Theo lời người bán cây thì cây đại cảnh chủ yếu bán cho các “sếp” từ TPHCM ra mua và “sộp” nhất là từ Hà Nội.
Những cây trâm sắn hàng chục năm tuổi được thu mua tập kết để chuẩn bị chuyển đi nơi khác - Ảnh: Thanh niên. |
Thanh niên đưa tin: Gần đây, ở huyệnTri Tôn (An Giang) xuất hiện nhiều thương lái mua các cây trâm lâu năm với giá cao. Khi chủ cây trâm chấp thuận giá bán thì lập tức có người đến đào và bứng gốc vận chuyển đi nơi khác.
Điều đáng nói, trâm sắn và thốt nốt là 2 loại cây đặc trưng nhất của vùng Bảy Núi, gồm 2 huyện giáp biên giới Campuchia là Tri Tôn, Tịnh Biên. Cây trâm có tán rộng, trái chín màu tím thẫm rất đẹp, vị ngọt, thơm dịu, hơi chát. Hằng năm, cây trâm sắn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer nhờ việc hái trái trâm đem bán.
Tại bãi tập kết ở ấp Tô Thuận (xã Núi Tô, Tri Tôn) luôn có khoảng 20 cây trâm chiều dài gần 20 m, đường kính rễ 2 - 3 m. Từ đây, lần lượt từng gốc trâm sắn sẽ được xe container chở đi. Khi lực lượng công an, kiểm lâm xuống kiểm tra, nhóm người vận chuyển cây không xuất trình được giấy tờ liên quan.
Nhưng sau khoảng 1 giờ, họ xuất trình bảng thống kê, hợp đồng mua bán cây với chủ đất. Dù qua đo đạc và kiểm tra thấy giấy tờ và thực tế “không khớp”, song lực lượng kiểm lâm chỉ nhắc nhở nhóm người trên bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Vận chuyển cây trâm sắn bằng xe siêu trọng - Ảnh: Thanh niên. |
Một tài xế vận chuyển cây trâm tiết lộ những cây ở bãi tập kết đã được “săn lùng” khoảng 1 năm nay. “Tổng cộng cả ngàn cây. Các đại gia ở thành thị rất ưa chuộng trâm sắn để trồng lấy bóng mát và phong thủy nên nhu cầu rất lớn. Mỗi cây bứng xong nặng khoảng 5 tấn, gồm phần rễ và đất bao quanh rễ. Trâm phần lớn được chuyển ra bắc, chi phí vận chuyển một cây đến Hà Nội khoảng 60 triệu đồng” - Tài xế này cho biết thêm.
Chứng kiến cảnh xe trọng tải lớn ra vào vận chuyển trâm ngay đoạn đường dẫn vào hồ Soài Check (xã Núi Tô), ông N.V.H (người dân địa phương) cho biết việc bứng trâm bán diễn ra liên tục, nhất là khu vực gần chân đồi Tà Pạ. “Chúng tôi tiếc vì loài cây này là đặc trưng của địa phương. Cũng không hiểu sao, việc mua bán trâm sắn diễn ra công khai mà không có sự ngăn cản nào của địa phương” - Ông H. nói.
Náo nhiệt nhất phải kể đến những rừng "đại cảnh" ven quốc lộ 1A ở miền Trung. PV Người Lao Động cho biết, đến “rừng” đại cảnh của chủ Xuân, chủ Trường, chủ Đông, chủ Thắng, chủ Vinh ở ngay ven Quốc lộ 1A, thuộc xã Bình Nguyên (Thăng Bình, Quảng Nam), người xem sẽ choáng ngợp trước hàng trăm cây đủ loại cổ thụ lộc vừng, sung, tràm, thiên tuếm đa, đề, sanh, si, dương liễu... Cây nào cây nấy cao to, có cây đường kính gốc lên đến hàng mét, chiều cao đến 5 m là thường.
Theo ông Trường, cây đại cảnh chủ yếu bán cho các “sếp” từ TPHCM ra mua và “sộp” nhất là từ Hà Nội vào. Trường nói nửa đùa nửa thật: “Nếu anh cũng dân đen như bọn này, mua về... nhà mình thì chỉ nên chơi những cây lộc vừng nhỏ nhỏ, chừng... vài triệu đồng như cây này, cây này... thôi. Còn nếu mua biếu “sếp” hoặc mua cho cơ quan, cho khu du lịch... thì mới chơi thứ dữ nhưng mua số nhiều thì bọn này sẵn sàng hạ giá cho. Bọn này từng bán hàng trăm cây cho khu du lịch sinh thái biển dưới Bình Minh (cùng huyện Thăng Bình). Họ trồng thành rừng dưới ấy".
“Rừng” đại cảnh của chủ Đông gần đấy cũng bề thế không kém cạnh gì. Chủ Đông thấy chúng tôi gùn ghè gạ gẫm cái gốc lộc vừng tuổi chỉ chừng gần... 100 năm, thế trực, năm ngọn nảy lộc như ngũ hành chỉ thiên gì gì đấy được hét giá 700.000 đồng bèn bảo ngay:
"Anh mua về nhà nên tui kêu giá đó là vừa bán vừa cho. Người ta đi đào, bê nguyên gốc rễ tận trên rừng Bình Lãnh (xã miền núi cùng huyện Thăng Bình) về tui mua vào đã 400.000 đồng rồi, còn công chăm sóc, tưới tắm nữa, thứ này đâu dễ sống. Chứ dân chơi thứ thiệt trong Nam ngoài Bắc đến mua thì chỉ chơi những cây tiền triệu thôi. Mà thế đã nhằm nhò chi. Trong Bình Thuận có cây lên đến ba, bốn chục triệu bạc. Họ mua chở về ngang đây, bà con tui lác mắt hết”.
Cứ như thể là phải chơi thứ cây cảnh lớn hơn, tầm vóc hơn mới thể hiện được cái tư tưởng chủ đạo của thú chơi cây cảnh là muốn “dồn cả thiên địa vào một thế cây, đem cả thiên nhiên về làm cảnh nhà mình” không bằng!
Nhưng theo như lời các chủ “rừng” cây đại cảnh ở ven Quốc lộ 1A tại Bình Nguyên thì chính cái ý nghĩa mang tính “thời thượng” này đã “đẻ” ra khái niệm “đại cảnh”, cũng “đẻ” ra luôn cơn sốt khai thác cây cổ thụ làm cây đại cảnh.
Vô hình trung miền Trung khô khiến cây càng lâu năm càng săn chắc đã trở thành nguồn cung ứng cây đại cảnh chính cho thị trường còn khá mới mẻ này. Suốt dọc dặm dài con đường thiên lý Bắc Nam đã hình thành những "rừng" cây đại cảnh xếp dọc ven đường từ Quảng Bình vào cho đến Ninh Thuận, Bình Thuận.
Việc đào cây cổ thụ rừng về làm cây đại cảnh chắc chắn sẽ góp phần triệt hạ rừng, hủy hoại môi trường và có nguy cơ diệt chủng các loài cây. Tuy nhiên, tương tự như đối với cơn sốt nấm linh chi trước đây, chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, các địa phương còn lúng túng trong việc xử lí.
Ông Cao Quang Liêm - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - xác nhận tình trạng thương lái lùng mua trâm đã diễn ra từ nhiều ngày qua. Trâm đẹp có giá khoảng 30 triệu đồng/cây. “Địa phương rất bức xúc, nhưng hiện nay không có văn bản nào cấm mua bán loại cây này. Biện pháp trước mắt là đề nghị công an bắt giữ nếu phát hiện các xe chở quá tải, cùng với đó là vận động người dân giữ lại loài cây đặc trưng của vùng” - Ông Liêm nói.
Theo ông Diệp Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, thì do chủ trương xử lý tình trạng này còn quá mới mẻ, chưa cụ thể nên khó xử lý cho kiên quyết được. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xin ý kiến Cục Kiểm lâm và tạm thời xử lý việc khai thác cây rừng làm cây đại cảnh như đối với sản phẩm từ rừng.
Nghĩa là khai thác, vận chuyển trái phép thì sẽ kiên quyết xứ lý nghiêm. Cây khai thác từ vườn nhà làm cây đại cảnh đưa vào buôn bán, lưu thông cũng phải có xác nhận của chính quyền và của kiểm lâm sở tại.
Tuy nhiên vấn đề phát sinh là làm sao phân biệt đâu là “đại cảnh nhà” hay “đại cảnh hoang dã” trong khi hiện tượng mua bán này đã trở thành cơn sốt trên phạm vi nhiều tỉnh.
Minh Minh (T/h)