánh Diều (Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội và Giáo dục thể chất) và 4 môn còn lại chọn bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Qua quá trình giảng dạy, đến thời điểm này, học sinh lớp 1 trong trường tiếp thu được, đọc viết đều ổn, không có học sinh nào không đáp ứng được yêu cầu.

Năm nay, đối với lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, vừa qua, nhà trường đã tiến hành cho giáo viên nhận xét, đánh giá, lựa chọn theo tổ chuyên môn, rồi sau đó, tổng hợp và gửi lên phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh, trường vẫn lựa chọn những môn đó của bộ sách Cánh Diều”.

Ông Đại cũng nhấn mạnh thêm: “Dạy bộ Cánh Diều có tính “ưu việt” là có nét mới hơn so với các bộ sách kia. Bộ Cánh Diều tạo cho giáo viên, học sinh có khả năng tự học nhiều hơn, phát triển năng lực phẩm chất. Đối với các bộ sách kia thì cũng có nét đổi mới nhưng so với các bộ sách hiện hành thì lại không đổi mới nhiều lắm. Các thầy cô trong nhà trường nghiên cứu các bản mẫu sách giáo khoa ở trên mạng rồi so sánh, thấy bộ Cánh Diều có nhiều điểm mới thì lựa chọn”.

Đầu năm 2021, bộ GD&ĐT phê duyệt các bộ sách giáo khoa lớp 2 và 6, trong đó có 2 bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với đầy đủ các môn học gồm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo. Năm học trước, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ra mắt 4 bộ sách, nhưng đến nay, chỉ còn lại 2 bộ, với lý do đã được gộp lại. Bộ sách Cánh Diều là bộ sách xã hội hóa đầu tiên và duy nhất - tính đến thời điểm hiện nay. Và cũng là bộ sách duy nhất đã công khai sửa những ngữ liệu chưa thực sự phù hợp khi được dư luận góp ý. Còn các bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, dù có nhiều lỗi, nhưng cho đến thời điểm này - vẫn chưa được chỉnh sửa.
Trao đổi với ĐS&PL liên quan đến phản ánh có sự mâu thuẫn trong chọn sách giáo khoa ở cơ sở với Phòng, Sở, ông Nguyễn Văn Mạnh (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ) khẳng định: “Địa phương chọn sách theo quy định từ dưới lên trên, hội đồng bỏ phiếu dưới từ tổ chuyên môn đến trường, gửi đề xuất lên phòng GD&ĐT rồi đến hội đồng tỉnh. Đến nay, không nghe được phản ánh nào tiêu cực”. Việc tỉ lệ chọn sách lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống trong năm nay nhiều “áp đảo” các bộ sách còn lại được Giám đốc Sở lý giải: “Điều này phụ thuộc vào năm nào viết sách thế nào, theo ý kiến đánh giá của chuyên môn chọn thế nào. Không phải loay hoay mà thực tế lựa chọn theo quy trình đầy đủ, có văn bản từ dưới lên trên, thành lập hội đồng chung chứ không phải hội đồng riêng. Dự kiến, đầu tuần tới sẽ trình UBND tỉnh để phê duyệt sách. Hiện tại, ngành giáo dục Phú Thọ đang đề xuất chọn sách giáo khoa Tiếng Anh thuộc bộ Cánh Diều, còn sách giáo khoa các môn khác thuộc bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”.

Cẩm Mịch

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (60)

Tin nổi bật