Đã bao giờ bạn nghĩ về cách bộ não hoạt động khi học chưa? Theo Conversation, não có 3 cấu trúc bộ nhớ chính, gồm bộ nhớ cảm giác, bộ nhớ làm việc và bộ nhớ dài hạn.
Sử dụng những gợi ý dưới đây, bạn có thể kích hoạt cả 3 loại bộ nhớ để củng cố việc học.
Chia nhỏ và tóm tắt nội dung cần học
Sau khi hình dung được tổng quan tất cả những nội dung cần học, bạn hãy bắt đầu chia nhỏ những kiến thức thành nhiều phần khác nhau.
Ví dụ: với môn Toán bạn nên chia ra từng phần đại số và hình học riêng. Trong toán đại số tách ra phần đồ thị, lượng giác, phương trình, hệ phương trình, xác suất… Mỗi phần đã được chia nhỏ, tiếp theo bạn hãy đọc nội dung của từng phần sau đó tóm tắt từng ý chính của từng phần trong đó.
Học những phần dễ hơn trước
Sau khi kích hoạt bộ nhớ cảm giác và sự tập trung, thông tin sẽ được chuyển sang bộ nhớ làm việc. Đây là lúc quá trình xử lý có ý thức diễn ra.
Điều mà nhiều người không nhận ra được là sau một thời gian dài ngồi học, bạn có thể cảm thấy không tiếp thu được nhiều như lúc đầu. Đó là do cơ thể gặp phải trình trạng quá tải nhận thức.
Theo đó, bộ nhớ làm việc của não chỉ có thể chứa được một lượng thông tin nhất định tại một thời điểm. Độ lớn của lượng thông tin này phụ thuộc vào mức độ hiểu biết vốn có của bạn.
Để bộ nhớ làm việc của bạn hoạt động hiệu quả hơn, hãy xem xét loại thông tin mà bạn đang tiếp nhận, lượng thông tin đó nhiều hay ít. Bạn hãy tự đặt câu hỏi liệu những gì bạn đang học có phải là thứ bạn cần nắm chắc trước khi có thể chuyển sang những phần khó hơn không?
Nếu câu trả lời là "Có", nghĩa là bạn sẽ phải sử dụng khá nhiều thông tin trong bộ nhớ của bạn.
Chính vì vậy, trước tiên, thí sinh hãy cố gắng nắm chắc những thông tin, kiến thức cơ bản, từ đó mới có nền tảng để chuyển sang những kiến thức khó hơn.
Học một nội dung theo nhiều cách khác nhau
Kích hoạt bộ nhớ cảm giác là bước đầu tiên. Bộ nhớ này dựa vào các giác quan, vì vậy, để kích hoạt nó, bạn phải kích hoạt càng nhiều giác quan càng tốt.
Thay vì đọc sách giáo khoa, hãy thử sử dụng sách nói, các phương tiện hỗ trợ hình ảnh như poster, bài thuyết trình và các blog trực tuyến.
Sách nói giúp quá trình học không bị nhàm chán
Khi đã kích hoạt được bộ nhớ cảm giác, thí sinh cần tập trung tối đa cho việc thu nạp kiến thức. Để làm được điều đó, các em cần chọn môi trường ôn thi thuận lợi, có sự yên tĩnh nhất định.
Bộ nhớ cảm giác và bộ nhớ làm việc rất giới hạn, vì thế, thí sinh cần tập trung ghi nhớ những thông tin quan trọng và giữ cho mình không bị phân tâm.
Nếu chưa hiểu được điều gì đó, có thể bạn chưa có đủ sự tập trung hoặc chưa nhận thức đúng được vấn đề. Hãy thử để cho tâm trí nghỉ ngơi và nghĩ xem bạn đã tập trung tối đa vào vấn đề chưa.
Học nhanh bằng sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy là cách học vô cùng hiệu quả được giới chuyên môn đánh giá cao. Nếu có thể hình dung, hãy chuyển đổi câu chữ thành những hình ảnh, thành một chuỗi câu chuyện với nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ con người tiếp thu hình ảnh sẽ tốt hơn là bằng chữ.
Việc sử dụng sơ đồ tư duy trong học thuộc bằng cách ghi chép kết hợp với việc sử dụng hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết.. bạn có thể hoàn toàn sáng tạo ra sơ đồ riêng cho bản thân mình. Như vậy cách học sẽ không bị rập khuôn mà đem lại hiệu quả rất cao.
Sơ đồ tư duy là cách học được nhiều sĩ tử áp dụng
Sử dụng màu sắc, vần điệu, hình ảnh cho thông tin cần học
Sử dụng những màu sắc, hình ảnh hoặc những ý tưởng là cách học bài độc đáo và dễ nhớ. Bạn hãy chọn những hình ảnh gần gũi và thường xuyên liên tưởng đến nó khi bạn cần tập trung ghi nhớ.
Sử dụng màu sắc, hình ảnh để đánh dấu những thông tin quan trọng
Phương pháp này được áp dụng hiệu quả nhất dành cho môn tiếng Anh. Thay vì bạn học một từ vựng khô khan bằng cách viết đi viết lại từ đó nhiều lần thì bạn hãy thử áp dụng học từ vựng bằng cách ghi nhớ từ vựng đó với một hình ảnh tương tự như chính từ vựng đó.
Bạn cũng có thể dùng màu sắc để phân loại nội dung theo từng phần để học. Nếu bạn đang học lịch sử, hãy tô màu ngày tháng hoặc phân loại theo nhân vật lịch sử.
Kết nối thông tin mới với những thứ bạn đã biết
Thay vì xem lại những ghi chép để chuẩn bị cho bài thi, thí sinh hãy cố giải thích những gì mình đã học cho một người chưa có kiến thức về vấn đề đó. Nếu bạn đủ khả năng truyền đạt lại chính xác những gì đã học, nghĩa là bạn đã hiểu rõ vấn đề.
Theo Conversation, hầu hết chúng ta đều có khả năng học và tiếp nhận thông tin nhưng sau đó không thể truy xuất lại thông tin đã học. Hoặc nếu có thể, thông tin lại bị sai lệch, nghĩa là không có được câu trả lời đúng.
Cần kết nối thông tin mới với thông tin cũ
Điều này có thể là do chúng ta chỉ học ở mức độ vừa phải, trong khi mức độ xử lý thông tin sâu hơn. Học thuộc lòng bài học vào đêm trước khi đi thi chứng tỏ chúng ta không kết nối được thông tin với hệ thống kiến thức đã được thiết lập.
Vì vậy, thí sinh cần tìm cách kết nối những thông tin mới với các thông tin cũ đã lưu giữ trong bộ nhớ dài hạn, chẳng hạn như vẽ một sơ đồ tương quan giữa kiến thức mới thu nạp và kiến thức cũ, hoặc giải thích cho ai đó về điều họ chưa biết.
Nhẩm lại bài trước khi ngủ
Nhẩm bài là phương pháp giúp bạn hệ thống lại bài học và cũng giúp nhớ lâu. Trước khi ngủ bạn cần soạn sẵn các môn học cho ngày mai và nhẩm lại bài hôm nay mình đã học, nhẩm nhớ lại từng đoạn. Nếu có quên thì bạn đừng vội mở sách ra xem liền mà hãy cố nhớ, nếu vẫn không nhớ được thì hãy mở xem lại sách.
Những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ tại sao một số phương pháp học tập lại hiệu quả hơn những phương pháp khác. Dù học để thi hay làm gì khác, điều quan trọng là chúng ta biết được não bộ hoạt động ra sao và làm thế nào để chúng ta nắm bắt kiến thức được tốt nhất.
Thu Hương (T/h)