Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2018

(DS&PL) -

Tăng mức trợ cấp cho người có công; phí thẩm định báo cáo tác động môi trường lên tới 100 triệu... là các chính sách có hiệu lực từ tháng 8.

Tăng mức trợ cấp cho người có công; phí thẩm định báo cáo tác động môi trường lên tới 100 triệu; phải khai báo y tế khi đưa thi thể, hài cốt qua biên giới ... là các chính sách có hiệu lực từ tháng 8.

Tăng mức trợ cấp cho người có công

Nghị định 99/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 27/8 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau:  Tăng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.000 đồng.

Với thay đổi trên, mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng của người có công với cách mạng được điều chỉnh như sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 thuộc diện thoát ly được tăng 110.000 đồng, diện không thoát ly tăng 186.000 đồng.

Trợ cấp tiền tuất với thân nhân của một liệt sĩ là: 1.515.000 đồng mỗi tháng (tăng 98.000 đồng); trợ cấp tiền tuất với thân nhân của ba liệt sĩ trở lên là: 4.545.000 đồng mỗi tháng (tăng 294.000 đồng).

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng trợ cấp 1.270.000 đồng mỗi tháng (tăng 82.000 đồng); Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hưởng phụ cấp 760.000 đồng mỗi tháng (tăng 49.000 đồng).

Người có công với cách mạng sẽ được tăng trợ cấp từ 27/8. Ảnh minh họa

Phải khai báo y tế khi đưa thi thể, hài cốt qua biên giới

Đó là một trong những nội dung của Chính phủ ban hành Nghị định 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/6/2018, về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Nghị định yêu cầu thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới phải được khai báo y tế. Việc kiểm tra giấy tờ được thực hiện với tất cả các thi thể, hài cốt vận chuyển qua biên giới.

Các giấy tờ kiểm tra gồm: Giấy khai báo y tế thi thể, hài cốt (kể cả tro cốt); giấy xác nhận đã qua xử lý y tế của nơi xuất phát; giấy phép nhập cảnh thi thể, hài cốt về Việt Nam; giấy tờ chứng minh tử vong đối với thi thể, hài cốt.

Thời gian hoàn thành việc kiểm tra này là không quá 15 phút/thi thể, hài cốt. Riêng việc kiểm tra thực tế đối với thi thể, hài cốt, thời gian hoàn thành là không quá 1 giờ kể từ khi nộp đủ giấy tờ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/8.

Tiêu chuẩn với viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 03/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ 1/8, quy định về tiêu chuẩn viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, viên chức lĩnh vực này phải tận tụy với công việc, thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có tinh thần đoàn kết, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp...

Thông tư cũng yêu cầu viên chức phải công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực người học; có đủ sức khỏe và lý lịch rõ ràng.

Những loại tài liệu Tòa án phải gửi cho Công an

Thông tư liên tịch 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTCquy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội được ban hành ngày 25/6/2018.

Theo đó, Tòa án nhân dân có trách nhiệm gửi cho Cơ quan công an bao gồm các loại tài liệu sau:

Quyết định tạm giam; Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam; quyết định thay thế biện pháp tạm giam;

Bản án hình sự sơ thẩm; Bản án hình sự phúc thẩm; Quyết định hình sự giám đốc thẩm; Quyết định hình sự tái thẩm; Quyết định thi hành án phạt tù; Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;

Quyết định miễn chấp hành án phạt tù; Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện;

Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Quyết định xóa án tích;

Quyết định của Chủ tịch nước về việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình (bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình hoặc ân giảm hình phạt tử hình); Quyết định thi hành án tử hình; Biên bản thi hành án tử hình

Thông tư liên tịch 05 có hiệu lực kể từ ngày 8/8/2018 và thay thế Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/6/2006.

Liên kết sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ lên đến 10 tỷ đồng. Ảnh: VietGAP

Cấm ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu nợ

Đây là nội dung mới tại Thông tư 15/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, quy định các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung một số nguyên tắc khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp như sau:

Ban hành quy định kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt với những trái phiếu phát hành thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này.

Thông tư 15/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 2/8/2018.

Thí điểm Đội Quản lý TTXD đô thị cấp quận, huyện

Quyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, có hiệu lực từ 10/8.

Quyết định nêu rõ Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được yêu cầu các chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng, các tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình; thực hiện nhiệm vụ thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

Liên kết sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đến 10 tỷ đồng

Nghị định 98/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 20/8, quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Nghị định này, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết (nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản...); tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

Nhà nước cũng hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng (bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết...).

Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường...

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật