Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cấp “giấy khai sinh” cho lan đột biến: Trò lừa đảo bạc tỷ có chấm dứt?

(DS&PL) -

Gần đây, công an các tỉnh đã cảnh báo về những thương vụ lừa đảo bạc tỷ liên quan đến lan đột biến. Giải pháp cấp “giấy khai sinh” cho lan đột biến liệu có ngăn chặn được

Gần đây, công an các tỉnh đã cảnh báo về những thương vụ lừa đảo bạc tỷ liên quan đến lan đột biến. Giải pháp cấp “giấy khai sinh” cho lan đột biến liệu có ngăn chặn được rủi ro cho cả người mua và bán?

Những thương vụ bạc tỷ từ lan đột biến

Những năm trở lại đây, lan đột biến gây chú ý khi có những tay chơi chịu chi hàng chục tỷ đồng để sở hữu một nhành hoa. Một centimet lan đột biến được bán với giá từ 1-3 triệu đồng, người bán có thể kiếm lời tiền tỷ chỉ sau 1-2 tháng mua lan... Tuy vậy, việc lan đột biến trở nên “sốt” bất thường khiến công an các tỉnh thành đã phải cảnh báo người mua tránh nhiều chiêu thức lừa đảo thổi giá, sản phẩm không đúng chất lượng.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Bình Phước đã cảnh báo thời gian qua một số huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh đã diễn ra những giao dịch, mua bán hoa lan “đột biến gene” với giá trị từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng.

Hầu hết cuộc mua bán, trao đổi đều diễn ra công khai và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội. "Tuy nhiên, những thông tin về các giao dịch này thường rất mập mờ, thông tin về người bán và người mua không được kiểm chứng", Công an tỉnh Bình Phước cho hay.

Việc này đang gây hoang mang trong giới chơi lan, cũng như người dân, nhiều người kiến nghị về việc cấp “giấy khai sinh” cho lan đột biến để tránh những vấn đề trên.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, anh Hoàng Văn Thể (địa chỉ tại Hà Nội- tên nhân vật đã được thay đổi) là người chơi lan lâu năm, và hiện giờ đang sở hữu một vườn lan rộng lớn, có giá bạc tỷ, cho rằng, việc mua bán, nhân bản, cung ứng lan ra thị trường phải được phép của cơ quan chức năng.

“Nếu người nhân bản hoa lan đơn thuần để chơi, để tặng nhau... thì không vấn đề gì. Nhưng nếu để phục vụ mua bán và cung ứng ra thị trường kiếm tiền tỷ thì tôi nghĩ họ đã là vi phạm pháp luật, vì giấy phép nhân bản, nguồn gốc giống ở đâu là vấn đề không giải thích được”, anh Thể nêu quan điểm.

Cần đánh giá đúng bản chất khi giá quá cao

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng cục Trồng trọt, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)-cho biết, về mặt quản lý, tất cả các giống cây trồng, kể cả là cây hoa phong lan khi đưa ra thị trường phải được cục Trồng trọt cấp giấy phép lưu hành.

"Tất cả các cây trồng, kể cả cây hoa phong lan trước khi bán ra thị trường phải được công nhận thuộc một nhóm giống cây cụ thể. Cục Trồng trọt đã ban hành một văn bản mới nhất gửi cho tất cả các đơn vị, đề nghị các sở NN&PTNT địa phương kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, sản xuất các loại giống cây trồng phải được công bố lưu hành, đảm bảo các quy định của pháp luật, trong đó có cả cây phong lan" - Cục trưởng cục Trồng trọt cho biết.

Riêng đối với cây lan đột biến đang sốt hiện nay, ông Cường bày tỏ: "Những cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến tiền tỷ trong thời gian gần đây được nhiều cơ quan truyền thông đưa tin theo kiểu tung hô loạn lên, kiểu giá trị khủng khiếp khiến người dân đổ xô vào. Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông cần lưu ý, khi đưa thông tin này cần gắn tới những điều kiện cụ thể để người dân có cái nhìn toàn diện, không thì nguy hiểm cho dân".

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Rau quả (bộ NN&PTNT) - cho biết, lan Phi điệp đột biến trong tương lai sẽ không còn hiếm bởi loại cây này hoàn toàn có thể được nhân giống bằng cách nuôi cấy mô, tốc độ nhân giống nhanh theo cấp số nhân.

Chuyện nhân giống bằng cách nuôi cấy mô với các loại lan Phi điệp đột biến như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, 5 cánh trắng Hiển Oanh, hay như những cây Bướm đại ngàn mới được đấu giá cả chục tỷ đồng... quá đơn giản.

PGS.TS Đặng Văn Đông

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, lan đột biến là mặt hàng đặc biệt, có giá trị về mặt tinh thần, không đơn thuần là giá trị sử dụng cụ thể nên giá trị được định giá cao, thậm chí theo từng cá thể là dễ hiểu. “Tuy nhiên, khi nó có giá mua bán quá cao thì cần đánh giá lại đúng bản chất. Về nguyên tắc, nếu họ chỉ mang giống đó đến mà không có giống gốc thì khó có thể xác định nó là đột biến từ giống nào.

Để xác định được giống đó là giống đột biến thì trước hết phải có giống gốc ban đầu mà so sánh. Ngoài ra, theo tôi, với các mẫu giống tự nhiên khác nhau, hiện nay thông dụng chỉ có thể so sánh thông qua hình thái và dùng chỉ thị phân tử để xác định mối quan hệ di truyền. Trong đột biến nhân tạo, biết được giống gốc thì thường người ta so sánh hai bản ADN, từ đó xác định được nó xảy ra đột biến ở đoạn nào, sau đó giải trình từ đoạn đó nhằm nghiên cứu bản chất di truyền đột biến và nghiên cứu chức năng gene”, ông Đông phân tích.

Bên mua có thể khởi kiện nếu chất lượng và nguồn gốc lan không đúng

Về mặt pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thị trường hàng hoá là tự do lưu thông, các giá trị do hai bên tự thoả thuận với nhau. Nói cách khác, đây là một hình thức mua bán tự phát, có cả sự đồng thuận của bên bán và bên mua nên nếu có dấu hiệu lừa đảo cũng chỉ đơn giản là cảnh báo của cơ quan chức năng.

“Việc cấp giấy khai sinh cho hoa lan đột biến gene được hiểu là chứng nhận về xuất xứ, nguồn gốc tạo ra cây lan đó. Bên bán có thể cung cấp thông tin cũng như nguồn gene về cây lan họ bán ra thị trường. Trong trường hợp bên bán không thể đảm bảo về chất lượng hay nguồn gốc của sản phẩm thì người mua hoàn toàn có thể khởi kiện bên bán theo Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, với các mặt hàng nông sản hay hàng hoá thông thường thì vô cùng dễ dàng, song nếu là cây lan thì hình thức cấp giấy khai sinh quả thực còn mới và gặp nhiều khó khăn”, luật sư Lực nêu quan điểm.

Lê Liên - Lê Trà

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (133)

Tin nổi bật