Trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên chúng dễ dàng bị nhiễm khuẩn gây sốc hay tử vong, từ những vết thương nhỏ xíu, tưởng như không quan trọng.
Thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện của một bà mẹ trẻ ở Đông Anh, Hà Nội, người đã mất con gái vĩnh viễn sau khi bé dẫm phải cái gai.
Hình ảnh cháu bé nhiễm trùng máu được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Theo lời chị này kể, con gái nhỏ dẫm phải một chiếc gai nhưng chị chủ quan không vệ sinh vết thương và tiêm phòng.
Ngày hôm sau bé sốt, cho đi khám bác sĩ và uống thuốc nhưng bé không thuyên giảm. Tình trạng càng xấu đi khi bé sốt cao, mệt lả ngày càng nặng. Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chẩn đoán bé bị nhiễm trùng máu từ vết thương bé xíu ở chân.
Bé bị sốc nhiễm khuẩn phải thở máy, mở nội khí quản nhưng dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn không kiểm soát được. Khi được chuyển tới bệnh viện Nhi Trung ương, con chị đã trong tình trạng hôn mê và tử vong một ngày sau đó.
Mẹ của cháu cảm thấy vô cùng ân hận vì chủ quan với vết thương nhỏ xíu của con đã khiến chị mất con vĩnh viễn.
Không riêng gì trường hợp trên, một bà mẹ tên Nguyen Minh Tuyen cũng chia sẻ trên mạng con chị qua đời vì cái nhọt như đầu tăm trên đầu. Con chị bị nhọt, con sốt đi khám bác sĩ cho biết bé bị viêm họng, cho kháng sinh về uống một ngày không hạ sốt gọi hỏi bác sĩ bảo viêm họng nặng quá nên không hạ sốt được ngay.
Hôm sau, bé được đưa lên bệnh viện tỉnh khám, sau khi lấy máu xét nghiệm từ tối đến hôm sau mới có kết quả bé bị nhiễm trùng nhưng chưa rõ nhiễm trùng ở đâu và không nguy hiểm. Tuy nhiên, vợ chồng của chị Tuyen đã xin bác sĩ cho lên bệnh viện Nhi Trung ương cho đảm bảo.
Tại đây, bé được làm lại các xét nghiệm đến 2h chiều mới được nhập viện. Ngay sau khi nhập viện bác sĩ cho biết phải chuyển ngay lên khoa Hồi sức tích cực. Đến 20h tối, bác sĩ thông báo bé phải lọc máu và đến 0h đêm bé đã không qua khỏi.
Từ khi con bị sốt đến lúc tử vong chỉ có 3 ngày và thủ phạm từ cái nhọt nhỏ xíu trên đầu.
Một trường hợp khác may mắn hơn là bé L.T.T.L 6 tuổi, ở Phú Thọ. L. vào viện trong tình trạng sốt cao, vùng mắt bị sưng, có nốt phỏng trên vùng mặt. Chỉ sau 2 tiếng vào viện cháu đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền – Khoa Nhi, bệnh viện Hùng Vương cho biết trẻ có biểu hiện kích thích, nói nhảm, nhịp thở nhanh, nhịp mạch nhanh hơn so với lứa tuổi, rơi vào tình trạng hôn mê.
Dù chưa có kết quả cấy máu nhưng các bác sĩ đã cấp cứu cháu theo phác đồ của nhiễm khuẩn huyết tiêm kháng sinh và thuốc vận mạch cho bé rồi nhanh chóng đưa lên khoa hồi sức cấp cứu để cứu bé.
Trong 6 ngày đầu điều trị, bệnh nhi có nhiều diễn biến phức tạp có lúc tưởng bé không qua khỏi. May mắn, sau 10 ngày điều trị tình trạng cháu đỡ dần và trẻ đã được ra viện.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết mùa hè nóng nực, số trẻ đến khám vì mẩn ngứa, mụn nhọt, viêm da lo liên cầu… cũng tăng lên.
Thêm vào đó, nhiều trường hợp viêm da cơ địa dị ứng, nổi mề đay cũng tăng. Có những trẻ nổi mề đay khắp người, từng mảng khiến trẻ ngứa ngáy không chịu được, gãi xước da, mùa hè lại nóng nực, mồ hôi ra nhiều tạo điều kiện vi khuẩn, nấm phát triển… nên càng có nguy cơ bị viêm da.
Trẻ có thể bị nhiễm trùng máu do nhiễm khuẩn tụ vàng từ vết thương hở trên da - Ảnh minh họa. |
Những xây xước nhỏ đôi khi mắt thường không nhìn thấy, trẻ cũng không đau nhưng vì da trẻ mỏng, dễ tổn thương, dễ nhiễm trùng nên vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn trên da xâm nhập vào.
Bác sĩ Hiền cũng thường xuyên gặp các bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết mà thủ phạm chính là vi khuẩn ngay trên da có thể là tụ cầu vàng, vi khuẩn gram (-) và nhiều vi khuẩn khác.
Bình thường vi khuẩn này sống trên da và hoàn toàn an toàn nhưng vì một lý do nào đó cộng thêm vết thương hở trên da vi khuẩn này xâm nhập vào máu và nhanh chóng gây nhiễm khuẩn huyết.
Nhiều gia đình thường nghĩ nó là mụn do nóng nắng nhưng thực chất đó là mụn do loài vi khuẩn kháng thuốc gây ra.
Vi khuẩn tụ vàng đang kháng thuốc kháng sinh nên vô cùng nguy hiểm. Nó có thể gây ra nhiễm trùng máu toàn thân, sốc nhiễm trùng và suy đa phủ tạng ở trẻ. Đặc biệt, bệnh này tiến triển rất nhanh nên nếu không được cứu trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, nguy cơ tử vong lên đến 90%.
Minh Khôi (T/h)