(ĐSPL)- Lũ từ thượng nguồn sông Mã đổ về khiến cho chiếc cầu sắt bắc qua sông Mã đã bị nước lũ cuốn trôi.
Tin tức từ Tri thức trực tuyến, ngày 4/8, ông Phạm Hồng Tía, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (huyện Quan Hóa) cho biết, dòng nước lũ đổ về từ thượng nguồn sông Mã đang khiến 3 bản Sa Lắng, Giá và bản Vui bị cô lập. Ba bản này có 336 hộ dân với 1.699 nhân khẩu.
Hiện, chỉ có bản Sa Lắng liên lạc được bằng điện thoại, còn các bản khác vẫn chưa có báo cáo về tình hình đời sống cũng như thiệt hại.
Nhiều bản làng ở Thanh Hóa bị cô lập do nước lũ dâng cao. |
Theo ông Tía, bà con bị cô lập đang phải tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men. “Chính quyền địa phương đang rất lo lắng về đời sống của bà con ở đây nhưng chưa có giải pháp tiếp cận, tất cả cũng chỉ trông chờ vào thời tiết”, ông Tía nói.
Cũng tại xã Thanh Xuân, lũ lên nhanh bất ngờ khiến cây cầu sắt bắc qua sông Mã không chịu nổi áp lực nên bị cuốn trôi. Theo chính quyền địa phương, cây cầu được đầu tư hơn 20 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng cách đây khoảng hơn ba tháng. Công trình này đáp ứng nhu cầu đi lại cho gần 167 hộ dân ở bản Giá và phục vụ cho việc vận chuyển vận liệu thi công thủy điện Hồi Xuân.
Cây cầu 20 tỷ vừa đưa vào sử dụng đã bị nước lũ cuốn trôi. |
Tin tức từ Vnexpress, đến đêm 4/8, mưa ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ngớt. Tuy nhiên, nước lũ vẫn rút khá chậm. Thượng nguồn sông Mã đoạn chảy qua các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa) nước vẫn chảy xiết, cuộn sóng, lòng sông ngầu đục bùn đất, phù sa và gỗ mục đổ về khiến thuyền bè không thể qua lại.
Hàng loạt tuyến đường miền Tây xứ Thanh như quốc lộ 15A, 15C và các con đường liên xã đã bị hàng nghìn khối đất đá từ các triền núi cao tràn xuống gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Con đường 15A đi Quan Hóa, Hòa Bình, ô tô hầu như không thể di chuyển. Người dân chỉ có thể dùng xe máy len lỏi qua các triền núi nhầy nhụa bùn đất để về khu vực trung tâm xã, huyện mua lương thực, thực phẩm.
Cơ quan chức năng đã cho cắm biển nhiều nơi nhằm cảnh báo người dân rời xa các khu vực có nguy sạt lở cao. Quan Hóa là huyện bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo chính quyền địa phương, đã có hàng trăm căn nhà bị ngập lụt, ba ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, nhiều bản làng đã bị cô lập.
Các xã Thanh Xuân, Trung Thành, Trung Sơn hiện vẫn bị chia cắt do tuyến đường 15A bị nước lũ ngập sâu 5-7m.
Tại một số điểm ngập trên con đường này, dân bản đã đóng bè mảng bằng tre, luồng để đi lại. Trên dòng suối Éo, xã Thanh Xuân, nhiều thanh niên đầm mình dưới dòng nước lũ để kéo mảng đưa người và xe máy qua suối.
Tại huyện Bá Thước, chính quyền địa phương cũng đã ghi nhận có một người chưa rõ danh tính bị chết trôi trên sông Mã đoạn qua hồ thủy điện xã Điền Lư và một người bị mất tích là anh Phạm Văn Giang, sinh năm 1995, thường trú ở xã Điền Hạ, bị lũ cuốn trôi khi đi qua tràn Khéo, thuộc xã Lương Trung.
Theo TTXVN, trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa yêu cầu người dân không đi lại bằng bè mảng để qua sông nhằm đảm bảo an toan tính mạng cho người dân. Chính quyền huyện đang tập trung khắc phục hậu quả trận lũ và tham gia hỗ trợ nhân dân.
Đến đêm 4/8, mưa ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ngớt. Tuy nhiên, nước lũ vẫn rút khá chậm. Thượng nguồn sông Mã đoạn chảy qua các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa) nước vẫn chảy xiết, cuộn sóng, lòng sông ngầu đục bùn đất, phù sa và gỗ mục đổ về khiến thuyền bè không thể qua lại.
Tính từ ngày 25/7 đến nay, đợt mưa lũ lịch sử diễn ra ở Quảng Ninh rồi lan rộng ra toàn miền Bắc đã làm 28 người chết, 8 người mất tích. Riêng tỉnh Quảng Ninh thiệt hại 2.700 tỷ đồng, các địa phương khác chưa thống kê hết.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]phaXFfoHQg[/mecloud]