Trong khi Mỹ đang cố gắng làm giảm khó khăn cho hàng triệu người đã mất việc bằng trợ cấp thất nghiệp đơn thuần thì châu Âu có cách tiếp cận khác, là ngăn họ không bị sa thải ngay từ đầu.
Để tránh sa thải diện rộng do Covid-19, các chính phủ châu Âu chọn cách "đắt đỏ" là trả lương lao động giúp doanh nghiệp để họ giữ người.
Trong tháng này, Đức đã cho phép doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình trợ cấp lương lao động. Chính phủ Đức cho biết, họ đã nhận được 77.000 đơn đăng ký thất nghiệp một phần vào tuần trước, so với mức trung bình hàng tuần là 600 vào năm ngoái.
Một điểm xét nghiệm virus gây bệnh Covid-19 tại quận Reinickendorf, Berlin, Đức. Ảnh: Reuters |
Là một phần của gói biện pháp khẩn cấp, chính phủ Pháp cho biết sẽ trả 84% lương cho bất kỳ nhân viên nào bị cho nghỉ việc tạm thời, lên tới 5.330 euro mỗi tháng thay vì 1.219 euro theo kế hoạch trước đó.
Ở Hà Lan, bất kỳ công ty nào dự kiến giảm doanh thu ít nhất 20% đều có thể xin trợ cấp để trả tới 90% tiền lương cho nhân viên trong ba tháng. Chính phủ sẽ tạm ứng tới 80% số tiền được yêu cầu.
Ở Tây Ban Nha, người lao động có thể kiếm được 70% lương cơ bản dưới dạng trợ cấp thất nghiệp, giới hạn ở mức 1.400 euro mỗi tháng. Khi thời gian nghỉ việc tạm thời kết thúc, các công ty phải thuê lại tất cả các công nhân trong ít nhất sáu tháng. Các chính sách tương tự cũng được triển khai ở các quốc gia Scandinavia.
Mô hình triển khai khác nhau ở từng quốc gia, nhưng nhìn chung, những người lao động sẽ thấy trong bảng lương của họ có tất cả hoặc một phần được trả bởi chính phủ, ngay cả khi họ đang ngừng làm việc hoặc làm việc ít hơn theo ca.
Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp này không chỉ cứu trợ nhanh chóng cho các doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ suy thoái đột ngột mà còn có tác dụng giúp các công ty một khi hoạt động bình thường trở lại không phải mất thời gian tuyển dụng và đạo tạo nhân viên mới.
Diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha tiếp nối Ý vượt qua Trung Quốc. WHO cho biết thế giới vẫn còn cơ hội thứ hai để dập dịch Covid-19 sau khi bỏ lỡ cơ hội đầu tiên cách đây một tháng.
Trong bài phát biểu dài gần 18 phút được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình Nga ngày 25/3, tổng thống Vladimir Putin thông báo hoãn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc về việc sửa đổi Hiến pháp. Bản sửa đổi, ban đầu dự kiến bỏ phiếu vào ngày 22/4, có thể giúp ông cầm quyền đến năm 2036.
Đồng thời, ông Putin cũng thông báo người dân nước này sẽ được nghỉ việc có trả lương trong tuần tới nhằm giảm tốc độ lây nhiễm Covid-19. Chính phủ cũng sẽ hoãn mọi khoản thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 6 tháng tới.
Tính đến tối 25/3, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 1.331 bệnh nhân tại Pháp trong tổng số 11.539 người mắc bệnh. Số người chết đã tăng gấp 5 lần trong vòng một tuần và chỉ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 231 người tử vong.
Số người tử vong vì Covid-19 tại Pháp được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do nước này đang có tới 2.827 người phải chăm sóc đặc biệt…
Vũ Đậu (T/h)