Tỷ phú Bernard Arnault - ông trùm thời trang Pháp, đồng thời cũng là người giàu nhất châu Âu, vừa gia nhập câu lạc bộ người sở hữu tài sản trên 100 tỷ USD.
Khối tài sản tương đương hơn 3% GDP của Pháp
Tỷ phú Bernard Arnault. Ảnh: Bloomberg |
Theo Vneconomy, tài sản của tỷ phú Arnault (70 tuổi) - Chủ tịch của đế chế thời trang LVMH vừa vượt mốc 100 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu LVMH tăng 2,9% lên mức kỷ lục 368,8 Euro/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 18/6.
Tính từ đầu năm đến nay, tài sản của tỷ phú người Pháp đã tăng gần 32 tỷ USD, mức tăng lớn nhất trong số 500 tỷ phú giàu nhất thế giới (theo danh sách Bloomberg Billionaires Index).
Khối tài sản trị giá 100,4 tỷ USD của tỷ phú Arnault tương đương hơn 3% GDP của Pháp. Hiện tỷ phú Arnault nắm giữ khoảng 50% cổ phần của LVMH thông qua một công ty của gia đình, đồng thời sở hữu 97% cổ phần của Christian Dior, thương hiệu được thành lập 3 năm trước khi ông ra đời vào năm 1949.
Mới đây, sau thảm họa cháy Nhà thờ Đức Bà, ông chủ đế chế thời trang LVMH tuyên bố gia đình và công ty ông sẽ góp 200 triệu Euro (hơn 5 nghìn tỷ đồng) xây dựng lại công trình này.
Hành trình xây dựng đế chế thời trang
Louis Vuitton Foundation - một trong niềm tự hào của tỷ phú Bernard Arnault. Ảnh: Sergio Grazia |
VnExpress cho hay, ông Arnault sinh ra tại thị trấn Roubaix miền Bắc nước Pháp. Ông theo học ngành kỹ thuật của trường bách khoa danh tiếng Ecole Polytechnique tại Paris. Năm 25 tuổi, sau 3 năm theo bố học hỏi việc kinh doanh được truyền từ đời ông nội, ông Arnault bắt đầu dần tiếp quản công việc ở doanh nghiệp gia đình.
Với tấm bằng kỹ sư tại Học viện Ecole Polytechnique, Arnault gia nhập ban đầu với vị trí kỹ sư, lên kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng công ty. Ông thuyết phục bố chuyển tập trung sang mảng bất động sản và tạo ra những dấu ấn đáng kể cho công ty dưới tên Férinel. Và người đàn ông sinh năm 1949 này đã trở thành CEO vào năm 1977 và kế vị bố trong vai trò Chủ tịch hai năm sau đó.
Năm 1984, với sự giúp đỡ của một đối tác, Arnault mua lại Financière Agachem, trở thành Giám đốc điều hành và nắm quyền kiểm soát công ty dệt may Boussac. Đây là những bước đi đầu tiên trong hành trình bành trướng ngành hàng xa xỉ của người đàn ông Pháp.
Năm 1993, ông mua lại Berluti và Kenzo. Cùng năm, ông mua lại tờ báo kinh tế La Tribune, sau đó bán đi và tái đầu tư vào tờ báo chuyên về kinh doanh khác là Les Echos.
Tỷ phú Pháp bên cạnh 2 trong số 5 người con. Ảnh: Business Insider |
Trong những năm tiếp theo, doanh nhân tiếp tục củng cố sức mạnh khi mua lại hàng loạt thương hiệu thời trang như Givenchy, Guerlain, Marc Jacobs , Sephora, Emilio Pucci, Fendi, Loro Piana, Nicholas Kirkwood, Thomas Pink, R.M Williams, EDUN, Moynat và Donna Karen, cũng như trang sức với TAG Heuer, De Beers và Bulgari.
Con đường kinh doanh ngày càng rộng mở, người đàn ông này nhanh chóng lan tỏa sức mạnh vì nhìn thấy được sự tăng trưởng của giới nhà giàu thế giới.
“Chúng tôi cố gắng xây dựng công ty lớn cùng các đối tác với tiêu chí các sản phẩm cao cấp và có chất lượng tốt nhất trong mỗi dòng hàng bán đi khắp thế giới”, Arnault nói trong chương trình Today Show năm 1987.
Tỷ phú thừa nhận, ở thời điểm đó, quyết định chuyển sang ngành hàng xa xỉ là mạo hiểm vì nó lớn hơn rất nhiều so với công ty nguyên bản của gia đình gây dựng với chỉ khoảng 1.000 nhân viên lúc ông tiếp quản. Arnault trở thành Chủ tịch và CEO LVMH từ năm 1989, cũng là người giữ phần lớn cổ phiếu công ty.
LVMH hiện quy tụ hơn 70 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang, với doanh thu tăng trưởng 10% trong quý đầu năm nay. Đế chế này sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Fendi, Céline, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs… Công ty cũng đứng sau những thương hiệu mỹ phẩm và nước hoa mở bán online và cũng có khoảng 1.620 cửa hàng khắp thế giới.
Ngoài ra, đế chế này còn có nhiều công ty hoạt động ở những lĩnh vực khác, như chuỗi bán lẻ Sephora, cũng như các thương hiệu đồng hồ và đồ trang sức Tag Heuer, Bvlgari, các nhãn rượu.
Có thể nói một trong những sức mạnh lớn nhất của LVMH là Louis Vuitton. Theo Bloomberg, nhãn hàng này có doanh số vượt kỳ vọng trong quý đầu năm nay, với tăng trưởng sức mua chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Họ gây chú ý với show diễn ở bảo tàng Louvre, bổ nhiệm Giám đốc nghệ thuật người Mỹ gốc Phi đầu tiên là nhà thiết kế nổi tiếng Virgil Abloh hay chọn Kanye West làm giám đốc sáng tạo thời trang nam…
Di chuyển bằng máy bay riêng, không sử dụng email
Tỷ phú Pháp và vợ hiện sống tại ở khu vực Left Bank bên sông Seine, của Paris. Ảnh: Business Insider |
Tỷ phú Arnault kết hôn với vợ đầu Dewavrin vào năm 1973 và có 2 con với nhau trước khi chia tay vào năm 1990. Một năm sau đó, ông tái hôn với Helene Mercier - một nghệ sĩ Piano người Canada. Ông và vợ hiện sống tại ở khu vực Left Bank bên sông Seine, của Paris. Còn 4 trong số 5 người con của ông đều làm việc cho các thương hiệu của LVMH.
Cũng giống như nhiều tỷ phú khách, ông Bernard Arnault thường xuyên di chuyển bằng máy bay riêng. Ông sở hữu một villa tại Saint-Tropez, thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur miền Đông Nam Pháp.
Ông cũng được cho là đã chi ít nhất 96,4 triệu USD để mua nhà tại Los Angeles, Beverly Hills, Trousdale Estates và Hollywood Hills, Mỹ.
Vợ chồng Bernard Arnault và con trai, con dâu. Ảnh: Gabriel Bouys |
Tỷ phú Arnault từng tiếp xúc với nhiều nhân vật quyền lực thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trump Tower, New York vào năm 2017, ngay sau khi ông Trump nhậm chức để thảo luận về việc mở rộng các nhà máy của LVMH ở Mỹ.
Dù bận rộn với nhiều dự án và niềm đam mê, vị CEO lại được biết đến là người không sử dụng email, ít nhất là từ năm 2014 đến nay. Ông chỉ dùng điện thoại để liên lạc nhưng cũng không bao giờ nhắn tin, khi nào cần thì sẽ chỉ nhấn nút gọi.
Tỷ phú Arnault ít khi ăn ngoài và chỉ uống mỗi tuần vài lần dù sở hữu hàng loạt thương hiệu rượu nổi tiếng. “Tôi không bao giờ dùng điện thoại trong lúc ăn và nhìn vào nó mỗi khi theo dõi hòa nhạc hay quần vợt”, ông hé lộ về lối sống của mình.
Vũ Đậu (T/h)