Reuters đưa tin, ngày 13/8, tàu chiến Nga đã nổ súng cảnh cáo một tàu chở hàng ở phía Tây Nam Biển Đen, khi phương tiện này đang tiến về phía Bắc. Đây là lần đầu tiên Moscow nổ súng vào tàu buôn ngoài Ukraine, kể từ khi ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc vào tháng 7.
Tàu tuần tra Vasily Bykov của Nga. Ảnh: Sputnik
Cụ thể, trong một tuyên bố, phía Nga cho biết tàu tuần tra Vasily Bykov của nước này đã bắn vũ khí tự động vào tàu Sukru Okan treo cờ Palau, sau khi thuyền trưởng của con tàu không đáp ứng yêu cầu dừng lại để kiểm tra.
Nga cho biết con tàu đang trên đường tới cảng Izmail của Ukraine. Dữ liệu vận chuyển của Refinitiv cho thấy con tàu hiện đang ở gần bờ biển Bulgaria và hướng tới cảng Sulina của Romania.
“Để buộc tàu dừng lại, hỏa lực cảnh cáo đã được khai hỏa từ vũ khí tự động”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo. Sau đó, quân đội Nga đã lên tàu với sự hỗ trợ của trực thăng Ka-29.
"Sau khi nhóm kiểm tra công việc trên tàu, tàu Sukru Okan tiếp tục hành trình đến cảng Izmail", nguồn tin cho biết thêm.
Trước đó, Moscow từng tuyên bố rằng tất cả các tàu đi đến vùng biển Ukraine đều có khả năng mang theo vũ khí.
Trong khi đó, một số cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vụ việc là "sự vi phạm rõ ràng luật biển quốc tế, là hành động chống lại tàu dân sự của nước thứ ba trong vùng biển của các quốc gia khác”.
Sự việc xảy ra ngay sau khi Ukraine bắt đầu đăng ký các tàu sẵn sàng sử dụng "hành lang nhân đạo" an toàn mà nước này đang cố gắng thiết lập ở Biển Đen, nhằm cho phép các tàu chở hàng bị mắc kẹt có thể ra khơi.
Chưa rõ liệu Nga có thừa nhận hay tôn trọng kế hoạch này không.
Tuy nhiên, việc bắn vào một tàu buôn sẽ làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc giữa các chủ tàu, công ty bảo hiểm và thương nhân hàng hóa về những nguy cơ tiềm ẩn khi di chuyển ở Biển Đen - tuyến đường chính mà cả Ukraine và Nga sử dụng để đưa nông sản của họ ra thị trường.
Tàu chở hàng Sukru Okan treo cờ Palau. Ảnh: Reuters
Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới và là những “người chơi chính” trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Moscow cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.
Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, cả Moscow và Kiev đã đưa ra các cảnh báo và thực hiện các cuộc tấn công khiến các thị trường hàng hóa, dầu mỏ và vận chuyển toàn cầu lo lắng.
Nga cho biết họ sẽ coi bất kỳ tàu nào tiếp cận các cảng của Ukraine là tàu quân sự tiềm năng, đồng thời tấn công các cơ sở sản xuất ngũ cốc của Ukraine trên sông Danube.
Phía Ukraine đã phản ứng bằng một mối đe dọa tương tự đối với các tàu tiếp cận các cảng của Ukraine hoặc do Nga nắm giữ. Ukraine cũng tấn công một tàu chở dầu và một tàu chiến của Nga tại căn cứ hải quân Novorossiysk, bên cạnh một cảng dầu và ngũ cốc lớn.
Ukraine và phương Tây cho rằng các bước đi của Nga đồng nghĩa với việc phong tỏa các cảng của Kiev, đe dọa cắt đứt dòng lúa mì và hạt hướng dương từ Ukraine đến các thị trường thế giới.
Tuy nhiên, Nga tuyên bố có thể khôi phục thỏa thuận Biển Đen nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga được đáp ứng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng thông báo với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Moscow sẵn sàng thay thế Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ để thực hiện những gì ông nói là vai trò quan trọng của Nga trong an ninh lương thực toàn cầu.
Mộc Miên (Theo Reuters)