PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính) . |
Hầu hết các nước đều có sàn giao dịch vàng
Thực tế, Nhà nước cấm nhưng các sàn vàng "chui" vẫn hoạt động khá công khai. ông có đánh giá gì về tin tức này?
Xét trên góc độ logic kinh tế thì các chi phí cho việc dẹp bỏ các sàn vàng "chui" như: Phát hiện, chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật, tổ chức bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật... là không hề nhỏ. Đặc biệt là nếu các sàn giao dịch vàng có thêm các yếu tố nước ngoài thì việc loại bỏ lại càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, lợi ích thu được từ việc tổ chức các sàn giao dịch vàng tương đối lớn trong khi các hình phạt lại nhẹ nên tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng ta cũng phải kể tới tâm lý của người đầu tư.
Hiện nay, đội ngũ tư vấn của các sàn giao dịch vàng "chui" dùng nhiều chiêu trò để lừa bịp khách hàng, khiến họ tin rằng kinh doanh vàng qua sàn giao dịch là hợp pháp và sinh lợi lớn. Vì thế, lượng người tham gia vẫn khá đông.
Tất nhiên, khi Nhà nước đã cấm kinh doanh sàn vàng mà công ty nào vi phạm thì cứ theo luật mà xử. Nhưng, người thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.
Vậy theo ông nên xử lý những sàn vàng "chui" như thế nào?
Cách tốt nhất là chúng ta cho phép kinh doanh vàng thông qua các sàn giao dịch. Các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ phương án này, tất nhiên chúng ta phải có một đơn vị đứng ra tổ chức, điều hành và quản lý để sàn vàng có thể đi vào hoạt động một cách quy mô, nề nếp và chính quy.
Chúng ta phải coi vàng là một loại hàng hóa đặc biệt. Bởi thực tế nếu muốn vận hành nền kinh tế theo quy luật thị trường thì chúng ta phải tuân theo những nguyên tắc của nó. Trong khi, việc quản lý vàng của chúng ta hiện nay không tuân thủ quy luật thị trường, không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngay cả, việc Ngân hàng Nhà nước từ một cơ quan quản lý Nhà nước lại đảm nhiệm thêm việc điều phối, kinh doanh vàng là không đúng. Đã có một thời gian chúng ta cho phép việc kinh doanh vàng qua các sàn giao dịch. Thế nhưng, từ năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước lại ra Thông tư để cấm. Có thể nói rằng, Việt Nam gần như là nước duy nhất cấm việc kinh doanh vàng qua các sàn giao dịch.
Chặn sàn "ảo" bằng cách nào?
Trước đây chúng ta đã cho phép kinh doanh vàng thông qua các sàn giao dịch nhưng sau đó lại... cấm. Phải chăng chúng ta không quản được thì cấm, thưa ông?
Nguyên nhân cấm thì nhiều. Nhưng nói chung là các đơn vị quản lý nhận thấy hoạt động của các sàn giao dịch vàng mang lại nhiều cái hại hơn là lợi. Đặc biệt, chúng ta không có khả năng xử lý được những mặt tiêu cực phát sinh từ hoạt động này.
Tôi lấy ví dụ như nếu người chơi thực hiện giao dịch thông qua các sàn giao dịch quốc tế thì nguy cơ chảy máu ngoại tệ rất cao. Nếu cho phép hoạt động này lại xảy ra tình trạng đầu cơ vàng rất cao, gây ảnh hưởng tới tình hình kinh tế.
Hơn nữa, nếu quy mô giao dịch vàng quá lớn, vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ ít đi. Các giao dịch vàng quy mô lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ...
Nhìn chung, nguyên nhân đưa ra để giải thích việc cấm kinh doanh vàng qua tài khoản thì rất nhiều. Theo tôi, điều mấu chốt vẫn nằm ở khả năng quản lý của những cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Điều đáng tiếc là nhiều người lại không nắm rõ được quy luật vận hành thị trường nên có những điều chỉnh không hợp lý.
Một số chuyên gia thì cho rằng, thay vì cấm Nhà nước nên cho phép mở lại sàn vàng, sau đó thu thuế và quản lý chặt. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Theo quan điểm của tôi, những nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực này cần phải thảo luận thật kỹ để bàn về cách thức quản lý thị trường vàng như thế nào cho hợp lý chứ không thể làm việc theo kiểu không quản được thì cấm như hiện nay. Kiểu quản lý vàng của chúng ta vẫn theo kiểu "một mình một chợ", không theo thông lệ quốc tế.
Chúng ta cứ nói rằng, đang quản lý tốt thị trường vàng nhưng thực chất không hề tốt chút nào. Tôi nói chẳng hạn chúng ta yêu cầu phải đưa giá vàng trong nước về sát với giá thế giới. ấy thế nhưng giá vàng trong nước hiện vẫn chênh với giá thế giới gần 5 triệu đồng một lượng.
Vì thế mới nói việc lập lại sàn giao dịch vàng được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ nhưng nó cần có lộ trình và được thảo luận chi tiết, đưa nó vận hành đúng theo quy luật thị trường thì mới mong có hiệu quả nhất.
Xin cảm ơn ông!